Nguồn tin: Báo Đồng Nai, 28/08/2016
Ngày cập nhật:
30/8/2016
Hiện giá cá sấu thương phẩm bán tại trại chỉ được từ 70 - 72 ngàn đồng/kg. Thương lái cũng chỉ chọn mua loại cá sấu có trọng lượng từ 12 – 15 kg/con. Cá sấu có trọng lượng càng lớn càng bị ép giá và rất khó bán. Người nuôi cá sấu đang rơi vào cảnh thua lỗ nặng.
Người nuôi cá sấu lao đao vì giá mặt hàng này liên tục lao dốc. Trong ảnh: Một trại nuôi cá sấu ở xã Phú Ngọc, huyện Định Quán.
Khoảng 2 năm trước, nuôi cá sấu đạt thu nhập khủng vì thương lái vào tận trại trả giá sàn lên đến 220 ngàn đồng/kg. Theo đó, trong một thời gian ngắn phong trào nuôi cá sấu rộ lên. Nhưng do thị trường tiêu thụ của loài vật nuôi này phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc nên hiện rơi vào cảnh bị ép giá.
* Giá cá sấu chạm đáy
Nhìn vào sự biến động của giá cá sấu từ mức đỉnh vào năm 2014 đến nay, mặt hàng này không ngừng tụt dốc không phanh và hiện chưa có điểm dừng. Ông Nguyễn Hùng, người nuôi cá sấu tại xã Phú Ngọc (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai), cho biết: “Khoảng 2 tháng trước, trại xuất 200 con cá sấu với giá 75 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, chưa tính công nuôi tôi lỗ hơn 100 triệu đồng, chỉ mới tính tiền con giống và thức ăn. Giờ giá cá lại tiếp tục giảm thêm 5 ngàn đồng/kg và chưa có điểm dừng thì sự thua lỗ của người nuôi cũng càng lớn”. Thời cá sấu cao giá, cá lớn, cá nhỏ đều được thương lái thu mua đồng giá, nhưng hiện nay trọng lượng cá càng lớn giá càng giảm và khó bán nên đến kỳ là chủ trại buộc phải xuất chứ khó mà neo lại như trước.
Cùng nỗi lo lắng trên, bà Phạm Thị Bích Sen, người nuôi cá sấu tại xã Gia Canh (huyện Định Quán), cho rằng thị trường cá sấu đang xảy ra tình trạng bị ép giá. Bà Sen so sánh: “Trước đây, cá nuôi đến trên 30kg/con vẫn bán được với giá như cá nhỏ nhưng giờ loại cá lớn này bị liệt vào cá loại 3, bán rẻ hơn cả 10 giá. Dù sản lượng bao nhiêu thương lái đều thu mua nhưng ngày càng kén cá chọn canh, cá bị phân ra nhiều loại và nhiều mức giá chứ không còn mua sa cạ như trước. Có trại nằm trong vùng sâu, vùng xa buộc phải bán với giá 65 ngàn đồng/kg. Mức giá hoàn toàn do thương lái quyết định”.
* Nuôi cầm chừng
Bà Nguyễn Thị Thủy, chủ vựa cung cấp cá sấu giống và thu mua cá thương phẩm tại huyện Định Quán, nhận xét: “Toàn bộ lượng cá sấu chúng tôi mua gom đều xuất đi Trung Quốc. Giờ thị trường này chỉ chuộng mua loại cá nhỏ dưới 15 kg/con nên thương lái tại địa phương cũng phải theo chuẩn này. Sản lượng xuất đi bao nhiêu họ cũng mua nhưng giá vẫn theo đà giảm và chính bản thân thương lái chúng tôi cũng rất khó dự đoán được biến động giá cả của mặt hàng này vì thương lái Trung Quốc mới là người đóng vai trò quyết định”.
Giá cá thương phẩm liên tục giảm trong thời gian dài khiến nhiều người nuôi bỏ trại, một số trại lớn cũng giảm đàn, nuôi cầm chừng chờ qua giai đoạn khó khăn. Theo đó, giá cá sấu giống cũng đang dần hạ nhiệt, từ mức 500-550 ngàn đồng/con vào năm 2015 thì hiện chỉ còn 420-460 ngàn đồng/con. Bà Thủy cho biết thêm dù giá cá giống giảm nhưng nhu cầu mua giống tái đàn của người nuôi hiện rất thấp, giảm khoảng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với mục tiêu mở rộng cơ hội thị trường cho mặt hàng cá sấu, một số trang trại, cơ sở nuôi hiện đang có dịch vụ cung cấp sỉ và lẻ thịt cá sấu tươi hoặc chế biến thành khô cá sấu cung cấp cho thị trường nội địa. Ông Huỳnh Văn Tấn, chủ trại cá sấu La Ngà (huyện Định Quán), cho biết: “Hiện trại đang nỗ lực tìm bạn hàng để đưa sản phẩm thịt cá sấu tươi giới thiệu đến người tiêu dùng tại địa phương và các tỉnh, thành lân cận. Tuy nhiên, đầu ra còn khá hạn chế nên trại buộc phải thu hẹp quy mô nuôi so với trước, chờ thị trường mặt hàng này khởi sắc hơn”. Ông Tấn phân tích thêm nguyên nhân giá cá sấu giảm mạnh còn do bị ảnh hưởng của thị trường thế giới. Vì vài năm trở lại đây, không chỉ Đồng Nai mà nhiều tỉnh, thành trong cả nước và nhiều nước trên thế giới đều phát triển nuôi cá sấu khiến cung vượt cầu. Tuy nhiên, nhu cầu thị trường thế giới về mặt hàng này còn rất lớn. Vấn đề chính ở đây là cá sấu Việt Nam hiện chủ yếu xuất thô sang Trung Quốc, qua nhiều tầng nấc trung gian đã ảnh hưởng đến giá bán. Trong đó có nguyên nhân ngành thuộc da nội địa còn quá lạc hậu, quy định đầu tư cho ngành này còn khá khắt khe nên chưa khuyến khích đầu tư chế biến.
Bình Nguyên
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.