Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 29/02/2016
Ngày cập nhật:
1/3/2016
Nuôi tôm ở một số địa phương của huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế đang gặp khó khăn do dịch bệnh, giá cả, thiếu đầu tư kỹ thuật và môi trường nước biển đang bị ô nhiễm.
Hiện tượng lạ?
Toàn vùng tôm trên cát ở huyện Phong Điền trong vụ nuôi vừa qua chỉ có địa phương Phong Hải được mùa, có lãi; còn lại ở vùng Ngũ Điền, đa số bà con đều thua lỗ do tôm gặp rét, nguồn nước biển bị ô nhiễm dẫn đến dịch bệnh trên tôm nuôi.
Nước biển lấy trực tiếp vào hồ nuôi bị ô nhiễm gây nguy cơ dịch bệnh trên tôm
Ghi nhận tại xã Điền Hương, mặc dù đã bước vào vụ nuôi nhưng đến thời điểm này chỉ có 15 ha được các nhóm hộ thả nuôi trên tổng số 32 ha của 31 hộ dân trên toàn xã. Ông Trần Gia Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hương cho biết: “Khoảng hơn một năm trở lại đây, khi các nhóm hộ nuôi tôm lấy nước từ giếng khoan đặt ở biển vào hồ nuôi đều phải sử dụng đầu lọc mút xốp “chặn” ở ống trước khi đưa vào hồ, nước mới đảm bảo. Cứ vài ngày phải thay mút xốp một lần, kinh phí không tốn nhiều nhưng rất mất công. Trước đây, bà con bơm thẳng nước vào hồ, không có hiện tượng các tạp chất đóng đỏ quạch giống như phèn ngay ở đầu lọc. Hiện tượng mút xốp lọc có màu đỏ như phèn trước nay chưa từng có”.
Tại khu nuôi tôm của thôn Trung Đồng (xã Điền Hương), nhiều chủ nuôi tôm đang “phơi hồ” do vụ trước các hồ nuôi bị dịch bệnh, không có lãi. Anh Trần Gia Duệ, một chủ hồ nuôi tôm cho biết: “Ngay từ đầu vụ, bơm nước ngoài biển vào hồ thấy váng, lọc đỏ au, mình đã không yên tâm. Vụ hè năm 2015, tui nuôi 2 hồ nuôi 5.000m2, thả 70 vạn con giống. Sau hơn 3 tháng nuôi, 1 hồ thu được 3,3 tấn tôm với kích cỡ tôm được 123 con/kg, bán giá 63 nghìn đồng/kg, xem như lỗ vốn; hồ còn lại mới thả nuôi 20 ngày thì tôm dịch chết, nổi đỏ hồ”.
Theo anh Duệ và nhiều hộ dân, hiện tượng trong nước biển có các tạp chất bám đầu lọc ở đường ống đưa nước vào hồ nuôi có màu đỏ như phèn mới chỉ xuất hiện hơn một năm trở lại đây. Bà con nuôi mới bắt đầu thả tôm thì nguồn nước sử dụng ít, đến khi tôm lớn, việc bơm, xả nước thay liên tục nên việc không sử dụng đầu lọc kỹ càng khiến hồ nuôi nước ô nhiễm, tỷ lệ rủi ro do dịch bệnh sẽ cao hơn.
Ông Trần Văn Minh (thôn Trung Đồng Tây) có 4 hồ nuôi nhưng chỉ thả hai hồ với diện tích 9.000m2, do nguồn nước bị ô nhiễm, tôm dịch bệnh. “Nước nhiễm bẩn khiến chất cặn bã bám ở mang làm tôm chậm lớn, dễ dịch bệnh. Giữa vụ nuôi vừa qua, gặp rét đúng thời điểm tôm lột vỏ nên chết cứng, thua lỗ. Hiện bà con không dám thả nuôi nhiều do nguồn nước đầu vào không đảm bảo, dịch bệnh liên miên”, ông Minh lo lắng.
Tại xã Điền Môn, ông Đặng Hữu Danh, Chủ tịch UBND xã cho hay: “Toàn xã có 140 ha tôm thẻ chân trắng trên cát của các nhóm hộ và doanh nghiệp. Vụ vừa qua chỉ có Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P nuôi có lãi, còn đa số các nhóm hộ đều thua lỗ, hiện nay bà con đang phơi hồ. Nguyên nhân do nguồn giống, người dân chưa nắm vững kỹ thuật nuôi. Ngoài ra, do nguồn nước đầu vào ô nhiễm, chưa có hệ thống xử lý nước thải cũng khiến tôm dịch bệnh”.
Người nuôi “tự gặm tay mình”
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện tại khu vực nuôi tôm của thôn Trung Đồng, các hồ nuôi san sát nhau đều đấu nối các đường ống chằng chịt lấy nước từ các giếng khoan ngoài biển vào trong hồ nuôi. Khi xảy ra dịch bệnh, thay nước hồ nuôi hay thu hoạch tôm, nước từ trong các hồ đổ thẳng ra mương rồi chảy ra biển mà không qua một hệ thống lắng lọc, xử lý chất thải nào. Người nuôi tôm ở vùng này đang rơi vào cảnh “tự gặm tay mình”!
Ông Trần Gia Duy, Phó Chủ tịch UBND xã Điền Hương đánh giá: “Năm 2014, UBND huyện Phong Điền đã quy hoạch xây dựng hạ tầng nuôi tôm, trong đó có hệ thống xử lý nước thải cho vùng nuôi tôm ven biển. Cụ thể, ở địa phương đã triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải với kinh phí 59 tỷ đồng, đến nay vẫn chưa hoàn thiện nên chưa thể đưa vào sử dụng. Trong năm 2016, sẽ ưu tiên làm các hạng mục trạm bơm, hệ thống dẫn thải. Do hệ thống xử lý nước thải chưa hoàn thiện nên hiện tại người dân lấy nước, xả thải đều trực tiếp ra biển nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh rất cao”.
Về nguồn nước biển chứa các chất cặn bã giống như phèn, ông Duy cho rằng có thể do hiện tượng biến đổi khí hậu. Chính quyền địa phương đã báo cáo lên cấp trên, đề nghị lấy nguồn nước để kiểm tra, nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng.
Tại xã Điền Môn, hệ thống thu gom, xử lý nước thải cũng đang “bỏ ngỏ”! “Từ trước đến nay, hạ tầng nuôi tôm ở địa phương vẫn chưa được đầu tư nhiều. Năm 2012, chỉ có doanh nghiệp Trường Phú khi triển khai nuôi tôm tại đây đã đầu tư hệ thống dẫn thải từ hồ tôm ra biển bằng bi tròn dài 400m mà thôi”, ông Đặng Hữu Danh, Chủ tịch UBND xã Điền Môn khẳng định.
Anh Cao Ngọc Hùng, Kỹ sư NTTS của Cty Cổ phần Chăn nuôi C.P cho hay: “Theo như hình ảnh chúng tôi ghi nhận được thì có thể trong nước biển bà con ở Điền Hương bơm lên nuôi tôm đã nhiễm phèn kết hợp với nhiều tạp chất hữu cơ lơ lửng. Nếu đúng là nhiễm phèn thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng, lột xác của tôm nuôi. Hiện tại, ở các vùng nuôi tôm tràn lan, với diện tích lớn làm chất thải đưa ra biển nhiều nên nguồn nước đầu vào không đảm bảo là điều dễ hiểu!”
Chưa thể khẳng định nước biển nhiễm tạp chất gì
Theo Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, toàn huyện có 530 ha tôm thẻ chân trắng ven biển (theo quy hoạch sẽ có 900 ha), do vụ mùa trước chỉ có địa phương Phong Hải nuôi có lãi, còn vùng Ngũ Điền đa số người nuôi tôm thua lỗ nên đến nay mới chỉ thả nuôi khoảng 150 ha. Hiện nay, huyện Phong Điền đang triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải cho vùng nuôi tôm ven biển ở các địa phương Điền Hương, Điền Hòa, Phong Hải.
“Hiện nay chưa có sự quan trắc môi trường của các cơ quan chức năng nên về chuyên môn chưa thể khẳng định nước biển nhiễm tạp chất gì. Sắp đến, địa phương sẽ phối hợp với Sở NN&PTNT lấy mẫu nước ở một số vùng nuôi tôm tập trung để kiểm tra, nhằm có phương án xử lý”, ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết.
Hà Nguyên
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.