• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Đồng Tháp: Lũ nhỏ - người dân đầu nguồn gặp nhiều khó khăn

Nguồn tin: Báo Đồng Tháp, 10/10/2016
Ngày cập nhật: 11/10/2016

Mặc dù mực nước lũ năm nay được đánh giá là cao hơn năm 2015 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với những năm trước gây nhiều khó khăn cho cư dân vùng đầu nguồn.

Khai thác cá linh ở sông Sở Thượng, huyện Hồng Ngự

Thủy sản cạn kiệt

Anh Lê Thanh Tùng - chủ đáy cá linh ở sông Sở Thượng, xã Thường Thới Hậu B, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Vài năm trở lại đây, lượng cá linh trên sông không còn nhiều như ngày xưa. Trước đây, trung bình mỗi ngày đáy cá của tôi xuất bán 600 - 700kg, còn bây giờ làm cả ngày chỉ có 50 - 60kg. Không những cá linh cạn kiệt mà các loại cá tôm khác cũng gần như không còn. Tình hình năm nay, nhiều nguy cơ bị lỗ vốn nặng, bởi trung bình mỗi đáy cá linh đầu tư ước tính trên 100 triệu đồng, trong khi đó từ đầu mùa tới giờ khai thác chưa tới 10 triệu đồng”.

Được xem là một trong những sản vật thiên nhiên ban tặng cho cư dân vùng sông nước, cá linh góp phần làm phong phú thêm văn hóa ẩm thực cho cư dân bản địa. Ngoài những món ăn độc đáo, hấp dẫn từ cá linh, người dân vùng sông nước còn dùng cá linh chế biến nước mắm cá linh, mắm cá linh,... Tuy nhiên vài năm trở lại đây, do nguồn sản vật này cạn kiệt, việc ủ mắm, làm nước mắm từ cá linh cũng trở nên khó khăn hơn với người dân vùng đầu nguồn Hồng Ngự.

Bà Phan Thị Được ngụ ấp 1, xã Thường Thới Hậu B cho biết: “Mấy năm trước, gia đình có khoảng 10 cái dớn chuyên đặt cá linh vào mùa nước để ủ nước mắm và làm mắm để dành dùng quanh năm. Tuy nhiên, năm nay cá dưới sông rất hiếm, đặt 10 cái dớn chỉ đủ cá ăn hàng ngày, còn ủ nước mắm và làm mắm thì phải mua lại từ những đáy lớn. Để chuẩn bị nước mắm dùng cho năm tới, đầu mùa nước này, gia đình tôi phải mua gần 2 triệu đồng cá linh để ủ, chưa bao giờ vùng đầu nguồn lại hiếm cá như bây giờ”.

Còn anh Nguyễn Văn Tuấn, chuyên nghề đặt lọp cua vào mùa lũ ở huyện Hồng Ngự cho biết: “Mấy năm trước sau mỗi mùa lũ gia đình tôi tích góp được hơn 10 triệu đồng từ nghề đặt lọp cua. Năm nay, đặt 500 cái lọp cua nhưng vẫn không đủ tiền đi chợ, cuộc sống của gia đình mùa này rất chật vật. Hiện gia đình tôi đang tìm mô hình mới phù hợp để làm ăn sinh sống vào mùa nước”.

Việc suy kiệt nguồn lợi thủy sản đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân vùng đầu nguồn. Chị Nguyễn Thị Chấm - tiểu thương chuyên kinh doanh cá ở chợ Cầu Muống, xã Thường Thời Hậu B chia sẻ: “Những năm trước vào mùa lũ, cá đồng bán đầy chợ, nhưng mùa lũ năm nay cá nuôi vẫn chiếm ưu thế hơn cá đồng. Sản lượng cá đồng về chợ giảm 2/3 so với cùng kỳ các năm trước. Cá ít nên kinh tế của người dân nơi đây gặp nhiều khó khăn, không khí mua bán ở chợ cũng không sung túc như mấy năm trước”.

Ông Lê Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Thường Thới Hậu B nhận định: “Với người dân vùng đầu nguồn, kinh tế chủ yếu vào mùa lũ là khai thác và chế biến thủy sản. Tuy nhiên, những năm gần đây, tình trạng suy kiệt nguồn tài nguyên thủy sản đã tác động lớn đến phát triển kinh tế và đời sống của cư dân địa phương. Hiện nay trên địa bàn xã chỉ còn một vài hộ còn bám trụ với nghề câu lưới, phần đông những hộ có hoàn cảnh khó khăn hơn đã lên TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương lập nghiệp.

Lo lắng vụ đông xuân

Huyện Hồng Ngự là địa phương thuần nông, có hơn 80% người dân sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Những năm trước, khoảng cuối tháng 8 âm lịch, nước lũ tràn ngập các cánh đồng, mang lượng phù sa khá lớn bồi đắp cho đồng ruộng. Nhờ đó, vụ lúa đông xuân của nông dân huyện Hồng Ngự luôn cho năng suất cao. Nhưng thời điểm này, đã bước vào tháng 9 âm lịch nhưng nước lũ về thấp. Thay vào đó là cảnh những cánh đồng đầy cỏ dại, lúa chét của vụ lúa trước để lại. Trên những con rạch, nước ròng cạn kiệt, màu nước đục ngầu.

Mấy ngày qua, gia đình ông Lê Văn Hạnh ngụ ấp Thượng, xã Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự đang chuẩn bị các khâu làm đất cho vụ lúa quan trọng nhất năm. Ông Hạnh lo lắng: “Gần 20 năm qua, chưa năm nào mực nước lũ lại thấp như năm nay. Vụ lúa đông xuân 2016 - 2017 chắc sẽ gặp nhiều khó khăn. Nước lũ thấp, phù sa ít thì phải nặng tiền phân, thuốc, mà phân càng nhiều thì sâu bệnh chắc cũng sẽ nhiều hơn mọi năm”.

Nước lũ thấp khiến việc sản xuất vụ lúa đông xuân 2016 - 2017 sẽ gặp nhiều khó khăn

Tương tự, ông Nguyễn Văn Sáu ngụ ấp Thượng, xã Thường Thới Tiền cho biết: “Chưa năm nào nguồn nước cạn kiệt như năm nay. Ruộng lúa của gia đình tôi chắc sẽ gặp nhiều khó khăn do đất bị bạc màu, sâu bệnh tồn lưu trong đất nhiều, có cơ hội bùng phát trong vụ sản xuất đông xuân tới; chi phí sản xuất cũng tăng cao, nhất là các khâu làm đất, phòng trừ sâu bệnh, phân bón, công chăm sóc...”.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Hồng Ngự, vụ đông xuân 2016 - 2017 toàn huyện Hồng Ngự sẽ xuống giống khoảng 11.838ha. Thời điểm hiện tại, người dân đang trong giai đoạn chuẩn bị xuống giống.

Ông Nguyễn Văn Buôn - Phó Phòng NN&PTNT huyện Hồng Ngự cho biết: “Ngay từ đầu năm, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch bảo vệ diện tích sản xuất lúa đông xuân và hoàn chỉnh hệ thống công trình thủy lợi trước mùa lũ, đảm bảo cho người dân an tâm sản xuất. Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo nông dân khi chuẩn bị sản xuất vụ đông xuân nên tiến hành vệ sinh đồng ruộng thật kỹ sau khi thu hoạch lúa thu đông, xử lý rơm rạ, có thời gian cách li giữa 2 vụ, tạo nền đất tốt cho việc sản xuất. Đồng thời, hướng dẫn nông dân gieo sạ lúa theo đúng lịch thời vụ và chú trọng xây dựng bộ giống chủ lực cho từng vùng; nắm chặt diễn biến thời tiết và theo dõi sát đồng ruộng để chủ động phòng, chống các loại sâu bệnh”.

Tại huyện Tân Hồng, theo Phòng NN&PTNT huyện, vụ đông xuân 2016 - 2017 toàn huyện sẽ xuống giống hơn 25.100ha, giảm khoảng 120ha so với vụ đông xuân trước.

Lo lắng cho vụ sản xuất đông xuân 2016 - 2017, ông Nguyễn Hữu Hào ngụ ấp Công Tạo, xã Bình Phú, huyện Tân Hồng cho biết: “Con nước năm nay thấp nên nguy cơ chuột, ốc bươu vàng sẽ tấn công nhiều. Những năm trước, vào vụ sản xuất lúa chỉ cần xả nước ra rồi xuống giống, năm nay phải bơm nước vào mới có thể xuống giống. Ngoài ra, lũ thấp khiến đất đối diện với nhiều nguy cơ do thiếu nước để rửa trôi các hoạt chất độc hại còn tồn dư, gốc rạ và mầm mống sâu bệnh”.

Đứng trước những khó khăn do nước lũ thấp, ông Hồ Văn Lý - Phó Phòng NN&PTNT huyện Tân Hồng cho biết: “Ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo người dân phải chú trọng việc sạ theo đúng lịch thời vụ nhằm né lượng rầy di trú và sạ đồng loạt trên từng cánh đồng. Để hạn chế dịch bệnh gây hại, nông dân cần chăm sóc lúa theo đúng quy trình kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 6 giảm”; người dân phải theo dõi thời tiết và thường xuyên thăm đồng để chủ động phòng, chống dịch hại. Đối với các diện tích chưa xuống giống, nông dân nên trục, xới đất kỹ nhằm hoai mục rơm, rạ và các dịch bệnh tiềm ẩn trong đất”.

Mỹ Lý - Khánh Phan

Các tin mới

[31/12/2016]

[31/12/2016]

[30/12/2016]

[30/12/2016]

[30/12/2016]

[30/12/2016]

[29/12/2016]

[29/12/2016]

[29/12/2016]

[29/12/2016]

[29/12/2016]

[28/12/2016]

[28/12/2016]

[28/12/2016]

[28/12/2016]

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang