Nguồn tin: Báo Hưng Yên, 30/08/2016
Ngày cập nhật:
4/9/2016
Hệ thống sông ngòi, kênh mương nội đồng uốn lượn khắp ruộng đồng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên, đây không chỉ là công trình thủy lợi tưới tiêu cho lúa, hoa màu mà còn là nơi trú ngụ, sinh sống của nhiều loài thủy sản nước ngọt. Tuy nhiên, nếu khai thác không đi đôi với bảo vệ thì nguồn lợi ấy sẽ dần suy giảm, đẩy nhiều loài thủy sản nội đồng đến nguy cơ tuyệt chủng.
Thả cá giống tái tạo nguồn lợi thủy sản trên sông, ngòi nội đồng tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên
Sinh kế của nhiều gia đình
“Tôm sông, cá đồng” là câu nói cửa miệng của người làm nghề chài lưới, ý chỉ món ngon, món quý của sông ngòi, đồng ruộng mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản tỉnh Hưng Yên, hệ thống sông ngòi, kênh mương thủy lợi nội đồng là môi trường nước ngọt lý tưởng cho nhiều loài thủy sản sinh sống như: Tôm, cá, ốc, ếch, nhái… Thống kê sơ bộ có tới hàng trăm loài thủy sản khác nhau. Việc khai thác, đánh bắt thủy sản tự nhiên trên hệ thống thủy lợi nội đồng lâu nay là sinh kế của nhiều gia đình nông thôn, với hình thức khác nhau như: Kéo lưới, kéo vó, đánh rọ, câu…
Ông Vũ Văn Động, nông dân xã Hải Triều (Tiên Lữ) cho biết: “Tôi làm nghề đặt rọ lươn và cá rô. Ngày nào cũng được vài mớ lươn, chạch, cá rô cho bà nhà tôi mang đi chợ bán. Khách mua quen có khi dặn trước, hoặc vào tận nhà mua, không có để bán. Những con lươn, chạch, cá rô đồng giờ đã thành đặc sản với người tiêu dùng, giá bán trên 100 nghìn đồng/kg tùy loại lớn, nhỏ. Nếu nhiều có thể mang thẳng lên các đại lý thu mua trên huyện, lúc nào cũng bán được giá cao”.
Với nghề này, ngày ít ông Động cũng thu được 70 – 100 nghìn đồng, ngày nhiều có khi được 100 – 200 nghìn đồng. Nhìn những con lươn bằng ngón tay cái, vàng ươm, hay những con cá rô đồng vảy đen bóng khỏe khoắn lách trong chậu mới thấy ruộng đồng quê mình thật hào phóng!. Nhiều gia đình khác sống gần sông thì chọn nghề kéo lưới, đặt vó, ngày ít, ngày nhiều nhưng ngày nào cũng có cá, tôm làm thực phẩm hàng ngày.
Chúng tôi về xã Minh Hải (Văn Lâm) vì được biết ở đây có món chả nhái ngon trứ danh xa gần. Nghe nói, thực khách trong và ngoài tỉnh “khoái” món “đồng quê” đều ghé đến đây nếm thử mới thỏa!.
Anh Trần Văn Duy, một thợ bắt nhái trong xã cho biết: “Dạo gần đây mới đông người thích ăn thịt nhái, chả nhái, chứ món này với người dân quê chúng tôi đã quen rồi. Cứ buổi tối cánh bắt nhái chúng tôi lại rủ nhau đi soi đèn, chịu khó bắt, một tối cũng được 100 nghìn đồng. Bây giờ nhà hàng ăn uống nhiều, bao nhiêu cũng hết, thứ này lành lắm, ai ăn cũng được, trẻ con ăn còn chống còi xương suy dinh dưỡng”. Nhiều bà nội trợ chia sẻ, muốn ăn đồ đồng bây giờ phải đi chợ quê thật sớm, hoặc vào những nhà người quen có nghề chài lưới. Ăn quen rồi mới thấy, không thứ cá, tôm nuôi nào sánh bằng những thủy sản đồng quê ấy.
Khai thác gắn với bảo vệ
Khai thác, đánh bắt thủy sản nội đồng đã trở thành sinh kế của nhiều gia đình, đem lại nguồn lợi thủy sản phong phú làm thực phẩm cho người dân. Thế nhưng thói quen khai thác của người dân lại khiến các loại thủy sản suy giảm số lượng nghiêm trọng, nhiều loài có nguy cơ bị “xóa sổ” khỏi hệ thống thủy lợi nội đồng.
Nhiều hình thức khai thác thủy sản mang tính tận diệt vẫn đang được người dân sử dụng phổ biến, công khai như: Dùng kích, dùng lưới vét mắt lưới siêu nhỏ… Với mục đích đánh bắt được nhiều hơn, những cách làm này khiến cho tất cả các loài thủy sản trong khu vực khai thác hoặc bị đánh bắt, hoặc chết, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh trưởng, phát triển. Chứng kiến một nông dân sử dụng kích điện để bắt cá trên sông nội đồng thuộc địa bàn thị trấn Trần Cao (Phù Cừ), chiếc vợt sắt lia đến đâu, cá lớn cá nhỏ lại nhao lên đến đấy. Cá to được hất lên thuyền, cá nhỏ bị bỏ lại nổi trắng trên sông. Người bắt cá đạt được mục đích “vơ vét” của mình nhưng có biết đâu rằng cả khúc sông ấy tôm, cá nếu không chết thì cũng bị xung điện gây thành tật. Không ít người phát hoảng khi ra chợ mua ít cá, tôm mà có những con bị dị hình, dị dạng như: Mất một mắt, cụt vây, vẹo đuôi… Không những vậy, việc sử dụng xung điện để đánh bắt thủy sản còn khiến chất lượng thủy sản suy giảm khi sử dụng làm thực phẩm.
Ngoài xung điện, những loại lưới mắt quá nhỏ cũng khiến thủy sản chưa đến tuổi khai thác bị mắc lưới, làm chết một lượng lớn thủy sản trên sông ngòi tự nhiên. Khi trò chuyện với một người bắt cá trên sông Tây Tân Hưng (Khoái Châu), chúng tôi được biết, lưới đánh bắt cá trên sông đều được đặt làm riêng, bảo đảm vừa bền, chắc, vừa có kích cỡ mắt lưới siêu nhỏ.
Nghị định số 103/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản đã nêu rõ mức phạt đối với các hành vi như: Sử dụng phương tiện khai thác bị cấm; gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sinh trưởng, phát triển của các loài thủy sản tự nhiên. Trên địa bàn tỉnh, nhiều con sông phải treo biển “cấm kích điện”, “cấm lưới mắt nhỏ”… nhưng trên thực tế hiện trạng khai thác nguồn lợi thủy sản bằng công cụ có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản vẫn diễn ra ở nhiều địa phương mà chưa có biện pháp xử lý hiệu quả.
Ông Trần Danh Cẩm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh cho biết: “Để duy trì, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên hệ thống thủy lợi nội đồng, từ năm 2010 đến nay, tỉnh đã thực hiện việc thả cá giống trên hệ thống sông trục chính nội đồng. Trong đó, trung bình mỗi năm tỉnh đã thả từ 150 nghìn con cá giống các loại ra sông ngòi, chủ yếu là cá rô phi, rô đồng, chép… để bù đắp lượng thủy sản bị hao hụt, đánh bắt, giúp cân bằng sinh thái và tạo nguồn lợi phong phú cho sông ngòi.”
Vi Ngoan
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.