Nguồn tin: Tuổi Trẻ, 13/09/2016
Ngày cập nhật:
15/9/2016
Trong khi cá lóc trong đồng ngày một thưa thì ở khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Tân Hưng, Long An), những bầy cá lóc bông nặng tới hơn 10kg/con ngày càng sinh sôi, tạo nên quần thể cá “khủng” quý hiếm.
Một con cá lóc bông Láng Sen được một hãng sản xuất cần câu của Singapore chụp để quảng cáo cho sản phẩm - Ảnh: Khu bảo tồn Láng Sen cung cấp
“Nhiều bữa tụi tui đi vỏ lãi thấy cả bầy cá lóc bông rượt táp đứt đuôi con cá tra dầu nặng vài chục ký. Còn trích cồ, vịt trời đậu xớ rớ trên đám sen bị cá táp cụt giò hoài” - Anh LINH EM
Chúng tôi tìm về Láng Sen vào những ngày nước lũ vừa lé đé về đồng. Mấy năm lũ kém làm cá tôm trên vùng đồng bưng biên giới này cạn kiệt. “Nhưng Láng Sen là một ngoại lệ, đàn cá lóc bông ở đây ngày một lớn và sinh sôi, con bự nhất tụi tui từng bắt tới 13kg, dưới đó còn nhiều con bự hơn nữa” - ông Trương Thanh Sơn, giám đốc khu bảo tồn Láng Sen, hào hứng kể về đàn cá lóc bông ở đây.
Con cá chép năng hơn 7kg, bị đàn cá lóc táp mất phần đuôi sau khi được vớt lên - Ảnh: LINH EM
Cá lóc 10kg là chuyện nhỏ
Lời ông Sơn làm sự tò mò trong chúng tôi trỗi dậy, muốn vào ngay khu bảo vệ nghiêm ngặt để mục sở thị đàn cá khủng. Để khỏi động đàn cá, anh Nguyễn Linh Em - nhân viên bảo tồn ở Láng Sen - đưa chúng tôi vào phân khu bảo vệ nghiêm ngặt bằng xe máy thay vì bằng vỏ lãi. Bởi theo anh Linh Em, nếu đi vỏ lãi thì cá sẽ lặn sâu dưới đám rong, rất khó quan sát.
Hai chiếc xe máy chạy men theo bờ kênh bao quanh phân khu bảo vệ nghiêm ngặt giữa trưa nắng, dù chưa thấy được đàn cá lớn nào nhưng cứ vài chục mét, ẩn dưới đám bông súng là một ổ lòng ròng (cá lóc con) đỏ lừ cả vùng nước.
Anh Linh Em nói ổ lòng ròng ở Láng Sen thường đông gấp hai, ba lần ổ lòng ròng thường thấy trên đồng và dưới đó luôn là một cá lóc mẹ nặng cỡ chục ký bảo vệ đàn con. Đến gần chòi canh, anh Linh Em ra hiệu cho chúng tôi dừng lại, phía xa cách đó chừng 50m, một con cá chép tức đẻ đang búng nước quằn quại vì bị bầy cá lóc bông tấn công.
Qua ống nhòm, chúng tôi nhìn rõ đàn cá lóc bông hơn chục con, con nào cũng to bằng bắp chân đang xâu xé con cá chép. Phần đuôi của con cá chép nhanh chóng bị những cú táp của bầy cá lóc bông ngoạm đứt.
Sau chừng mười phút ngoạm hết 1/3 con cá chép, đàn cá lóc bông lặn xuống đám rong đuôi chó. Lúc này, anh Linh Em mới lại gần vớt con cá chép lên, con chép bị cá lóc táp mất 1/3 thân nhưng phần còn lại vẫn dài hơn hai chiếc dép xếp lại, ước nặng khoảng 7kg. Thấy chúng tôi ngạc nhiên về sức tấn công của đàn cá lóc, anh Linh Em nói đó là chuyện thường. “Nhiều bữa tụi tui đi vỏ lãi thấy cả bầy cá lóc bông rượt táp đứt đuôi con cá tra dầu nặng vài chục ký. Còn trích cồ, vịt trời đậu xớ rớ trên đám sen bị cá táp cụt giò hoài” - anh Linh Em kể.
Nếu không chứng kiến mà chỉ nghe anh Linh Em kể về đàn cá lóc khủng này, chắc nhiều người sẽ nghĩ đây là chuyện Bác Ba Phi thời hiện đại. Còn ông Trương Thanh Sơn thì cho biết đến giờ các nhân viên ở Láng Sen cũng không thể biết đàn cá lóc bông ở đây nhiều cỡ nào. Chỉ biết là chúng ngày càng sinh sôi, trên bốn đoạn kênh, mỗi đoạn kênh dài khoảng 1km và các lung, trấp dưới đám tràm ở phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, cá lóc bông bơi lội, táp mồi dày đặc. “Cá lóc bông cỡ trên 10kg ta nói là hằng hà, còn 5-6kg thì thuộc dạng “nhi đồng” thôi” - ông Sơn kể thiệt mà như nói giỡn.
Ông cho biết năm 2014, các nhân viên ở Láng Sen đã đưa lên bờ con cá lóc bông nặng 13kg, dài hơn 1m để nghiên cứu rồi thả lại. Những con cá lóc bông dạng này các nhân viên ở Láng Sen hầu như ngày nào cũng gặp dọc tuyến kênh bao quanh khu bảo vệ nghiêm ngặt của Láng Sen.
Tiếng lành đồn xa, một hãng sản xuất cần câu nổi tiếng của Singapore từng lặn lội sang tận Láng Sen để năn nỉ cho chụp hình cá lóc bông ở đây nhằm quảng cáo cho nhãn hiệu. “Thấy họ năn nỉ quá, tui cho vớt đại con cá lóc bông 7kg lên chụp mẫu. Vậy mà họ mừng húm, nói đã đi nhiều nơi mà tìm không ra cá lóc bự vầy để chụp” - ông Sơn kể.
Con cá lóc bông năng 13kg được các nhân viên ở Láng Sen bắt lên để nghiên cứu - Ảnh: Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen cung cấp
Thành quả từ công tác bảo tồn
Đàn cá lóc khủng cùng sự đa dạng sinh học đã biến Láng Sen thành một “ốc đảo” giữa những cánh đồng đã cạn kiệt cá tôm ở Đồng Tháp Mười. Vậy đàn cá lóc khủng này từ đâu ra? Ông Trương Thanh Sơn nói: “Không ở đâu ra cả mà từ ngay đây, nhờ công tác bảo tồn nghiêm ngặt mà đàn cá được giữ lại rồi sinh sôi”.
Ông Sơn kể từ trận lũ lịch sử năm 2000 trở về trước, cá lóc bông cũng như nhiều loài thủy sản khác vẫn còn rất nhiều ở vùng đồng bưng này. Nhưng nạn xuyệc điện đã tận diệt đàn cá. Rất may, Láng Sen nằm tương đối biệt lập nên các tay xuyệc cá ít tìm đến.
Với phương châm bảo tồn bằng cách không can thiệp vào tự nhiên, Láng Sen đã “đóng cửa”, thành lập phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 186ha để bảo vệ hàng trăm loài chim, cá..., trong đó có bầy cá lóc bông.
Tại phân khu bảo vệ nghiêm ngặt này, dù cách vùng chuyên canh lúa chỉ một con kênh nhưng không một tay xuyệc điện hay thợ câu nào có thể bén mảng. Ngoài các chòi canh cao được dựng lên thì hơn 40 nhân viên của Láng Sen thay ca đi tuần tra, bảo vệ 24/24 giờ.
Dù được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng ông Sơn chia sẻ chính ông cũng ngạc nhiên về trọng lượng và mật độ của bầy cá lóc bông tại Láng Sen: “Trước đây cá lóc bông ngoài ruộng còn nhiều thì con lớn cỡ năm, bảy ký chớ không to như ở Láng Sen. Đặc biệt, khoảng bốn năm lại đây thì mật độ cá lóc bông ngày càng tăng”.
Lý giải điều này, ông Sơn cho rằng ngoài bảo vệ nghiêm ngặt thì việc đàn cá được trả về môi trường tự nhiên đúng nghĩa, không có sự can thiệp của con người vào sinh cảnh là yếu tố quyết định việc chúng to lên.
“Ở đây chúng tôi để tất cả các loài phát triển theo tự nhiên và nhờ vậy không chỉ cá lóc mà loài nào cũng sinh sôi, phát triển mạnh hơn so với cùng điều kiện sống ở trên đồng bị tác động bởi con người” - ông Sơn giải thích.
Nguồn gen quý
Tiến sĩ Lê Phát Quới - chuyên gia Viện nghiên cứu tài nguyên và môi trường (ĐH Quốc gia TP.HCM) - cho biết hiện tại cá lóc bông trên 10kg gần như chỉ có ở Láng Sen. “Cá lóc bông thông thường muốn phát triển lên thành cá lóc khủng cần phải sống đúng trong sinh cảnh tự nhiên phù hợp mới được. Và Láng Sen có sinh cảnh đầm lầy phù hợp cho việc phát triển của giống cá lóc này.
Ngoài Láng Sen, ở U Minh Thượng cũng có một hệ sinh cảnh đầm lầy có thể phát triển cá lóc khủng, nhưng chủ yếu chỉ ở mức 6-7kg chứ không thể phát triển thuận lợi lên đến trên 10kg được như ở Láng Sen. Cũng do vấn đề sinh cảnh tự nhiên nên cá lóc nuôi thương mại dù có nuôi tốt cỡ nào cũng không thể thành cá lóc khủng” - tiến sĩ Quới nói.
Đánh giá về nguồn gen, tiến sĩ Lê Phát Quới nói việc cá lóc khủng vẫn tồn tại tốt ở Láng Sen có giá trị cực kỳ quý về mặt bảo tồn. Bởi đây là giống cá lóc thuần chủng và không bị lai tạp, do đó có thể giữ được nguồn gen gốc của cá lóc, phục vụ việc bảo tồn và phát triển nguồn gen.
Ông Trương Thanh Sơn - giám đốc khu bảo tồn Láng Sen - cho biết Vườn quốc gia U Minh Thượng đã có đề xuất với Láng Sen để đưa nguồn cá lóc bông giống về lai tạo. “Chúng tôi đang cân nhắc để chia sẻ đàn cá giống không chỉ cho U Minh Thượng mà cả các khu bảo tồn khác. Nếu làm được việc này thì thành quả bảo tồn đàn cá lóc này sẽ vượt ra khỏi Láng Sen” - ông Sơn tâm đắc.
Cận cảnh con cá chép 10kg bị bầy cá lóc khủng làm thịt - Ảnh: Khu bảo tồn Láng Sen cung cấp
Khu ramsar thứ 7 của Việt Nam
Cuối năm 2015, Tổ chức công ước ramsar đã ra quyết định công nhận khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen (Long An) là khu ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế về đa dạng sinh học và bảo tồn) thứ 7 của Việt Nam và thứ 2.227 của thế giới.
Với tổng diện tích 5.030ha, Láng Sen được xem như một bồn trũng nội địa thuộc vùng trũng rộng lớn Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An. Ở đây có sự hiện diện 156 loài thực vật hoang dã thuộc 60 họ; 149 loài động vật có xương sống thuộc 46 họ, trong đó có 13 loài nằm trong sách đỏ Việt Nam.
VIỄN SỰ - SƠN LÂM
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.