Nguồn tin: Báo Hòa Bình, 26/07/2016
Ngày cập nhật:
28/7/2016
Khu vực hồ Bãi Sang, xã Phúc Sạn (Mai Châu) nơi có lượng cá lồng nuôi thiệt hại lớn.
Tháng 7 cũng là mùa nước lũ đổ về, các hộ làm nghề nuôi cá lồng trên vùng hồ thủy điện Hòa Bình thuộc xóm Phúc, xóm Gò Mu và tổ Bãi Sang vừa gặp rủi ro khi cá nuôi lồng trên sông chết hàng loạt. Đáng kể, một số lồng cá chiên thương phẩm có giá trị bị chết trắng lồng.
Ông Bùi Văn Kế, một trong những hộ thiệt hại về cá lồng lớn nhất tại tổ Bãi Sang kể lại: “Dòng nước đục quét qua chỉ quãng 2 giờ đồng hồ, từ 2 giờ đêm đến tảng sáng cùng ngày, vậy mà cả lồng cá chiên bị ngạt khí oxy chết sạch. Mất một năm rưỡi đầu tư vốn liếng, bỏ công chăm sóc ngày đêm, chỉ chờ tháng cuối năm thu hoạch vậy mà trong phút chốc, gia đình bỗng trắng tay”. Theo ông Kế, nhà ông có 4 lồng cá nuôi bị thiệt hại gồm 2 lồng cá thương phẩm, 2 lồng cá mới ương giống từ đầu năm nay. Riêng 2 lồng cá chiên bị chết có trọng lượng khoảng 4 tạ với giá bán thương phẩm 400.000 đồng/kg, gia đình ông thiệt hại khoảng 160 triệu đồng.
Cùng cảnh ngộ với hộ ông Bùi Văn Kế còn 15 hộ khác là hộ các ông: Hứa Văn Sơn, Hứa Văn Thái, Vũ Hùng Cường, Lương Văn Đại, Lương Văn Lợi ở tổ Bãi Sang; Lò Văn Tinh, Đinh Văn Luân ở xóm Phúc; Bùi Văn Soạn, Đinh Văn Huân ở xóm Gò Mu… Bình quân mỗi hộ thiệt hại từ 70 - 80kg cá. Số lượng chết phần lớn là cá đặc sản, giá trị kinh tế cao, mang về nguồn thu chủ lực đối với hộ làm nghề nuôi thủy sản. Được biết, nuôi cá lồng vốn được các hộ ở các xóm thuộc xã vùng hồ này xác định là nghề truyền thống. Ngoài một số hộ có kinh nghiệm hàng chục đến vài chục năm như ông Bùi Văn Kế, Hứa Văn Sơn ở tổ Bãi Sang hiện có nhiều hộ khác triển khai nuôi cá lồng bè nhằm tận dụng điều kiện, lợi thế mặt nước, góp phần giảm nghèo và phát triển kinh tế hộ. Đặc biệt từ năm 2015 đến nay, một số hộ mạnh dạn đầu tư nuôi cá đặc sản như chiên, bỗng… Tuy nhiên, lứa cá đặc sản đầu tiên triển khai chưa kịp đến vụ thu hoạch đã chết hàng loạt. Hộ thiệt hại chỉ còn biết kéo cá lên bờ, đào hố chôn lấp để tránh phân hủy gây ô nhiễm môi trường nuôi.
Tình hình cá chết tại xã được các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh làm rõ nguyên nhân bằng việc lấy mẫu nước, mẫu cá gửi về Trung tâm quan trắc môi trường và bệnh thủy sản miền Bắc. Vào trung tuần tháng 7 cho kết quả phân tích mẫu nước tại xã Phúc Sạn có hàm lượng oxy hòa tan cao hơn giới hạn cho phép từ 1,1 - 2,6 lần. Trên mẫu cá thấy có nhiễm vi khuẩn Aeromonas là những loài vi khuẩn có thể gây bệnh làm chết cá khi gặp điều kiện môi trường nuôi bất lợi. Đồng chí Hoàng Văn Son, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản nhận định, hiện tượng cá chết ở xã Phúc Sạn chủ yếu do ảnh hưởng điều kiện môi trường nuôi, cụ thể là mực nước lòng hồ xuống thấp, kết hợp nắng, nóng kéo dài, biên độ dao động nhiệt độ ngày - đêm lớn, nước hồ đục, hàm lượng phù sa lớn bám vào mang cá làm cản trở quá trình hô hấp của cá dẫn đến cá thiếu oxy và chết.
Đến thời điểm này, các biện pháp khắc phục đã và đang tiếp tục thực hiện. Với các lồng cá đang nuôi có hiện tượng chết rải rác, các hộ đã dùng chế phẩm viên treo lồng tan chậm để cải thiện môi trường và diệt khuẩn. Hộ nuôi cá tăng cường sử dụng vôi bột với liều lượng phù hợp nhằm giảm mật độ vi khuẩn, phòng bệnh cho cá bằng thuốc. Khuyến cáo đối với lồng cá đạt kích cỡ thương phẩm khẩn trương có kế hoạch thu hoạch, kéo lồng ra xa bờ và những hộ có ao chuyển cá từ lồng lên ao nuôi. Tình hình thiệt hại do thiên tai tại xã Phúc Sạn cũng đã được xác minh thực tế làm căn cứ để Sở NN & PTNT báo cáo UBND tỉnh xem xét nguồn kinh phí hỗ trợ. Đây cũng là nguyện vọng của các hộ nhằm phần nào khắc phục hậu quả, đầu tư tái sản xuất sau thiên tai.
Để hạn chế thiệt hại cho sản xuất thủy sản trong mùa mưa bão, khuyến cáo chung đối với các hộ nuôi cá lồng ở vùng hồ nếu thấy môi trường nước đục, cá kém ăn và bơi lội chậm chạp cần cung cấp oxy ngay bằng cách sử dụng máy bơm nước, máy quạt nước hoặc máy sục khí. Gia cố lồng nuôi vững chắc, di chuyển vào nơi neo đậu an toàn. Sử dụng vôi và các chế phẩm sinh học cải tạo môi trường lồng nuôi, ao nuôi. Tăng cường cho cá ăn đầy đủ, đúng liều lượng với các loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao và bổ sung vitamin tổng hợp. Thường xuyên vệ sinh lồng, lưới để luôn được thông thoáng, không xả rác, thức ăn ôi thiu, nấm mốc xuống khu vực lồng bè và môi trường xung quanh.
Bùi Minh
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.