Nguồn tin: Báo Quảng Ninh, 09/12/2016
Ngày cập nhật:
10/12/2016
Mới đây, cơ quan chuyên môn đã liên tiếp phát hiện 13 mẫu tôm thẻ chân trắng dương tính với bệnh vi bào tử trùng. Đây là loại bệnh không mới, từng bùng phát ở khu vực miền Nam và miền Trung năm 2014, 2015, nhưng tại Quảng Ninh lại là lần đầu xuất hiện. Nguyên nhân của bệnh là do loại ký sinh trùng EHP sống bám trên thân tôm bố mẹ, sau đó lây truyền vào con giống, khiến con giống mang mầm bệnh. Khác với một số bệnh thường thấy trên tôm, vi bào tử trùng không làm tôm chết đột ngột và với số lượng lớn, nhưng lại làm tôm còi cọc, sức khỏe yếu. Tôm từ tháng thứ 2 trở đi không lớn, gây thiệt hại kinh tế cho người nuôi. Nguy hiểm hơn là hiện chưa có biện pháp đặc trị loại bệnh này, trong khi đó Quảng Ninh đang phải nhập đến trên 90% số lượng tôm giống từ tỉnh ngoài, nên nguy cơ tôm giống mang mầm bệnh vi bào tử trùng là rất cao.
Nhằm phòng, tránh dịch bệnh trên tôm, các đơn vị chức năng khuyến cáo người nuôi nên thay rửa, phơi khô, xử lý hoá chất kỹ càng các ao đầm, trước khi thả giống.
Theo Chi cục Thủy sản Quảng Ninh, toàn tỉnh có gần 10.000ha nuôi tôm, nhu cầu giống mỗi năm trên 3 tỷ con. Tuy nhiên, các cơ sở sản xuất tôm giống trên địa bàn mới chỉ cung ứng được khoảng gần 1 triệu con, chiếm trên 3% nhu cầu của người nuôi. Sản xuất tôm giống chủ yếu ở 2 doanh nghiệp là Công ty CP Thủy sản Tân An và Công ty TNHH Thủy sản Minh Hàn (TX Quảng Yên). Phần lớn tôm giống vẫn phải nhập từ các tỉnh, thành khu vực miền Nam và miền Trung (chủ yếu là Bình Thuận, Ninh Thuận) và Trung Quốc. Việc kiểm dịch, kiểm soát dịch bệnh trên tôm giống tại các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh đã được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nhưng khâu giám sát chất lượng tôm giống nhập từ tỉnh ngoài lại đang có nhiều tồn tại.
Thực tế từ đầu năm đến nay, các cơ quan chuyên môn đã liên tục giám sát các lứa tôm giống của Công ty CP Thủy sản Tân An và Công ty TNHH Thủy sản Minh Hàn. Theo đó, các cơ quan chuyên môn đã kiên quyết tiêu hủy gần 40 cặp tôm giống bố mẹ của Công ty TNHH Thuỷ sản Minh Hàn khi phát hiện có mầm bệnh đốm trắng. Riêng với vi bào tử trùng, tất cả các mẫu xét nghiệm đã phát hiện có mang mầm bệnh này trên địa bàn tỉnh thời gian qua đều không phải giống sản xuất tại chỗ, mà là giống nhập từ ngoại tỉnh. Trong khi đó, đối với số lượng tôm giống nhập từ tỉnh ngoài, việc kiểm dịch do phía tỉnh xuất giống thực hiện. Đặc biệt, từ sau 1-7-2016, thời điểm Luật Thú y có hiệu lực thì Quảng Ninh không thực hiện kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển nội tỉnh. Việc này theo đúng tinh thần chỉ tiến hành kiểm dịch 1 lần, tránh tái kiểm, nhằm tạo điều kiện tối đa cho các cơ sở sản xuất giống. Tuy nhiên, cũng vì thế mà khâu kiểm soát giống khi vào tới địa bàn tỉnh có thể nói còn thiếu chặt chẽ, khiến cho các hộ nuôi tôm bị động, không nắm được chính xác chất lượng nguồn giống của mình.
Ông Thiều Như Thành, Phó Chi cục Thú y tỉnh, cho biết: Với quy trình trên, nếu phía xuất giống không làm kỹ khâu kiểm dịch thì phía nhập giống sẽ có nguy cơ cao về nhiễm dịch bệnh, nhất là trong tình hình hiện nay, ngày càng xuất hiện nhiều loại bệnh nguy hiểm trên tôm, gây ra thiệt hại cho người nuôi. Bên cạnh đó, đối với một số bệnh trên tôm không thể phát hiện thông qua việc kiểm dịch thông thường, mà buộc phải xét nghiệm, phân tích bằng máy móc hiện đại. Trong khi đó, theo quy định các lô tôm giống nhập từ ngoại tỉnh vào chỉ cần có giấy kiểm dịch là đủ điều kiện lưu hành, không nhất thiết phải đi kèm với kết quả xét nghiệm bệnh trên tôm do các đơn vị chuyên môn thực hiện.
Được biết, ngay sau phát hiện những mẫu tôm đầu tiên nhiễm bệnh vi bào tử trùng trên địa bàn (tháng 4-2016), đồng thời qua sự đề xuất từ phía người nuôi và chính quyền địa phương, Sở NN&PTNT đã đứng ra trong vai trò trọng tài, hỗ trợ việc lấy mẫu, đưa đi xét nghiệm và khi có kết quả nhiễm bệnh đã đưa ra khuyến cáo cho người nuôi. Động thái này cũng đã nâng cao nhận thức của người nuôi về tầm quan trọng của chất lượng con giống; khiến cho các đơn vị cung cấp giống thắt chặt hơn khâu kiểm dịch, nâng cao chất lượng giống, nhiều lô hàng khi nhập về Quảng Ninh đã bao gồm cả phiếu kiểm dịch và phiếu thông báo kết quả xét nghiệm một số loại bệnh trên tôm. Tuy nhiên, có thể thấy, đây cũng mới chỉ là giải pháp tình thế, đánh vào ý thức, tính tự giác của đơn vị xuất giống là chủ yếu, chứ chưa phải chế tài, quy định cứng buộc phải thực hiện.
Theo ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, theo đánh giá của Cục Thú y tỉnh, bệnh vi bào tử trùng sau thời gian tồn tại trên tôm nuôi, giờ đã đủ điều kiện tồn lưu, lưu trú, khu trú trong các cá thể tôm hoang và động vật giáp xác khác. Đây là điều rất nguy hiểm, bởi hoàn toàn có thể làm lây lan, bùng phát dịch bệnh trên tôm trong thời gian tới, nếu không được xử lý hiệu quả.
Việt Hoa
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.