Nguồn tin: Nhân Dân, 09/06/2016
Ngày cập nhật:
12/6/2016
Bài 2: Cần có chiến lược phát triển bài bản, lâu dài
Trong vòng 10 năm, diện tích nuôi tôm ở ĐBSCL tăng hơn gấp hai lần, trong khi thiếu quy hoạch, đầu tư hệ thống thủy lợi, kiểm soát dịch bệnh… khiến cho nghề nuôi tôm đối mặt nhiều rủi ro. Để nghề nuôi tôm phát triển bền vững cần có chiến lược bài bản, lâu dài.
Quy hoạch thiếu bền vững
Mặc dù diện tích nuôi tôm vùng ĐBSCL rất lớn nhưng đến nay, ngành nông nghiệp chưa có quy hoạch riêng cho nghề nuôi tôm mà mới chỉ dừng lại ở mức lồng ghép chung vào quy hoạch thủy sản. Một số địa phương có quy hoạch nuôi trồng thủy sản (trong đó có con tôm) nhưng quy hoạch thiếu thực tế, cơ sở khoa học để phát triển bền vững, chủ yếu quy hoạch nặng về xác định diện tích và sản lượng mà chưa gắn kết với mối liên hệ khác như nông nghiệp, chế biến, hệ thống thủy lợi, hạ tầng phục vụ nuôi tôm... cho nên nghề nuôi tôm đối mặt với nhiều rủi ro.
Thủy lợi đóng vai trò quan trọng phục vụ cho nghề nuôi trồng thủy sản (NTTS), nhất là con tôm. Thiệt hại lớn trong vụ tôm ở một số tỉnh ven biển ĐBSCL vừa qua, ngoài do thiên tai, một phần do hạn chế từ công tác thủy lợi. Cụ thể, các vùng chuyên tôm quảng canh và quảng canh cải tiến nằm sâu ở nội đồng, hệ thống thủy lợi không đáp ứng được yêu cầu sản xuất, thiếu nguồn nước cấp bổ sung cho vuông tôm. Vì vậy, khi nắng gắt, nhiệt độ và độ mặn của nước tăng rất cao, khiến tôm nuôi bị chết.
Thấy rõ tầm quan trọng của công tác “trị thủy” cho nên từ sau chuyển đổi sản xuất (năm 2000) đến nay, tỉnh Cà Mau đã dành hơn 4.700 tỷ đồng để đầu tư cho công tác thủy lợi phục vụ sản xuất. Nhờ đó, sản lượng tôm từ 49.233 tấn vào năm 2000, đã đạt 163.980 tấn vào năm 2015. Song, hệ thống thủy lợi hiện có vẫn chưa bảo đảm phục vụ tốt cho nghề nuôi tôm. Do nguồn vốn hạn hẹp, đầu tư cho thủy lợi còn dàn trải, chắp vá, các tiểu vùng chuyên nuôi tôm tại tỉnh Cà Mau vẫn chưa có hệ thống thủy lợi được đầu tư hoàn thiện.
Thu hoạch tôm thẻ chân trắng nuôi theo mô hình siêu thâm canh trong nhà kính của Công ty TNHH sản xuất - thương mại Trúc Anh (xã Vĩnh Trạch, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu).
Để gỡ khó cho người nuôi tôm trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn khốc liệt, trước mắt, tỉnh Sóc Trăng nạo vét kênh thủy lợi, gia cố đê, bờ bao, cống, đập, hỗ trợ vốn sản xuất, hỗ trợ các dụng cụ chứa nước và cung cấp sinh hoạt cho bà con sử dụng với tổng kinh phí hơn 177 tỷ đồng. Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người dân thận trọng khi thả giống vào thời điểm nắng nóng và đầu mùa mưa nếu ao nuôi chưa bảo đảm. Đối với những ao đang nuôi, cần theo dõi sát diễn biến độ mặn ngoài kênh rạch, chuẩn bị ao lắng, ao chứa kỹ lưỡng để canh lấy nguồn nước khi độ mặn thích hợp; thời tiết chưa ổn định thì không nên thả nuôi. Tỉnh đã và đang xây dựng, nhân rộng những mô hình nuôi tôm hiệu quả như: nuôi tôm sú kết hợp luân canh, xen canh với các đối tượng khác; phát triển mô hình tôm - lúa ở vùng nhiễm mặn thấp (mùa khô nuôi tôm quảng canh hoặc quảng canh cải tiến, mùa mưa trồng lúa xen canh với nuôi tôm càng xanh, cá…); tôm thẻ luân canh với nuôi các loại cá rô-phi vằn, rô-phi đỏ, cá bông lau, cá chẽm, cá đối, cá kèo...
Nhân rộng các mô hình tôm - lúa
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng Trần Đình Luân cho biết: Về lâu dài, tỉnh tiếp tục huy động các nguồn vốn đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, phân định rạch ròi các vùng ngọt, mặn, lợ, phục vụ tốt việc chủ động cấp, thoát nước cho việc nuôi tôm. Đối với các vùng nuôi tôm sát biển bị nhiễm mặn nặng, Sóc Trăng sẽ quy hoạch, chuyển dịch cơ cấu sản xuất sang: làm muối, nuôi các loại cá nước mặn... Trong việc rà soát, quy hoạch lại vùng nuôi tôm, tỉnh ưu tiên mở rộng mô hình tôm - lúa, vì thực tế mô hình này đã mang lại hiệu quả cao, bền vững trong thời gian qua, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu diễn ra gay gắt. Đồng thời xây dựng, phát triển các hình thức kinh tế tập thể, vận động các hộ nuôi tôm vào tổ hợp tác, hợp tác xã, xây dựng chuỗi liên kết, sản xuất có trách nhiệm với cộng đồng. Làm tốt khâu này góp phần giúp cho nông dân nuôi tôm vùng hạn, mặn trong tỉnh có điều kiện thuận lợi cùng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi tôm, hỗ trợ vốn sản xuất, sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh...
Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung cho biết: Trong đợt hạn, mặn vừa qua, diện tích tôm nuôi bị thiệt hại tập trung ở mô hình nuôi tôm quảng canh, chủ yếu dựa vào môi trường tự nhiên. Còn diện tích nuôi tôm thâm canh (công nghiệp) và bán thâm canh (bán công nghiệp) ít bị thiệt hại. Đồng chí kiến nghị: “Nuôi tôm công nghiệp đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn. Vì vậy, để chuyển đổi sang nuôi tôm công nghiệp, Chính phủ có chính sách hỗ trợ vốn cho người dân, doanh nghiệp đầu tư vào hình thức nuôi này nhằm giảm thiểu rủi ro”.
Với diện tích hơn 260 nghìn ha nuôi tôm, ba mặt giáp biển, Cà Mau có điều kiện thuận lợi phát triển trở thành “vựa tôm” của cả nước. Để nghề nuôi tôm phát triển bền vững trong điều kiện hạn, mặn, biến đổi khí hậu, Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử khẳng định: Ngành nông nghiệp cần phải quy hoạch lại nghề nuôi tôm và đầu tư hệ thống thủy lợi, nạo vét các trục sông chính, các kênh cấp thoát nước cho các vùng nuôi đã bị bồi lắng; đầu tư hệ thống quan trắc cảnh báo môi trường chuyên nghiệp và hiện đại để phục vụ có hiệu quả cho nuôi trồng thủy sản. Xây dựng, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả cao, thích ứng với biến đổi khí hậu như: nuôi tôm quảng canh, quảng canh cải tiến ít thay nước; nuôi tôm công nghiệp hai giai đoạn, tuần hoàn nước khép kín; nuôi tôm kết hợp nuôi cá rô-phi… gắn với việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để làm cơ sở xây dựng liên kết sản xuất với các doanh nghiệp cung ứng các yếu tố đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra; đồng thời tăng cường quản lý chất lượng con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học và thuốc thú y phục vụ nuôi trồng thủy sản…
Hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ GS Võ Tòng Xuân: Ngành nông nghiệp cần có quy hoạch vùng chuyên canh nuôi tôm để có kế hoạch đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật phục vụ nghề nuôi tôm theo hướng công nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần rà soát, xem xét lại quy hoạch vùng ngọt hóa Cà Mau có còn phù hợp với việc nuôi tôm nữa hay không, nhất là trong điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn sâu và gay gắt như hiện nay.
NHÓM PHÓNG VIÊN ĐBSCL
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.