Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 10/08/2016
Ngày cập nhật:
12/8/2016
Khi mặt trời dần khuất sau những dãy nhà cao tầng nhấp nhô của thành phố Đông Hà (Quảng Trị) cũng là lúc hàng trăm cặp chim yến từ xa bay về chao liệng rồi chui vào trú ngụ trên tầng cao nhất của ngôi nhà anh Phan Văn Thư. Âm thanh của đồng loại từ chiếc loa gắn trên nóc nhà phát ra như gọi mời các “đôi uyên ương” loài yến trở về tổ ấm mà chúng đã “quen hơi, bén tiếng” cách đây hơn một năm.
Anh Phan Văn Thư đang lắp đặt hệ thống âm dẫn dụ yến về tổ
Tận mắt chứng kiến hàng trăm con chim yến chao liệng trên bầu trời rồi chui vào trú ngụ trong tầng cao nhất ngôi nhà của anh Phan Văn Thư ở phường 2 (thành phố Đông Hà), tôi mới thực sự tin ngay tại thành phố đầy nắng và gió này vẫn nuôi được yến. Bởi lâu nay loài chim yến vốn sống trên các vách đá cheo leo ở các hòn đảo ven biển miền Trung. Anh Thư cho biết, nghề nuôi chim yến “bén duyên” với anh rất tình cờ. Trong một lần đi giám sát công trình tại Bệnh viện Trung ương Huế, anh gặp người bạn trong lĩnh vực xây dựng và là một chuyên gia nuôi chim yến. Qua trò chuyện, anh Thư mới biết chim yến có thể nuôi được ở bất cứ nơi nào chứ không hẳn là chỉ phù hợp ở những nơi gần biển như lâu nay anh vẫn nghĩ. Để thỏa mãn tính hiếu kỳ, anh Thư bắt đầu vào internet để tìm hiểu thông tin về nghề nuôi chim yến. Qua tìm hiểu, anh nhận thấy đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao nếu thực hiện đúng quy trình. Thế là anh thuê chuyên gia trong lĩnh vực nuôi yến về khảo sát và làm thử nghiệm. Qua thử nghiệm một thời gian, chỉ có 3 - 4 đôi chim yến về làm tổ (theo chuyên gia thì số lượng yến về làm tổ phải từ 25 - 30 đôi trở lên mới đảm bảo thành công). Không thất vọng với kết quả ban đầu, anh Thư vẫn quyết định theo đuổi nghề nuôi yến. “Chỉ cần có chim yến về làm tổ dù ít nhưng dần dần nó sẽ thu hút đồng loại tới đông hơn, “tiếng chim gọi bầy” là vậy,” anh Thư nhận định.
Anh Thư cho biết thêm, năm 2014 anh lặn lội vào các tỉnh, thành phía Nam có nghề nuôi chim yến phát triển tham quan, học hỏi kinh nghiệm để trang bị vốn kiến thức thực tiễn cần thiết cho mình sau này. Đến năm 2015, anh đầu tư 300 triệu đồng cải tạo ngôi nhà cũ diện tích 75 mét vuông của gia đình để tiến hành nuôi chim yến. Ngôi nhà thiết kế theo hình khối chữ nhật, hai bên tường tạo các lỗ thông khí cho chim yến có thể bay vào ra một cách tự do với kích thước lỗ 45 x 30cm. Học tập kinh nghiệm từ Indonesia về dùng âm thanh thu hút chim yến, anh lắp đặt hệ thống loa ngoài phát qua ampli mắc trên mái nhà cùng những chiếc loa nhỏ phát ngay trong nhà nuôi để dẫn dụ chim yến. Máy làm mát, phun sương duy trì nhà yến ở nhiệt độ phù hợp từ 27 đến 290C, độ ẩm là 75- 90% nhằm đảm bảo điều kiện môi trường sống lý tưởng cho yến đến sinh sống.
Sau khi hoàn thành các công đoạn chuẩn bị, anh Thư bắt đầu đưa âm thanh, chất tạo mùi bầy đàn và kỹ thuật được học vào dẫn dụ yến. Mấy ngày đầu phát nhạc, số lượng chim yến bay tới rất ít, chỉ có khoảng 6, 7 con đến ở. Rồi sau 2 tháng, 3 tháng tình hình cũng không mấy khả quan, số lượng yến chỉ tăng lên 15 con. “Lúc đó, tôi cảm thấy rất thất vọng, không hiểu lý do tại sao chim yến lại không đến ở mặc dù đã làm theo đúng tất cả các quy trình kỹ thuật” anh Thư tâm sự.
Không nản chí trước thất bại, anh Thư quyết tìm cho ra nguyên nhân, xem đã sai ở bước nào để tìm hướng khắc phục. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh Thư đưa ra nhận định khi môi trường bên trong nhà yến hoàn toàn đạt yêu cầu, thì nguyên nhân có thể do âm thanh dẫn dụ không thu hút, hấp dẫn được chim yến. Bởi lẽ file âm thanh thu hút chim yến bán trên thị trường mang tính phổ biến, khi đưa vào sử dụng ở địa bàn Quảng Trị do nhiều yếu tố về đặc điểm tự nhiên, vị trí địa lý vùng miền nên nó không đem lại hiệu quả như mong đợi.
Xác định được nguyên nhân, thế nhưng việc khắc phục lại là một vấn đề không phải chuyện dễ dàng. Sau nhiều đêm thức trắng, mò mẫm khắp các trang mạng tìm hiểu, anh Thư đã tự mình điều chỉnh, phối nhạc thành một bản âm thanh dẫn dụ yến hoàn chỉnh. Những nỗ lực của anh Thư đã được đền đáp xứng đáng. Sau 1 tháng đưa phát vào hệ thống loa, có khoảng 150-200 con chim yến về làm tổ rồi từng đàn yến lần lượt kéo về. Anh Thư cho biết, chim yến là loài có đặc tính thủy chung, khi chúng đã bay về nhà nào trú ngụ thì không bao giờ bay đi nơi khác. Từng cặp luôn bay với nhau, cùng dùng nước bọt để gây dựng nên những tổ trông như những chiếc thuyền nhỏ. Chim cái đẻ hai trứng và hai chim thay nhau ấp để trứng nở thành hai chim yến. Chúng kiếm mồi về nuôi hai con cho tới khi chim con đủ sức thì cùng chim mẹ bay đi kiếm mồi. Đó chính là lúc anh Thư tiến hành thu hoạch tổ yến. Chim yến là loài sinh sản nhanh, một năm có thể đẻ 3-4 lứa vậy nên khi chim con trưởng thành phải tiến hành thu hoạch tổ yến ngay, tránh trường hợp thất thoát số lượng. Điều thú vị là khi từng đôi chim yến bay về, chúng lại bắt đầu cần cù nhả nước bọt xây tổ mới để đẻ trứng, ấp trứng, nuôi con. Đàn chim yến trong ngôi nhà vào mỗi chiều bay lượn trông thật rộn ràng, vui mắt. Chim yến tự kiếm ăn rồi nhẫn nại xây nên những chiếc tổ bao bọc lấy những chú chim con.
Hiện tại nhà yến anh Thư có gần 2.000 con chim yến đang trú ngụ. Cứ 6 tháng cho thu hoạch trên 4kg yến, với giá thị trường vào khoảng 35 triệu đồng/kg yến thành phẩm đã mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập gần 300 triệu đồng mỗi năm. Anh Thư chia sẻ, từ nuôi yến đến việc thu hoạch với số lượng lớn, đại trà cần khoảng thời gian gần 2 năm để chim yến thuần hóa, ổn định môi trường sống. Bên cạnh đó khâu thu hoạch yến là một công đoạn hết sức quan trọng, phải chú ý quan sát qua hình ảnh camera, khi nhận thấy chim bay đi kiếm ăn khoảng 95% tổng số lượng đàn thì tiến hành thu hoạch tổ yến. Tổ yến sau khi thu hoạch được sấy khô, tinh chế, loại bỏ các tạp chất nhằm đảm bảo chất lượng của sản phẩm. Để tìm kiếm thị trường đầu ra ổn định cho sản phẩm, anh Thư đã xây dựng thương hiệu yến sào Trường Thọ, tiến hành quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các trang mạng xã hội, bán hàng online cho nhiều đối tượng khách hàng có nhu cầu tìm mua yến sào nguyên chất với giá phải chăng. Anh Thư không chỉ lo làm giàu cho riêng mình mà còn thành lập Câu lạc bộ Yến sào Quảng Trị với 10 thành viên là những người có chung sở thích, đam mê với nghề nuôi yến trong nhà. Mặc dù chỉ mới thành lập thời gian ngắn nhưng câu lạc bộ là nơi anh Thư và mỗi thành viên có thể chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, góp phần đưa thương hiệu Yến sào Quảng Trị được nhiều người đón nhận và phát triển trong thời gian không xa.
“Cũng gian nan với nghề nuôi chim yến này lắm, nhưng giờ thì vui rồi. Không vui sao được khi con chim yến nhỏ bé đang thực sự mang lại nguồn thu nhập cho gia đình tôi. Và hơn hết, cứ buổi chiều nhìn đàn chim yến trở về, từng đôi quấn quít, thủy chung bên nhau, tôi thấy lòng mình ấm áp lắm”, anh Thư trải lòng…
NGỌC DŨNG
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin chăn nuôi khác:
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.