Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 28/07/2016
Ngày cập nhật:
1/8/2016
Chiều 28-7, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì cuộc họp xem xét miễn, giảm lãi vay cho người nuôi tôm bị thiệt hại trên địa bàn thị xã Ninh Hòa.
10 năm không thể thu dứt điểm nợ gốc và lãi
Hiện nay, Ninh Hòa còn 207 hộ vay vốn của Agribank nuôi tôm từ giai đoạn 2001 - 2006 vẫn chưa trả dứt điểm nợ cho ngân hàng (NH). Tính đến ngày 31-5, tổng nợ gốc còn hơn 6,4 tỷ đồng và tổng nợ lãi lên tới hơn 20,9 tỷ đồng.
Trong đó, xã Ninh Lộc là địa phương có số hộ nuôi tôm còn nợ NH nhiều nhất với 92 hộ vay; số nợ gốc còn hơn 4,2 tỷ đồng và nợ lãi còn hơn 12,6 tỷ đồng. Chỉ riêng thôn Tam Ích của xã Ninh Lộc đã có 68 hộ vay còn nợ NH. Ngày 27-7, chúng tôi khảo sát tại một số hộ vay cho thấy các hộ khó khăn trong việc trả nợ. Năm 2002, hộ bà Nguyễn Thị Lư (76 tuổi, thôn Tam Ích) vay Agribank Chi nhánh Ninh Hòa tổng cộng 50 triệu đồng, khoản vay đến hạn năm 2004, tài sản thế chấp là nhà ở và đất đìa. Đến nay, nhà bà trả được 13,2 triệu đồng gốc và trả lãi 6 triệu đồng; hiện nợ gốc còn 36,8 triệu đồng và tiền lãi sau 14 năm lên tới 110,6 triệu đồng. Bà Lư đã già yếu, chồng chết, giao đìa lại cho các con nuôi tôm trả nợ nhưng lại liên tục thua lỗ.
Quang cảnh cuộc họp
Cùng thôn Tam Ích, hộ ông Nguyễn Văn Giỏi vay 70 triệu đồng năm 2001, khoản vay đến hạn năm 2004. Gia đình mới trả được 10 triệu đồng nợ gốc và 8,1 triệu đồng tiền lãi. Hiện nay, nợ gốc còn 60 triệu đồng và nợ lãi đến hơn 144 triệu đồng. Khi vay, ông Giỏi thế chấp nhà ở và đất đìa. Ông Giỏi bị tai biến, đi lại khó khăn, đìa tôm liên tục thua lỗ nên chưa trả nợ được. Ông Giỏi bảo sẽ bán đìa để trả nợ cho NH.
Năm 2002, ông Nguyễn Văn Giời (thôn Tam Ích) vay 40 triệu đồng để nuôi tôm. Đến nay, gia đình ông mới thanh toán được 100.000 đồng nợ gốc và 1,8 triệu đồng tiền lãi; nợ gốc phải trả còn 39,9 triệu đồng và tổng nợ lãi 87 triệu đồng. Gia đình ông Giời chỉ trông vào thu nhập của ông từ làm thuê và nuôi tôm quảng canh. Không những thế, cha ông Giời là ông Nguyễn Tư cũng vay NH. Ông Tư đã chết để lại khoản nợ gốc 70 triệu đồng chưa trả đồng nào và tiền lãi 160 triệu đồng.
Hàng tháng, ông Vũ Anh Hưởng - cán bộ tín dụng của Agribank Chi nhánh Ninh Hòa phụ trách địa bàn Ninh Lộc đều tới từng hộ vay để thu nợ nhưng số tiền thu được không đáng bao nhiêu. Những năm qua, Agribank Chi nhánh Ninh Hòa đã tích cực áp dụng các biện pháp để thu hồi nợ như: mời khách hàng làm việc để đôn đốc thu hồi nợ theo cam kết, niêm phong tài sản, khởi kiện ra tòa… nhưng do tài sản đìa tôm trước đây định giá khá cao so với thị trường hiện nay, đồng thời, lại nằm ở những vị trí không thuận lợi nên việc phát mãi tài sản thi hành án khó khăn. Hơn 10 năm qua, Agribank Chi nhánh Ninh Hòa vẫn không thể thu dứt điểm nợ gốc và lãi đối với hộ vay nuôi tôm trên địa bàn.
Gia đình anh Nguyễn Chí Dũng (thôn Tam Ích, xã Ninh Lộc), một trong những hộ còn nợ ngân hàng
Xem xét giảm lãi cho người vay
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Agribank Chi nhánh Khánh Hòa đã chỉ đạo Agribank Chi nhánh Ninh Hòa tiến hành rà soát, thống kê toàn bộ các khoản vay nuôi tôm bị thiệt hại tại các xã, phường còn dư nợ; phối hợp với các cấp hội, lãnh đạo UBND xã, phường có liên quan để làm việc với từng hộ vay, xác định cụ thể thực trạng từng khách hàng vay, từng khoản nợ, tài sản thế chấp, nguồn thu nhập, hoàn cảnh gia đình hiện nay, khả năng trả nợ, những khó khăn vướng mắc trong quá trình xử lý nợ… Qua đó, nhận thấy phần lớn các hộ vay nuôi tôm rất khó khăn trong việc trả nợ.
Tại cuộc họp, ông Nguyễn Xuân Huy - Giám đốc Agribank Chi nhánh Khánh Hòa cho biết, trong số 207 hộ vay, có 181 hộ vay có đảm bảo bằng tài sản; 26 hộ vay tín chấp. Trong 181 hộ vay có tài sản đảm bảo, NH mới chỉ khởi kiện và đang đề nghị thi hành án 8 trường hợp, còn 173 hộ vay NH chỉ mới đôn đốc thu hồi nợ, thông báo kê biên và niêm phong tài sản. Tuy nhiên, việc bán tài sản để thu hồi nợ rất khó khăn do đìa nuôi tôm trước đây có giá trị cao hơn nhiều so với giá thị trường hiện nay và thực tế đã phát mãi nhưng không có người mua, còn nhà ở vùng nông thôn, hẻo lánh nên cũng rất khó chuyển nhượng. Thực tế, hầu hết hộ vay không còn làm đìa nữa mà đi làm thuê kiếm sống, hoàn cảnh rất khó khăn. Một số hộ vay già yếu, bệnh tật; một số hộ vay cả vợ chồng đều đã chết, một số đã đi khỏi địa phương.
Lãnh đạo UBND xã Ninh Lộc và Ninh Phú đề nghị NH chỉ thu tiền gốc và tiền lãi trong hạn; NH sẽ thu góp hàng tháng và xã sẽ vận động người dân cố gắng trả nợ. Ông Nguyễn Vĩnh Thạnh - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa cũng đề nghị NH chỉ thu tiền gốc và tiền lãi trong hạn, không tính lãi quá hạn cho bà con. UBND thị xã sẽ phối hợp và chỉ đạo các xã, phường phối hợp thực hiện các thủ tục theo yêu cầu.
Chia sẻ với rủi ro của NH khi cho vay nuôi tôm, ông Trần Sơn Hải đề nghị NH xóa phần nợ lãi quá hạn cho bà con bởi hầu hết các hộ nuôi tôm hiện nay đã ngừng sản xuất, cuộc sống khó khăn. UBND thị xã Ninh Hòa chỉ đạo UBND 12 xã, phường phối hợp với NH xác minh hoàn cảnh từng hộ vay; lập bản cam kết các hộ vay lộ trình trả nợ gốc và lãi cho NH với thời gian tối đa 2 năm, thực hiện đầy đủ các thủ tục theo yêu cầu của NH; vận động bà con trả nợ gốc và lãi cho NH. Đồng chí đề nghị căn cứ tình hình trả nợ gốc và lãi của từng hộ vay, Agribank Chi nhánh Khánh Hòa có chính sách hỗ trợ giảm một phần lãi cho các hộ vay trả nợ tốt.
Ông Nguyễn Xuân Huy - Giám đốc Agribank Chi nhánh Khánh Hòa: NH sẽ xóa khoản lãi quá hạn hơn 6,3 tỷ đồng cho bà con. Các hộ vay phải cam kết trả nợ gốc và lãi cho NH. NH sẽ xem xét đối với từng trường hợp cụ thể, những trường hợp có thiện chí trả nợ, NH sẽ có phương án giảm thêm lãi cho hộ vay.
Số lượng cụ thể khách hàng vay nuôi tôm bị thiệt hại còn nợ Agribank: Ninh Lộc: 92, Ninh Hà: 50, Ninh Giang: 25, Ninh Thọ: 17, Ninh Hiệp: 5, Ninh Hải: 5, Ninh Phú: 5, Ninh Phước: 3, Ninh Thủy: 2, Ninh Diêm: 1, Ninh Đa: 1, Ninh Ích: 1.
Tổng số tiền vay hơn 11,2 tỷ đồng, khách hàng đã trả tiền gốc gần 4,8 tỷ đồng và tiền lãi hơn 1,3 tỷ đồng. Đến ngày 31-5, số tiền còn nợ hơn 27,3 tỷ đồng, trong đó, tiền gốc hơn 6,4 tỷ đồng, tiền lãi trong hạn hơn 14,5 tỷ đồng, lãi quá hạn hơn 6,3 tỷ đồng.
N.D
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.