Nguồn tin: Báo Đà Nẵng, 23/08/2016
Ngày cập nhật:
24/8/2016
Theo kết luận của các bộ, ngành Trung ương và các nhà khoa học tại cuộc họp báo sáng 22-8, diễn ra tại Quảng Trị cho thấy, biển miền Trung vẫn đạt quy chuẩn trong mức cho phép, có thể tắm biển và nuôi trồng thủy sản. Đây là tín hiệu vui cho ngư dân miền Trung nói chung, Đà Nẵng nói riêng để tự tin khai thác hải sản, người tiêu dùng trở lại với hải sản tại các vùng biển an toàn.
Người dân tự tin dùng hải sản. Ảnh: NGỌC PHÚ
Tín hiệu vui cho ngư dân
Theo nội dung công bố tại buổi đánh giá hiện trạng môi trường biển miền Trung, diễn ra tại Quảng Trị sáng 22-8, GS,TS Mai Trọng Nhuận, nguyên Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, đại diện nhóm chuyên gia nghiên cứu hiện trạng môi trường biển tại 4 tỉnh (từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế) cho thấy các thông số đặc trưng môi trường biển, trầm tích biển ở phần lớn các khu vực đã nằm trong giới hạn quy định của QCVN 10 - MT:2015/BTNMT, đạt quy chuẩn đối với vùng bãi tắm, thể thao dưới nước, nuôi trồng thủy sản và bảo tồn thủy sinh. Tuy nhiên, một số khu vực có dòng xoáy cục bộ (Sơn Dương, phía đông của Nhật Lệ, hòn Sơn Chà), khả năng phân tán các chất trong nước kém hơn, đồng thời khả năng tích lũy độc tố trong trầm tích cao hơn, cần tiếp tục được theo dõi, giám sát chặt chẽ.
Trong khi đó, theo số liệu giám sát của Bộ Y tế, từ ngày 28-4 đến 8-8, kết quả của kiểm nghiệm đánh giá mức độ an toàn của các mẫu hải sản lấy tại 4 tỉnh miền Trung cho thấy: Hàm lượng một số chất ô nhiễm trong hải sản đã giảm dần theo thời gian. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện giám sát hải sản đánh bắt tại các vùng biển an toàn đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.
Sáng 22-8, hàng chục tàu cá đang neo đậu tại các cầu cảng để chờ lấy đá và nhiên liệu. Sơ bộ đã có hơn 100 tàu cá Đà Nẵng và hơn 300 tàu cá các tỉnh miền Trung neo đậu tại âu thuyền đã ra khơi sau kỳ nghỉ trăng. Anh Nguyễn Văn Quang, chủ một tàu cá Quảng Ngãi hành nghề lưới rê cho biết, khi thông tin nguồn nước biển an toàn thì người tiêu dùng sẽ tự tin hơn: “Chúng tôi đánh bắt chủ yếu ở các vùng biển xa như Hoàng Sa, Trường Sa, vịnh Bắc Bộ, nên toàn hải sản tươi ngon, người dân rất tin dùng. Nay có thêm công bố của ngành chức năng về việc biển đã sạch, chúng tôi tin tưởng việc tiêu thụ hải sản trong thời gian đến sẽ tăng hơn”. Đó cũng là khẳng định của ngư dân Lê Văn Sang, chủ tàu ĐNa 90444: Việc công bố sự an toàn của biển miền Trung sẽ giúp người tiêu dùng không còn e ngại với cá biển, nhất là cá đánh bắt ở vùng khơi…
Ông Lưu Quang Khánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố) cho biết, sau khi sự cố cá chết dọc biển miền Trung xảy ra trong tháng 4, đầu tháng 5 ảnh hưởng đến ngư dân Đà Nẵng, ngành chức năng và chính quyền thành phố đã có nhiều động thái để giúp ngư dân, thông qua việc quản lý chặt nguồn hải sản, cũng như xác nhận việc đánh bắt an toàn của các tàu thuyền, bảo đảm nguồn cung nên việc khai thác được phục hồi ngay sau đó. Từ tháng 7 đến nay, tình hình khai thác trở lại bình thường. Lãnh đạo UBND quận Sơn Trà cho biết, việc đánh bắt của ngư dân quận chủ yếu tại các ngư trường xa nên hoạt động chưa bị gián đoạn.
Ông Nguyễn Lại, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang) cho biết, từ tháng 7 đến nay, lưu lượng tàu thuyền ra khơi và nhập bến tăng nhiều. Nếu tháng 5, lượng tàu về bến chỉ đạt 1.265 chiếc, với hơn 5.800 tấn hải sản thì đến tháng 7, lượng tàu về bến gần 1.700 chiếc, gần 8.000 tấn hải sản, nhiều hơn tháng 2 và tháng 3 năm 2016…
Ngư dân tự tin vươn khơi sau khi các bộ, ngành công bố biển vẫn an toàn.
Bảo đảm chất lượng, giá hải sản tăng lại
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố cho biết, ngay từ những ngày bị ảnh hưởng bởi vụ cá chết dọc biển miền Trung, chính quyền thành phố chỉ đạo ngành thủy sản tiến hành lấy mẫu hải sản tại các kho đông lạnh để kiểm định hàm lượng kim loại, thủy ngân và phenol. Kết quả kiểm định 18 mẫu, ngành chức năng chưa phát hiện cá trong các kho đông lạnh bị nhiễm các chất nói trên. Do đó, lượng hải sản tiêu thụ ngày một tăng. Cho đến nay, người dân thành phố Đà Nẵng đa phần trở lại ăn cá bình thường. Kéo theo đó, lượng tiêu thụ hải sản nội địa tăng mạnh.
Chị Hoàng Thị Nga (trú phường Thuận Phước, quận Hải Châu) cho biết, trước đây ăn cá vẫn rất băn khoăn. Tuy nhiên, thời gian qua việc các tàu cá Đà Nẵng khai thác ở các vùng biển an toàn, có xác nhận của ngành chức năng nên khá yên tâm. Tìm hiểu tại một số chợ, các tiểu thương cũng cho biết, lượng hải sản tiêu thụ trở lại bình thường. “Tôi nghe thông tin công bố biển miền Trung vẫn sạch, như vậy người dân sẽ yên tâm hơn”, chị Nga, tiểu thương chợ Đống Đa chia sẻ.
Theo thống kê của Phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang), nếu trong tháng 5 (tháng bị ảnh hưởng nặng của vụ cá chết) chỉ có khoảng 25.000 lượt phương tiện xe máy, xe thô sơ đến âu thuyền để vận chuyển, mua hải sản, thì đến tháng 7 số lượng đã tăng gần gấp đôi; lượng hàng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu cũng tăng gần 600 tấn. Giá cả tại cảng cũng tăng từng ngày. Đơn cử, trong tháng 5, giá cá thu chỉ ở mức 110.000 - 120.000 đồng/kg, cá nục 15.000 đồng/kg, cá đổng 90.000 đồng/1kg, cà giò 30.000 đồng/kg, cá mối 30.000 đồng/kg… thì đến tháng 8, cá thu giá 150.000 đồng/kg, cá đổng 100.000 đồng/kg, cá nục từ 20.000 - 30.000 đồng/kg; các loại cá mối, cá giò, cá cu cũng tăng hơn 50% giá so với tháng 5 và tháng 6…
Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết, trước đây, khi bị ảnh hưởng vụ cá chết dọc biển miền Trung, lượng du khách cũng như người dân tắm biển giảm hẳn. Tuy nhiên, 2 tháng nay, tình hình tắm biển của người dân và du khách đã trở lại bình thường. Với việc công bố các chỉ số an toàn, người dân có thể tắm biển, khách du lịch có thể an tâm khi chọn biển Đà Nẵng là điểm đến.
Trong khi đó, Chi cục Bảo vệ môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, từ đầu tháng 6 đến giữa tháng 7, biển Đà Nẵng được quan trắc và hai ngày công bố/lần và cho thấy không có vấn đề gì bất thường…
NGỌC PHÚ
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.