Nguồn tin: Hà Nội Mới, 28/12/2016
Ngày cập nhật:
29/12/2016
Năm 2016, diễn biến bất thường của thời tiết đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động nuôi trồng thủy sản, khiến nguồn nguyên liệu bị thiếu hụt. Trên thị trường quốc tế, các nước nhập khẩu gia tăng hàng rào kỹ thuật đặt ra cho Ngành Thủy sản Việt Nam nhiều thách thức trong năm 2017 với mục tiêu giữ mức tăng trưởng ổn định.
Thiếu hụt nguồn nguyên liệu
Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), sản lượng nuôi trồng thủy sản cả nước 11 tháng năm 2016 đạt hơn 3,2 triệu tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2015. Hoạt động khai thác thủy sản cũng đạt sản lượng hơn 2,8 triệu tấn, tăng 2%. Dự kiến, giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2016 sẽ đạt 8 tỷ USD, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm truớc. Trong đó, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc là 4 thị trường nhập khẩu hàng đầu, chiếm 54,1% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản.
Chế biến cá tra xuất khẩu tại TP Cần Thơ. Ảnh: Huy Hùng
Dù vẫn có mức tăng trưởng khá, đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của nông nghiệp Việt Nam, nhưng Ngành Thủy sản đang đối mặt với nhiều thách thức và khó khăn. Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Ngọc Oai, hiện là thời điểm nhu cầu sử dụng nguyên liệu của các doanh nghiệp tăng cao nhưng các nhà máy đang thiếu hụt nguồn nguyên liệu, chỉ hoạt động cầm chừng với công suất từ 40 đến 50%.
Nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu nguyên liệu là do thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài dẫn đến thiếu nước, nhiệt độ tăng và độ mặn cao làm tôm bị suy yếu, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển. Các yếu tố "đầu vào" như tôm giống, hóa chất dùng xử lý cải tạo môi trường, chế phẩm sinh học chất lượng cũng không bảo đảm… Từ đầu năm đến nay, diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước bị thiệt hại gần 60.000ha, tăng 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Không chỉ thiếu hụt nguyên liệu tôm, nguyên liệu cá tra cũng thiếu, đến nay chỉ còn 300.000 tấn. Dự báo, từ nay đến hết tháng 2-2017, lượng cá tra nuôi tại Đồng bằng sông Cửu Long không đủ cho chế biến và xuất khẩu. Bên cạnh đó, một số nơi, quá trình nuôi trồng còn chưa bảo đảm an toàn thực phẩm dẫn tới sản phẩm thủy sản của Việt Nam bị từ chối nhập khẩu vào một số thị trường lớn như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản… Theo khảo sát của Tổ chức Phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), những năm gần đây, khoảng 10% sản phẩm thủy sản Việt Nam bị từ chối ở thị trường Châu Âu; 30% sản phẩm thủy sản bị từ chối nhập khẩu vào Nhật Bản. Điều này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới giá trị xuất khẩu, mà còn tác động xấu tới các mặt hàng thủy sản Việt Nam trên thị trường thế giới.
Nâng cao cạnh tranh bằng chất lượng
Năm 2017, Ngành Thủy sản Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức lớn bởi việc gia tăng hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu. Do đó, để giữ vững tăng trưởng, thời gian tới, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong quá trình nuôi trồng. Trong đó, các địa phương cần tập trung nâng cao chất lượng con giống, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi; gắn vùng nguyên liệu với nhà máy chế biến để cung cấp đủ nguồn nguyên liệu phục vụ hoạt động xuất khẩu.
Ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, để bảo đảm nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu, các doanh nghiệp, hộ dân cần liên kết với nhau tạo thành chuỗi khép kín. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho nông dân áp dụng quy trình nuôi an toàn, VietGAP để kiểm soát chặt chẽ chất lượng sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào, tới thương phẩm.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định: Năm 2016, thủy sản là một trong những lĩnh vực quan trọng giúp Ngành Nông nghiệp đạt mức tăng trưởng theo kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, xuất khẩu thủy sản vẫn đang phải cạnh tranh khốc liệt, nhiều nước khác cũng đang tập trung thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng này. Vì vậy, các doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của nước nhập khẩu cũng như quy định về ghi nhãn mác, quy cách đóng gói bảo đảm chất lượng.
Điều cần lưu ý là các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát nguyên liệu đầu vào, tuyên truyền khuyến cáo người dân nuôi trồng đúng quy trình để bảo đảm an toàn thực phẩm. Về khai thác thủy sản, ngư dân và doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ bảo quản sau thu hoạch, tổ chức sản xuất theo chuỗi để nâng cao hiệu quả. Các doanh nghiệp cần chủ động đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh ở tất cả các thị trường.
Quỳnh Dung
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.