Nguồn tin: Báo An Giang, 22/08/2016
Ngày cập nhật:
23/8/2016
Nghề “đâm hà bá” trên dòng Mê Kông đã gắn chặt với cuộc đời của Ap Da Ló hàng chục năm, nên thiên hạ đặt cho ông biệt danh là “rái cá” sông sâu.
Lấy sông làm bạn
Thời trai trẻ, Ap Da Ló (ngụ xã Nhơn Hội, An Phú) như chàng lãng tử mãi miết ngao du trên dòng Mê Kông vĩ đại và kỳ bí để mưu sinh. Khi chợt nhận ra sự thay đổi của con sông này thì ông mới giật mình và nhớ lại năm 2011, lũ lụt xấp xỉ năm 2000 và năm 1978. Thời điểm này, các con sông, kênh, rạch căng nước, tràn ngập đường sá, nhà cửa. Cảnh sống chung với lũ và khai thác thủy sản cũng chộn rộn hơn bao giờ hết. Rồi từ đó đến nay, con nước rất hiền hòa, không còn hung tợn và hào phóng như trước nữa. “Tháng 7 âm lịch mà búng Bình Thiên vẫn còn trong như mắt mèo. Mấy năm nay, cư dân xóm búng mòn mỏi, chờ trông mùa nước lũ đúng nghĩa, mang theo lượng lớn cá, tôm”- ông Ap Da Ló thở dài.
Cố hết sức chèo chiếc xuồng cui cỡ lớn rẽ nước, nhìn về tuyến đầu của búng Bình Thiên, màu nước vẫn còn xanh lơ, ông Ap Da Ló lắc đầu ngao ngán: “Hiện nay, ở đầu nguồn Mê Kông, Trung Quốc đắp hàng loạt con đập thủy điện chặn dòng nước thì lấy đâu ra lũ lớn?”. Khi quê nhà hết nguồn sản vật thì Ap Da Ló ngược lên biển Hồ mưu sinh. Rài đây mai đó, phiêu bạt khắp nơi, lấy trăng sao làm bầu bạn, bám sông nước kiếm kế mưu sinh. “Tháng 10, 11, chài rê ở sông Hậu, sông Tiền. Bước qua tháng 12 âm lịch dong xuồng lên biển Hồ khai thác cá, tôm. Hồi đó, mỗi lần tui chụp chài là cá dính từ mí chì lên tận chóp. Cá mắm nhiều đến mức, người ta tính bằng giạ chứ không tính bằng ký như bây giờ”- ông Ap Da Ló nhớ một thời vang bóng.
Thuở nhỏ, ông Ap Da Ló có thể lặn sâu tới 15-20 mét nước và nín thở trên 1 phút. Dường như lặn riết rồi quen, nên ông không nghĩ mình là tay “cự phách” đến như vậy. Ap Da Ló trầm ngâm: “Sông Hậu không ăn thua gì. Ở biển Hồ có nơi sâu vài chục mét tui còn lặn được. Lúc còn nhỏ, tôi theo cha chài rê ở nhiều đoạn sông sâu, nước chảy siết. Hồi đó, người ta hù dưới sông có ma da, rất ớn lạnh. Sau này lặn riết rồi quen nên không sợ nữa”.
“Bắt cá bằng điện tội lắm!”
Cái nghề đánh cá sông sâu được lưu dân truyền từ đời này sang đời khác. Nó ăn sâu vào máu thịt của cư dân nghèo. Theo thời gian, người ta “phát minh” ra thứ ngư cụ xuyệt điện chết người để tận diệt nguồn cá thiên nhiên. Thế nhưng, đối với đồng bào Chăm thì lâu nay, việc đánh bắt cá tuyệt đối không dùng bất cứ loại ngư cụ cấm nào. Nghe đến đây, chúng tôi thắc mắc thì ông Ap Da Ló giải thích: “Đồng bào Chăm không ai đánh bắt cá bằng điện hết, vì sợ tội trước đấng tối cao. Ngoài ra, theo quy định của người Chăm là không được xác sanh con cá, con tôm bằng những ngư cụ cấm. Bởi, về lâu dài con cháu còn có cái để mưu sinh…”.
Kỷ niệm nhớ nhất trong cuộc đời đánh bắt cá của Ap Da Ló là “chiến đấu” với nhiều cá to tại những khúc sông sâu, nước xoáy. “Sông Vàm Nao thì đánh bắt thường xuyên. Ngày trước, cá mắm tại đây nhiều vô số, ai mà ăn cá nhỏ, chủ yếu bắt cá to bán mới có tiền”- ông Ap Da Ló nhớ lại. Có kinh nghiệm trong nghề chài, lưới nên Ap Da Ló biết hết tất cả chỗ nào sâu, cạn, nước xoáy có nhiều cá lớn trú ngụ. Khoảng chục năm trước, ông từng chụp chài bắt dính “kình ngư” cỡ lớn. Nghe ông kể về những lần chiến đấu với loài “thủy quái” sông Mê Kông, thật sự hấp dẫn như trong chuyện “ông già và biển cả” của Hemingway vậy. “Một lần bơi xuồng ngang đoạn sông sâu thấy một con cá to lên ngớp. Tui và 2 người nữa bắt đầu rê chài chụp vào gốc cây có một con cá lăng to, nên phải dùng ống hơi thụt sâu vào bên trong thì con cá giật mình chui ra dính chài, cân nặng hơn 40kg”- Ap Da Ló kể.
Trong suốt quãng thời gian mưu sinh bằng nghề “bà cậu”, ông Ap Da Ló cũng từng chạm trán với cá hô to trên 50kg. Nhưng theo ông Ap Da Ló, loài cá hô to đã ít xuất hiện cách đây hơn 10 năm. Khi nhắc về loài cá heo nước ngọt, ông Ap Da Ló nói: “Tụi tui gọi là ông Nược. Hồi đó, cha tui từng bắt dính được một con nặng hơn 100kg tại khúc sông Hậu. Sau này, tui lên tỉnh Stung Treng (Campuchia) gặp loài cá heo hoài. Mỗi lần chạy ghe ngang là thấy hàng chục con nổi lên khịt nước cao cả mét. Ở đó người ta bảo tồn, nếu ai đánh bắt mà bị phát hiện là ở tù mọt gông”. Còn nay, loài “quái ngư” nước ngọt này trên sông Hậu, sông Tiền, sông Vàm Nao đã bị tuyệt chủng. Ở cái tuổi 57, mỗi khi nhắc đến nghề hạ bạc, dường như ông Ap Da Ló đã thấm mệt, do nguồn thủy sản cạn kiệt bởi xung điện. “Trung Quốc xây đập ngăn lũ. Còn chúng ta thì dùng xung điện đánh bắt thủy sản, thử hỏi cá nào sống nổi. Hiện tại, gia đình tui có 7 đứa con, trong đó có 3 đứa đi học nên phải bám víu cái nghề chài cá để nuôi sấp nhỏ”- ông Ap Da Ló ngậm ngùi.
Chiều buông trên miền biên viễn, buồn tẻ và cô liêu. Nhìn dòng Mê Kông lững lờ, thơ mộng, tôi chợt chạnh lòng khi mùa lũ chưa về. Chuyện mưu sinh của bà con và ông Ap Da Ló chắc còn xa lắm?
Tiến sĩ Chau Thi Đa (Trường đại học An Giang) nói rằng, nước bạn Campuchia bảo vệ nguồn lợi thủy sản nghiêm ngặt, mình phải học hỏi. Hiện nay, ở tỉnh Stung Treng vẫn còn cá heo nước ngọt và nhiều loài cá hiếm được họ bảo tồn khắt khe. Còn Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Hoàng Huy cho hay: “Điều đặc biệt, đồng bào Chăm không dùng xuyệt điện đánh bắt thủy sản. Còn ông Ap Da Ló cũng vậy, chỉ sử dụng chài rê để bắt cá. Hiện nay, Chi cục Thủy sản tính đến giải pháp bảo tồn thủy sản tại búng Bình Thiên. Khi chúng tôi cần ghe khảo sát thực tế thì ông Ap Da Ló tận tình giúp đỡ”.
LƯU MỸ
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.