Nguồn tin: Nông Nghiệp VN, 30/08/2016
Ngày cập nhật:
2/9/2016
Thủy sản nói chung, đặc biệt là nuôi cá rô phi đang giúp đời sống ở nhiều vùng chiêm trũng nổi tiếng khó khăn trước đây tại ĐBSH thoát nghèo. Cá rô phi hiện là đối tượng nuôi chủ lực, triển vọng lớn nếu ngành thủy sản có chính sách phù hợp.
Nuôi thủy sản, nhất là cá rô phi giúp nhiều vùng chiêm trũng trước đây làm giàu
Bám vào lúa, chẳng ngóc đầu lên được
Anh Đặng Xuân Quyện, Giám đốc HTX Dịch vụ thủy sản xã Đoàn Kết (huyện Thanh Miện, Hải Dương) ví rằng, nói tới khái niệm “vùng sâu vùng xa” người ta chỉ hay nghĩ tới miền núi, nhưng ngay ở ĐBSH, không ít nơi chẳng khác vùng sâu vùng xa, ấy chính là những vùng đất trũng ven sông.
Thôn Tòng Hóa (xã Đoàn Kết) là một nơi như thế. Tòng Hóa nằm giáp ngay ngã ba con sông Cửu An (một con sông thuộc hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải ở ĐBSH), trước đây, nói tới cái nghèo thì những nơi như Tòng Hóa… nghèo nổi tiếng.
Thôn có hơn 100 hộ dân, hơn 100ha đất nông nghiệp, tiếng như thế là nhiều ruộng, mỗi nhà hàng mẫu nhưng là ruộng trũng ven sông, mỗi năm may ra chỉ có vụ đông xuân cho thu hoạch, chứ vụ mùa thường là nước ngập trắng. Không nói thì ai cũng hình dung cái đói nghèo đeo đẳng nông dân ở đây thế nào.
Mọi sự thay đổi chỉ đến với Tòng Hóa kể từ năm 2005, khi tỉnh Hải Dương có chính sách quy hoạch và chuyển đổi các khu vực đất lúa sâu trũng kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Đặc biệt trong vòng 5 năm trở lại đây, cây lúa đã chẳng là gì so với nuôi thủy sản.
Anh Nguyễn Văn Vĩnh, hộ xã viên của HTX thủy sản xã Đoàn Kết tính toán: Năm 2005, khi những hộ dân đầu tiên ở thôn Tòng Hóa đăng ký xung phong ra đào ao ở khu vực chuyển đổi ven bờ sông Cửu An, mỗi sào lúa ấy giỏi lắm chỉ được 100kg thóc. Giá thóc lúc đó chỉ có 2.000 đ/kg.
Qua hơn 10 năm, giá thóc hiện nay chỉ tăng lên được mức 5.500 - 6.000 đ/kg. Với các diện tích đất trũng ven sông, cơ bản mỗi năm chỉ được một vụ, theo thời giá bây giờ nếu được mùa thì mỗi sào chỉ được 2 tạ thóc, quy ra tiền khoảng 1 triệu đồng, nếu trừ đi chi phí xem như chẳng còn gì.
Trong khi đó, với gần một mẫu ao, hiện trung bình 2 năm cho thu hoạch 3 vụ cá, dù là nuôi quảng canh các loại cá truyền thống như trắm, chép, mè… đi nữa bèo bọt nhất cũng thu được 3 - 4 tấn cá/vụ, quy ra mỗi năm trừ chi phí đầu tư, mỗi ao nuôi (trung bình khoảng 1 mẫu) cho thu nhập không dưới 50 triệu đồng.
“Các cụ nói muốn giàu nuôi cá quả không sai. Trước đây, dân trong thôn túa đi khắp nơi kiếm sống. Bây giờ khác rồi, nuôi cá không làm giàu quá dễ, nhưng nói cứ bám vào cây lúa như trước đây chắc dân chẳng ngóc đầu lên nổi”, anh Vĩnh phấn khởi.
Khu ruộng trũng sình lầy rộng hơn 56ha của thôn Tòng Hóa bây giờ đã quy tụ hơn 131 xã viên trong HTX thủy sản, với những vuông ao, bờ thửa thẳng tắp, đường bê tông xe ô tô chở thức ăn cho cá vào tận ao. Giám đốc Đặng Xuân Quyện cho biết, diện tích đất lúa của thôn vẫn còn hơn 30ha, các hộ dân đã nhất trí chủ trương sẽ xin chính quyền huyện cho chuyển đổi nốt sang nuôi thủy sản.
Phất lên nhờ rô phi
Cũng như Tòng Hóa, Hải Dương còn hàng loạt vùng đồng trũng ven sông, như xã Tiên Động, huyện Tứ Kỳ. Tiên Động nằm ngay ngã ba khu vực con sông An Thổ đổ ra sông Luộc, cảnh ngộ trước đây chẳng khác gì Tòng Hóa. Bây giờ, đời sống của 45 hộ xã viên HTX thủy sản xã Tiên Động không thua kém Tòng Hóa.
Nói về câu chuyện thoát nghèo, bà Bùi Thị Liên, Giám đốc HTX Thủy sản Tiên Động cho biết: Vùng chuyển đổi sang nuôi thủy sản của xã triển khai từ năm 2005, ban đầu người dân chỉ nuôi các loại cá truyền thống như trắm, chép, mè…, tuy nhiên phải tới năm 2011 trở lại đây, người nuôi cá mới thực sự nổi lên, chính là nhờ con cá rô phi.
Cá rô phi khẳng định hiệu quả nhất ở ĐBSH
Rô phi là đối tượng nuôi chủ lực ở HTX Thủy sản Tiên Động, chiếm tỉ lệ tới 70%. Khác với các giống rô phi trước đây chỉ cho trọng lượng tối đa 300 - 400 g/con, 3 - 4 năm gần đây, các giống cá rô phi mới được NK từ Trung Quốc đưa vào nuôi thâm canh bằng thức ăn công nghiệp có thể cho trọng lượng tới 0,7 - 1 kg/con chỉ trong vòng 6 - 7 tháng.
Ông Nguyễn Văn Quế, một hộ xã viên được mệnh danh “nuôi gì thắng đó” ở HTX Thủy sản Tiên Động đánh giá: Hơn 10 năm gắn với nghề nuôi cá, dân Tiên Động đã thử tất cả các giống, từ trắm, trôi, chép, mè, chim…, nhưng duy chỉ có rô phi là hơn cả.
Sở dĩ rô phi hiện chiếm tới 70% cơ cấu đối tượng nuôi trong các ao, bởi xét về hiệu quả và lợi nhuận cuối cùng khó có đối tượng nuôi nào sánh nổi. Vị này phân tích: Cá trắm (cỡ 2kg trở lên) hiện có giá trên 50 nghìn đồng/kg; cá chép (cỡ trên 1 kg/con) từ 45 - 50 nghìn đồng/kg (so với giá cá rô phi trung bình chỉ từ 30 - 35 nghìn đồng/kg).
Tuy nhiên, trắm, chép chỉ nuôi được mật độ thưa, tầm 400 - 500 con/ao (trung bình ao 3.600m2) là kịch, nếu nâng lên trên 600 con/ao thì không nuôi nổi, cá dính đủ thứ bệnh. Đó là chưa nói để đạt kích cỡ thu hoạch, đa số các loại cá nước ngọt truyền thống đều phải có thời gian nuôi trên dưới 1 năm, con giống phải to, giá giống quá đắt.
Trong khi đó, các giống rô phi mới có thể cho phép nuôi thâm canh bằng cám công nghiệp với mật độ lên tới 6 - 7 nghìn con/ao, thời gian nuôi chỉ trong 6 tháng đã có thể đạt trung bình 700 - 800 g/con. Vì vậy, hiện nay rô phi vẫn là sự lựa chọn số một, còn các đối tượng khác chỉ là thả ghép.
“Với ao nuôi 3.600m2, chúng tôi có thể thả trung bình 6 nghìn con rô phi và chỉ khoảng dưới 1.500 con thả xen các loại. Nuôi bán công nghiệp có thể cho thu hoạch 12 - 13 tấn cá các loại/vụ. Giá cá rô phi những năm qua lại luôn ổn định từ 32 - 35 nghìn đồng/kg nên trừ chi phí, chủ ao đa số có lãi từ 170 - 200 triệu đồng/ha”, ông Quế cho biết.
Đến năm 2015, trong tổng số hơn 10 nghìn ha diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh Hải Dương, diện tích cá rô phi chiếm gần 3.700ha (khoảng 34%), trong đó đa số các vùng nuôi tập trung đã được chuyển sang nuôi thâm canh hoặc bán thâm canh công nghiệp. Điều này cho thấy rô phi đang là đối tượng nuôi đang khẳng định vị thế ở các vùng thủy sản ĐBSH.
LÊ BỀN
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.