Nguồn tin: Báo An Giang, 10/06/2016
Ngày cập nhật:
12/6/2016
Từ lâu, búng Bình Thiên (An Phú, An Giang) được mệnh danh là “hồ nước trời” rộng lớn, có nhiều loài thủy sản sinh sống, nhưng đã cạn kiệt trong vài năm gần đây. Ngành chức năng và các nhà khoa học đã tính đến giải pháp bảo tồn và khai thác thủy sản bền vững tại hồ nước ngọt này.
Hồ nước thiên tạo
Cơn mưa bất chợt của những ngày tháng 5 âm lịch ùa về, búng Bình Thiên trở nên “căng nước”. Xa xa, mặt nước hồ trong xanh phẳng lặng. Cạnh những chiếc thuyền chài, lưới của “ngư phủ” đang đánh cá tạo nên một bức tranh quê tuyệt đẹp. Búng Bình Thiên được sự bao bọc bởi con lộ nhựa nông thôn vắt ngang qua 3 xã: Quốc Thái, Khánh Bình và Nhơn Hội. Với diện tích mặt nước rộng khoảng 142 héc-ta, ngoài cung cấp lượng nước tưới nông nghiệp khổng lồ, búng Bình Thiên còn mang nhiệm vụ quan trọng là tải nước ngọt cho bà con sinh hoạt quanh vùng. Lão nông tri điền Nguyễn Văn Chóc (89 tuổi, ấp búng Lớn, xã Quốc Thái) nói rằng, nhờ có búng Bình Thiên mà bà con ở đây luôn có nước uống và sản xuất quanh năm. Ngoài ra, hồ nước còn cung cấp một lượng lớn thủy sản, giúp bà con cải thiện một phần bữa ăn trong gia đình. “Ngày trước, vào mùa lũ, cá, tôm ở búng Bình Thiên phong phú, người dân chỉ bắt cá bự để ăn, còn cá nhỏ thả lại để sinh sôi, duy trì cho con cháu. Hiện nay, nhiều loài cá to như: Cá hô, cá leo dường như không thấy nữa, do sự tác động của môi trường tự nhiên” - cụ Chóc nhớ lại cái thời đã xa.
Nuôi thủy sản tại búng Bình Thiên
Vào mùa lũ, diện tích mặt nước ở búng Bình Thiên rộng khoảng 300 héc-ta, tạo môi trường cho vô số loài thủy sản từ đầu nguồn sông Mekong trôi dạt về trú ngụ, sinh sôi. Những năm gần đây, búng Bình Thiên được lữ khách trong nước biết đến, bởi vẻ đẹp lung linh và huyền ảo của một hồ nước ngọt. Khi đặt chân đến đây, lữ khách có thể ghé thăm thánh đường Khay Riyah nằm soi bóng bên dòng búng Bình Thiên tuyệt đẹp. Phó cả thánh đường Khay Riyah, Mách Sa Lếs bày tỏ: “Đồng bào Chăm chủ yếu sống dọc theo búng Bình Thiên và ven sông Bình Di, với khoảng 670 hộ/2000 nhân khẩu. Nếu trước kia, cuộc sống của người dân còn nghèo thì giờ đây được sự hỗ trợ của Nhà nước mà nhà cửa khang trang, đời sống cơ bản ổn định…”.
Tìm cá trên búng Bình Thiên
Gần đây, ngành chuyên môn, nhà khoa học đã tiến hành khảo sát, nắm lại số lượng loài thủy sản còn sống thực tế tại búng Bình Thiên để việc bảo tồn và phát triển các loài sinh vật trong tự nhiên thật sự hiệu quả. Hôm theo họ ra khơi “mục sở thị”, mới thấy hết không khí sinh động của từng thành viên với việc sưu tầm mẫu cá. Chắc có lẽ nhắc đến búng Bình Thiên một phần vì sự huyền bí hấp dẫn, một phần do nguồn cá tôm ở đây dễ khảo sát nên đã thôi thúc họ thực hiện nhiệm vụ rất miệt mài và chuyên nghiệp. Chiếc ghe cào chạy lạch tạch vụt làn khói đen kịnh trên mặt hồ kéo tấm lưới để đánh bắt thủy sản. Các nhà chuyên môn trố mắt tìm, lựa và phân nhóm những loài thủy sản, rồi cùng nhau phân tích, đánh giá rất bài bản. Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Huy, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thủy sản An Giang nói rằng, hàng tháng, Chi cục Thủy sản cùng Trường đại học Cần Thơ, Trường đại học An Giang đến búng Bình Thiên tiến hành thu mẫu cá, đất và nước đã thu hoạch được vô số loài thủy sản như: Cá trê, cá tra, cá cơm, cá dảnh, cá chạch, thác lác, cá cóc, cá nóc, cá mè rổ…
“Lần này, chúng tôi đã thu được mẫu cá linh vỏ, đây là loài cá mới xuất hiện tại búng Bình Thiên. Nếu có những loài thủy sản nào di cư đến nơi khác sinh sống thì chúng tôi sẽ tiến hành tái tạo nguồn lợi thủy sản để bảo tồn sao cho hiệu quả trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay. Mặt khác, sẽ cùng địa phương và ngành chức năng xây dựng búng Bình Thiên thành điểm du lịch nổi tiếng, thu hút du khách xa gần” - Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Huy cho biết thêm, đang thực hiện dự án bảo tồn nguồn lợi thủy sản, kết hợp với việc phát triển du lịch ở búng Bình Thiên. Trong 3 năm, Chi cục Thủy sản sẽ nắm lại toàn bộ số loài cá tại búng Bình Thiên và tính đến chuyện xây nhà trưng bày các mẫu cá đang tồn tại tại hồ nước ngọt này.
Tiến sĩ Chau Thi Đa (Trường đại học An Giang) nhìn nhận, trước đây búng Bình Thiên được xem là “túi cá” nước ngọt, nhưng hiện nay đã giảm mạnh. Để bảo tồn nguồn lợi thủy sản, điều cốt lõi là người dân phải ý thức được việc đánh bắt cá và bảo vệ môi trường nước tại búng Bình Thiên. Mặt khác, ngành chức năng và địa phương phải vận động tuyên truyền người dân không nên xả thải, nuôi súc vật, gia cầm quanh xóm búng. “Trước đây, ngành chức năng cũng đã nhiều lần tiến hành thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản tại đây. Thế nhưng, thả xong rồi thì người dân lại dùng chài, lưới vây bắt cá. Nếu bảo tồn hiệu quả thì phải mạnh dạn cấm khai thác đánh bắt từ 1-2 năm. Sau đó, quy hoạch một đoạn cấm khai thác tuyệt đối thủy sản, gắn với khai thác du lịch thì búng Bình Thiên thì mới thu hút lữ khách” - tiến sĩ Chau Thi Đa nhấn mạnh.
Tiến sĩ Chau Thi Đa đặt ra giải pháp: “Giữa búng Bình Thiên đang bị bồi lấp, rong tảo mọc nhiều đã lấn át môi trường sống của các loài thủy sản. Quanh búng, xuất hiện nhiều chuồng trâu, bò…, gây ô nhiễm nguồn nước. Có thể trồng cây điên điển, sậy hoặc lúa mùa nổi ven búng để tạo vùng đệm cho các loài thủy sản trú ngụ, sinh sản. Trước đây, tại búng Bình Thiên có trên 100 loài thủy sản tồn tại. Theo đó, có nhiều dự án bảo tồn thủy sản, nhưng về phần “hậu” dự án thì không đặt ra nên thực hiện xong rồi thì “cuốn chiếu”, thử hỏi làm sao bảo vệ hay bảo tồn được?”.
LƯU MỸ
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.