Nguồn tin: Nhân Dân, 04/10/2016
Ngày cập nhật:
5/10/2016
Nuôi cá tầm trong lồng bè trên hồ Hòa Bình.
Với lợi thế về hệ thống sông, hồ chứa thủy lợi, thủy điện, những năm gần đây nghề nuôi cá lồng, bè phát triển mạnh ở các tỉnh trung du, miền núi phía bắc, bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực. Tuy nhiên, sản phẩm nuôi chủ yếu vẫn chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa, chưa trở thành hàng hóa tập trung, phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Khai thác tiềm năng
Theo đại diện Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) qua thống kê từ các địa phương khu vực trung du miền núi phía bắc cho thấy, nếu như năm 2015 số lượng lồng, bè nuôi cá của các tỉnh khu vực này chỉ có khoảng 5.800 lồng, cho sản lượng đạt 7.690 tấn, thì đến tháng 8-2016, toàn khu vực đã có gần 8.765 lồng, tăng gần 3.000 lồng, với sản lượng ước đạt 17.487 tấn, tăng gần 10 nghìn tấn so với năm trước. Không chỉ tăng về số lượng, chất lượng, chủng loại cá nuôi tại các lồng, bè cũng tăng nhanh theo nhu cầu thị trường.
Ðiển hình tại tỉnh Tuyên Quang, hiện có 1.393 lồng bè đang nuôi cá (trong đó có 358 lồng nuôi cá đặc sản có giá trị kinh tế cao). Nói về hiệu quả của nghề nuôi cá lồng tại địa phương, Chi cục trưởng Thủy sản tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Thị Vĩnh An cho biết, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh trong chín tháng qua đạt hơn 11 nghìn ha; trong đó ở hồ thủy điện đạt 8.000 ha, hơn 2.000 ha nuôi ở ao hồ, và 770,2 ha nuôi ở hồ thủy lợi, với nhiều lồng nuôi cá đặc sản có giá trị kinh tế cao. Trong đó có một số loài cá bản địa quý hiếm cũng đã được người dân thuần hóa và nuôi thương phẩm thành công như cá chiên, cá lăng, cá rầm xanh, cá anh vũ… Ðiều này không chỉ góp phần thay đổi cơ cấu giống loài thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, mà còn giải quyết việc làm cho nhiều lao động.
Cũng như Tuyên Quang, các tỉnh: Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên… cũng đang phát triển mạnh nghề nuôi cá lồng. Theo Chi cục trưởng Thủy sản Phú Thọ Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ: "Ðến tháng 8-2016, toàn tỉnh có 162 hộ nuôi cá, với hơn 1.300 lồng nuôi, năng suất trung bình đạt năm tấn/lồng. Sản phẩm cá lồng được nhiều người ưa chuộng, dễ bán cho thu lãi cao. Chỉ tính riêng cá rô-phi, mỗi lồng đã cho lãi hơn 30 triệu đồng/chu kỳ nuôi. Các loại cá khác như: diêu hồng, chép lai, trắm đen, nheo, lăng… lãi còn cao hơn".
Mặc dù nuôi cá lồng đem lại lợi nhuận không nhỏ, nhưng theo TS Lê Thanh Lựu (Hội Nghề cá Việt Nam) do các hộ nuôi cá hầu hết là tự phát, vốn ít cho nên việc áp dụng khoa học công nghệ vào nuôi thâm canh còn hạn chế, chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở quy mô nuôi nhỏ lẻ, chưa tạo ra nguồn cung dồi dào cho thị trường, nên chưa hình thành được các chuỗi giá trị thực thụ (gồm các nhà cung cấp vật tư thiết bị, con giống, thức ăn, nhà thu mua, chế biến...).
Biến lợi thế thành lợi nhuận cao
Theo đánh giá của Vụ Nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản), nuôi cá lồng rất thuận lợi để áp dụng nuôi thâm canh cao, có thể chủ động trong chăm sóc, phòng trị bệnh, thu hoạch. Một người có thể quản lý, chăm sóc cho nhiều lồng nuôi cho nên chi phí nhân công giảm hơn rất nhiều so với một ha ao đất. Mỗi lồng nuôi trên sông, với thể tích 100 m3, có thể cho năng suất tương đương với một ha ao đất: từ 8 đến 10 tấn/lồng/chu kỳ nuôi (đối với cá rô-phi đơn tính, diêu hồng, chép lai chu kỳ nuôi từ sáu đến bảy tháng; đối với các đối tượng đặc sản như: lăng, trắm đen,... chu kỳ nuôi hơn một năm, tùy thuộc vào kích cỡ giống thả); đối với lồng nuôi trong hồ chứa cho năng suất từ bốn đến năm tấn/lồng/chu kỳ nuôi.
Trước mắt, trong thời điểm hiện nay, cá thương phẩm "đầu ra" tương đối thuận lợi, hiệu quả kinh tế đối với nghề nuôi cá lồng là rất khả quan. Thậm chí là nghề sinh kế tốt cho người dân sống chung quanh khu vực lòng hồ... Nhất là các hộ di dân tái định cư tại các công trình thủy điện. Vì vậy, để nghề nuôi cá lồng phát triển bền vững và cho thu nhập cao, theo TS Lê Thanh Lựu, các nhà nuôi cá lồng ven hồ cần tổ chức thành hợp tác xã, làm ăn theo chuỗi. Chỉ có tổ chức sản xuất theo chuỗi mới tạo được sản phẩm có chất lượng cao, giảm rủi ro, chi phí sản xuất và có khả năng cạnh tranh cao hơn...
Ðồng tình với ý kiến nêu trên, Giám đốc HTX Nuôi cá đặc sản Thái Hòa, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) Nguyễn Văn Bình cho biết: "Ðể giúp các hộ nuôi cá lồng phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, từ năm 2015, xã Thái Hòa đã phối hợp các sở, ban, ngành thành lập HTX Nuôi cá đặc sản Thái Hòa để phát triển cá nuôi đặc sản thành thương hiệu có uy tín. Tham gia HTX có 16 hộ nuôi cá lồng, các xã viên được bảo đảm quyền lợi trong việc cung ứng nguồn vốn, con giống, thức ăn, đồng thời được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi, chăm sóc và phòng trị các bệnh thường gặp ở cá…".
Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Kim Văn Tiêu cho rằng, các cơ sở nuôi và địa phương đang phát triển mô hình nuôi cá lồng trên sông và hồ chứa cần đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và xúc tiến thương mại để sản phẩm làm ra có thị trường tiêu thụ, phát triển bền vững. Ðồng thời, cần hỗ trợ bà con xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã, mô hình nuôi theo chuỗi giá trị nhằm bảo đảm lợi ích cho người nuôi. Việc làm này cơ bản sẽ giải quyết được một số khó khăn trong khâu nhập giống, nhập thức ăn cho cá, kỹ thuật chăm sóc và đầu ra của sản phẩm. Thực tế cho thấy, cái lợi nhất của việc thành lập các hợp tác xã nuôi trồng thủy sản là tạo ra sự liên kết giữa các hộ dân với nhau. Thay vì chăn nuôi manh mún nhỏ lẻ, thì chuỗi liên kết đã tạo ra một đầu mối chung nhất mà qua đó, các hợp tác xã, tổ hợp tác đã nâng cao được tiềm lực kinh tế, dễ dàng hơn trong triển khai chính sách hỗ trợ, tìm kiếm "đầu vào" và "đầu ra".
Bên cạnh đó, cần có giải pháp về chế biến, bảo quản sản phẩm nhằm giúp người nuôi chủ động được thời vụ, có thể kéo dài thời gian tiêu thụ, không phụ thuộc quá nhiều vào thương lái sau thu hoạch, việc tìm kiếm và mở rộng thị trường cũng được đa dạng và thuận lợi hơn. Về lưu thông và tiêu thụ sản phẩm, cần tổ chức các hội nghị, hội thảo liên kết để tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ðồng thời cần tiếp tục hướng dẫn, triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách cho vay vốn có hỗ trợ lãi suất đối với các hộ nuôi cá đặc sản bằng lồng trên sông, hồ thủy lợi, hồ thủy điện; phát triển nuôi cá lồng bè theo hướng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, áp dụng quy trình thực hành nuôi trồng thủy sản VietGAP, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung; thực hiện tốt cơ chế hỗ trợ kinh phí xây dựng nhãn hiệu và quảng bá sản phẩm, đánh giá và cấp giấy chứng nhận VietGAP trong nuôi trồng thủy sản.
Minh Anh
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.