Nguồn tin: Báo Bình Thuận, 20/12/2016
Ngày cập nhật:
21/12/2016
Người nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn xã Vĩnh Tân, Vĩnh Hảo, Phước Thể (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) đang phải đối diện với tình trạng thua lỗ nặng vì tôm chết và rớt giá từ đầu năm đến nay.
Tôm gặp sự cố phải thu hoạch sớm.
Mất mùa
Đây là thời điểm người nuôi tôm thẻ chân trắng ở huyện Tuy Phong bước vào mùa vụ thu hoạch cuối cùng của năm. Lẽ ra, người dân sẽ vui mừng vì năm nào cũng được mùa lẫn được giá. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, tỷ lệ “được mùa” không còn như mong đợi và diện tích ao nuôi bị thu hẹp dần.
Tại vùng đìa chuyên canh tôm thẻ chân trắng ở xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân không khí có vẻ trầm lắng hơn mọi năm, nhiều đìa tôm trơ đáy, bỏ hoang. Hỏi chuyện, những người nuôi tôm ở đây cho biết, từ đầu năm đến nay, thời tiết không thuận lợi, bệnh trên tôm xuất hiện nhiều nên hầu hết các vụ tôm đều lỗ nặng. Ông Hồ Kỳ Hùng - người có thâm niên hơn 10 năm nuôi tôm ở xã Vĩnh Hảo cho biết: “Vụ tôm năm nay thất bại nặng nề hơn bất cứ năm nào. Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi đều phải thu hoạch tôm sớm dự định, bởi tôm mới thả nuôi được 40 - 60 ngày thì bắt đầu bị bệnh hoại tử gan, phân trắng, chết gần hết, khi thu hoạch chỉ còn được vài trăm ký. Vụ nào tôi cũng lỗ vài chục triệu đồng. Ai cũng hy vọng vụ cuối năm thời tiết mát mẻ, tôm thẻ phát triển tốt hơn, gỡ lại những vụ trong năm. Ai ngờ…”. Cách đây hơn 1 tháng, gia đình ông Hùng đầu tư hơn 100 triệu đồng nuôi 25 vạn con tôm giống. Tuy tỷ lệ hao hụt thấp nhưng sau 55 ngày thả nuôi, ông chỉ thu hoạch được 1,5 tấn tôm, tính ra ông lỗ vài chục triệu đồng... Vì vậy, ao nuôi nào có tỷ lệ hao hụt càng lớn thì càng thua lỗ nặng.
Theo phản ánh của những người nuôi tôm nơi đây, chi phí đầu tư nuôi tôm cũng tăng cao. Các loại thức ăn, khoáng chất trộn vào thức ăn, men vi sinh, thuốc kháng sinh đều tăng từ 15 đến 20%. Theo anh Trí (xã Chí Công) vì tôm chết yểu, chậm lớn nên người nuôi buộc phải xuất bán sớm dù tôm có kích cỡ nhỏ. Tôm sống chỉ bán được cho thương lái tiêu thụ nội địa, còn tôm chết bán làm thức ăn cho tôm hùm. Do tôm liên tục bị sự cố nên nguồn nguyên liệu cung cấp cho các doanh nghiệp xuất khẩu càng hiếm hoi, vô tình đẩy giá tôm tăng cao. Hiện nay, tôm cỡ 100 con/kg đang nhích dần từ 110.000 đồng, lên 113.000 đồng nay đã là 116.000 đồng/kg (tăng khoảng 15.000 đồng/kg so với thời điểm này năm trước). Tuy giá hấp dẫn nhưng chẳng có hộ nào nuôi đạt, thắng lớn như mọi năm mà ngược lại còn bị thương lái khi thu mua tìm đủ cách để ép giá...
Diện tích thả nuôi chỉ đạt 50%
Một số thương lái chuyên thu mua tôm cung cấp cho các doanh nghiệp (DN) chế biến thủy sản xuất khẩu cho biết, sở dĩ thời gian qua giá tôm thẻ chân trắng có sự biến động là do tôm không đạt kích cỡ theo yêu cầu của DN, tôm càng nhỏ thì giá càng thấp. Trong khi đó, DN đang phải cạnh tranh mạnh với DN các nước khi nguồn tôm nguyên liệu ở Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan... đang rất dồi dào. Ngoài ra, giá tôm xuất khẩu vào các thị trường Mỹ, châu Âu... đang giảm, càng làm gia tăng áp lực lên giá tôm nguyên liệu tại Việt Nam.
Trước những khó khăn hiện nay, nhiều người nuôi tôm không dám mạo hiểm đầu tư nuôi tiếp. Sau nhiều vụ tôm thất bại liên tiếp từ đầu năm, nhiều hộ chấp nhận bỏ đìa chờ thời, đã có hơn 80% diện tích thả nuôi tôm bị thiệt hại nặng vào thời điểm đó. Nhiều người trắng tay, buộc treo ao, bán đìa và hiện nay chỉ còn khoảng 50% diện tích được tiếp tục thả nuôi. Tuy nhiên, sản lượng vẫn không như mong muốn làm nhiều người nuôi tôm bất mãn và có ý định chuyển nghề khác làm ăn.
Trước tình hình đó, Chi cục Thủy sản tỉnh liên tục khuyến cáo người nuôi tôm trên địa bàn tỉnh phải mua con giống từ các cơ sở sản xuất giống uy tín, đảm bảo chất lượng. Người nuôi cần giám sát chặt chẽ các yếu tố môi trường trong ao nuôi, theo dõi sát sức khỏe tôm nuôi và chủ động lấy mẫu xét nghiệm khi tôm bị bệnh. Ngoài ra, cần tuân thủ nghiêm việc lấy nước vào ao lắng, xử lý diệt khuẩn nguồn nước trước khi cấp vào ao nuôi. Bổ sung các chất tăng cường khả năng miễn dịch vào khẩu phần thức ăn cho tôm; không xả nước ao nuôi có dịch bệnh ra môi trường để tránh lây lan...
Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, hiện nay, việc nuôi tôm nước lợ đang đối mặt với nhiều khó khăn, mất mùa, dịch bệnh, làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người nuôi tôm. Vì vậy, từ đầu vụ nuôi đến nay, Tổng cục Thủy sản đã liên tiếp có nhiều công văn đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ vùng nuôi.
Tổng cục Thủy sản khuyến cáo nên duy trì ổn định diện tích nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh và nuôi sinh thái. Riêng tôm thẻ chân trắng, chỉ nên nuôi ở những vùng có điều kiện thuận lợi.
M.Vân
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.