Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 14/03/2016
Ngày cập nhật:
15/3/2016
Trên địa bàn tỉnh Cà Mau hiện nay, tình trạng nông dân chuyển dịch tự phát đưa nước mặn vào vùng đất trồng lúa để nuôi tôm diễn ra phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro…
Những ngày gần đây, nhiều nông dân sản xuất lúa 2 vụ trên địa bàn xã An Xuyên (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau) gửi đơn đến cơ quan chức năng “tố” một số hộ dân tự ý đưa nước mặn vào đất trồng lúa để nuôi tôm. Việc làm này có nguy cơ phá vỡ vùng sản xuất nông nghiệp vốn đã tồn tại nhiều năm nay. Bà Châu Thị Trinh (một trong nhiều hộ dân ký đơn yêu cầu) ở ấp Tân Thời, xã An Xuyên, TP Cà Mau, phản ánh: “Trước tết mấy ngày, một số người đã lén phá đập ngăn mặn tại đầu kênh Ông Đại để lấy nước mặn vào nuôi tôm. Khi phát hiện con đập bị phá, UBND An Xuyên đã cử lực lượng xuống đắp lại. Tuy nhiên, sau đó con đập lại bị phá thêm lần nữa khiến đất của nhiều hộ trồng lúa bị nhiễm mặn. Quá bức xúc, tôi và các hộ dân làm đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị có biện pháp ngăn chặn và xử lý”. Còn tại khu vực kênh Bà Triệu (ấp 4, xã An Xuyên), trước đây khi mưa quá lớn gây ngập úng lúa, chính quyền địa phương đã đặt ống bọng cho nước thoát ra sông Bạc Ngưu. Sau khi thu hoạch lúa xong, một số hộ dân gần nơi đặt ống bọng đã bơm nước mặn vào để nuôi tôm và làm nước tràn sang khu vực lân cận nên đất lúa bị nhiễm mặn.
Người dân Cà Mau tự ý đào ao đưa nước mặn vào nuôi tôm trên đất lúa
Huyện Thới Bình (Cà Mau) cũng là một trong những điểm nóng về việc người dân tự ý đưa nước mặn vào khu vực trồng lúa để nuôi tôm. Không những thế, tại xã Tân Lộc Bắc (được chọn làm nơi thực hiện cánh đồng mẫu lớn của tỉnh Cà Mau) cũng bị người dân phá vỡ quy hoạch. Việc sản xuất lúa theo cánh đồng mẫu lớn đem lại nhiều cái lợi cho nông dân như: giảm giá thành sản xuất, được hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, giống, phân bón… Tuy nhiên, nhiều hộ dân có diện tích trồng lúa đã “quay lưng” với cánh đồng mẫu lớn và tự ý đưa nước mặn vào ruộng để nuôi tôm.
Qua khảo sát thực tế, trong quá trình chuyển dịch tự phát không phải ai cũng thành công, như trường hợp bà Dương Thị Ráng (xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình) sau hơn hai năm phá bỏ ruộng mía để nuôi tôm, bà Ráng cho biết: “Ban đầu cứ nghĩ nuôi tôm sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn trồng mía. Tuy nhiên, tôi thất bại. Tôm nuôi được 1 - 2 vụ đầu có trúng nhưng gần đây thời tiết bất lợi nên tôm chết liên miên. Thêm nữa, khu vực này chủ yếu trồng lúa và mía nên nuôi tôm đan xen hiệu quả không cao. Chưa kể nhiều dịch bệnh xảy ra do ảnh hưởng môi trường nước, thuốc bảo vệ thực vật…”.
Theo quy hoạch, vùng Bắc Cà Mau gồm: huyện Thới Bình, U Minh và một phần huyện Trần Văn Thời là vùng sản xuất theo hệ sinh thái ngọt. Tuy nhiên, do hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư hoàn thiện nên không đáp ứng được nhu cầu sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, những khu vực trồng lúa, nhất là nơi đất trũng, nhiễm phèn chỉ trồng được một vụ lúa nên nông dân chuyển sang hình thức sản xuất luân canh lúa - tôm và hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn. Trước thực tế này, người dân cho rằng cần quy hoạch sát với thực tế nhu cầu sản xuất hiện nay và khi quy hoạch vùng sản xuất thì cần thiết đầu tư hệ thống thủy lợi phù hợp, đáp ứng nhu cầu sản xuất của dân, tránh tình trạng dân sản xuất tự phát.
Liên quan đến việc người dân tự ý đưa nước mặn vào vùng đất lúa để nuôi tôm, UBND tỉnh Cà Mau đã nhiều lần chỉ đạo xử lý. Mới nhất, đầu tháng 3-2016, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, một lần nữa yêu cầu các huyện và cơ quan chuyên môn tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn xử lý tình trạng tự phát đưa nước mặn vào vùng ngọt hóa, vùng sản xuất lúa hai vụ để nuôi tôm. Tiến hành điều tra, xác định, xử lý nghiêm đối với những đối tượng lôi kéo người dân tham gia.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, từ năm 2013 đến nay có trên 2.670ha được người dân chuyển đổi tự phát, trong đó đa số chuyển sang nuôi tôm. Điều đáng nói, diện tích chuyển đổi sản xuất tự phát cũng xảy ra tại cánh đồng mẫu lớn với gần 170ha.
NGỌC CHÁNH
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.