Nguồn tin: Báo Nam Định, 07/03/2016
Ngày cập nhật:
8/3/2016
Theo chân chị Hoa, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng - Nam Định), chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Noãn, anh Vũ Ngọc Quý - một trong 25 gia đình đang tham gia mô hình “Tổ phụ nữ liên kết nuôi trồng thủy hải sản”. Vừa ngừng tay hái lứa cà chua chín rộ, xếp thành đống lớn để thương lái đến tận vườn thu mua, chị Noãn lại tất bật mang chậu thức ăn ra vãi xuống ao cho cá. Nghe tiếng gõ leng keng vào thành chậu, từng đàn cá diêu hồng nổi lên xao động cả mặt ao. Anh Quý, chồng chị nhanh tay buông lưới, bắt lên vài con cá, kiểm tra độ lớn để chuẩn bị xuất bán. Chị Noãn hồ hởi: Vất vả nhưng vui lắm, bởi từ khi tham gia mô hình, kinh tế gia đình tôi đã khá lên nhiều. Xóm Thanh Hương này vốn là đất 2 lúa, nhưng từ khi cống Thanh Hương bị vỡ, nước biển ngấm mặn vào, một năm chỉ cấy được 1 vụ lúa nên thu nhập rất bấp bênh. Nay chuyển thành khu nuôi trồng thủy hải sản, dưới ao thì nuôi tôm, cá, trên bờ trồng các loại rau, cà chua, dưa lê, chị em phụ nữ cả ngày bận rộn với ao vườn không hết việc, thu nhập cao mà chẳng phải bươn trải đi làm ăn xa. Với tổng diện tích gần 6.000m2, gia đình chị Noãn đã đầu tư nuôi cá diêu hồng, tôm thẻ chân trắng và một số loại cá truyền thống như trắm, chép. Trong năm qua, gia đình chị nuôi 1 vụ cá khoảng 3.500 con, thả 3 lứa tôm thẻ chân trắng, mỗi lứa 8 - 10 vạn con. Đầu vụ, khoảng tháng 3, tháng 4, anh chị thả tôm thẻ chân trắng, tháng 7, 8 thì thả cá diêu hồng, thu về khoảng 40 - 50 triệu đồng/ao tôm, 100 triệu đồng/ao cá. Theo nhẩm tính của anh Quý, năm 2015, thu nhập từ nuôi trồng thủy hải sản gấp 14 - 15 lần so với trồng lúa. Liền kề khu ao nuôi của gia đình chị Noãn là khu nuôi trồng của gia đình chị Lưu Thị Loan có tổng diện tích gần 5.000m2, trong đó 3.600m2 là ao thả cá. Diện tích còn lại, chị trồng cây chùm ngây, đinh lăng, bắp cải, súp lơ, cà chua. Năm 2015, chị thả 3.500 con cá diêu hồng và 3 lứa tôm, mỗi lứa khoảng 10 vạn con. Ngoài ra, còn nhiều gia đình phụ nữ khác cũng có thu nhập cao từ nuôi trồng thủy hải sản như gia đình chị Nguyễn Thị Đào với diện tích 4.600m2, thả 3.000 con cá diêu hồng và 4 lứa tôm, mỗi lứa 7 - 8 vạn con.
Gia đình chị Nguyễn Thị Noãn, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) kiểm tra sự sinh trưởng của cá diêu hồng.
Được sự hỗ trợ của Trung ương Hội LHPN Việt Nam về việc triển khai mô hình tạo việc làm cho phụ nữ sau học nghề, năm 2015, Hội LHPN tỉnh đã khảo sát nhu cầu của các hộ gia đình thực hiện chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản tại xóm Thanh Hương, xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng). Hội Phụ nữ xã Nghĩa Bình đã tổ chức ra mắt mô hình “Tổ phụ nữ liên kết nuôi trồng thủy hải sản” gồm 25 thành viên. Thành viên tham gia tổ liên kết đã thống nhất xây dựng được quy chế hoạt động và cam kết thực hiện đúng nội dung quy chế của tổ đề ra. Tính liên kết chặt chẽ của mô hình được thể hiện ở việc các hộ trong tổ thường xuyên có sự hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm với nhau về nguồn giống, quy trình chăm sóc, vệ sinh ao nuôi, thông báo kịp thời đảm bảo an toàn cho các hộ nuôi khác khi chẳng may phát hiện trường hợp tôm, cá bị dịch bệnh. Để nâng cao kiến thức nuôi trồng thủy sản cho các thành viên trong tổ liên kết, Hội LHPN tỉnh phối hợp với Sở NN và PTNT tổ chức 2 lớp tập huấn phổ biến kỹ thuật nuôi tôm, cá chuyên canh và cách xử lý ao nuôi cho 25 thành viên. Thông qua lớp tập huấn các thành viên trong tổ đã nâng cao kiến thức, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, đặc biệt đã mạnh dạn và cam kết áp dụng phương thức sản xuất 3 cùng “Cùng giống, cùng kỹ thuật và cùng thời gian”. Tất cả các hộ cùng thả nuôi một loại cá diêu hồng và tôm thẻ chân trắng ở cùng một thời điểm.
Qua một năm thực hiện, mô hình “Tổ phụ nữ liên kết nuôi trồng thủy hải sản” tại xóm Thanh Hương, xã Nghĩa Bình đã đạt được hiệu quả kinh tế cao, thu nhập bình quân mỗi hộ đạt 150 - 250 triệu đồng/năm, so với trồng lúa thu nhập cao hơn từ 9 - 10 lần, tạo việc làm ổn định cho hàng trăm hội viên phụ nữ nông thôn, đặc biệt tạo cho chị em mối liên kết chặt chẽ, giúp nhau trong việc thâm canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Có thể khẳng định kết quả bước đầu của mô hình “Tổ phụ nữ liên kết nuôi trồng thuỷ hải sản” tại xóm Thanh Hương là hướng đi đúng trong mục tiêu phát triển kinh tế, góp phần thực hiện hiệu quả các tiêu chí xây dựng NTM của địa phương. Hiệu quả của mô hình còn góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ, đồng thời nêu cao vai trò trách nhiệm của các cấp hội trong công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp phụ nữ tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh theo hướng giá trị gia tăng, bền vững./.
Lam Hồng
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.