Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 15/03/2016
Ngày cập nhật:
19/3/2016
Phát huy tiềm năng trong nuôi trồng thủy sản, những năm qua, diện tích, sản lượng nuôi thủy sản của tỉnh Vĩnh Phúc liên tục tăng, đã và đang góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, trước những diễn biến bất thường của thời tiết, các bệnh ký sinh trùng phát sinh, tình hình ô nhiễm nguồn nước... vấn đề phòng, chống dịch bệnh đang là vấn đề cấp thiết đặt ra đối với nghề nuôi thủy sản.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thiều, ở khu 4, thôn Đoài, thị trấn Yên Lạc, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc rắc vôi bột để cải tạo môi trường ao nuôi
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 7.000 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản với các loại cá truyền thống như: Trôi, mè, trắm, chép... Trong đó, có 3.500 ha chuyên cá và 3.500 ha một lúa, một cá tập trung ở các huyện: Vĩnh Tường, Yên Lạc, Bình Xuyên, Sông Lô. Những năm qua, ngành thủy sản của tỉnh ta phát triển tương đối mạnh, sản lượng năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2015, sản lượng thủy sản lượng thủy sản đạt hơn 17.800 tấn, tăng 3,5% so với năm 2014.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, môi trường nước mặt ngày càng có nguy cơ bị ô nhiễm, gây tác động xấu đến sự phát triển của thủy sản. Hơn nữa, do biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ môi trường ao nuôi chênh lệch lớn, thường thay đổi đột ngột khiến thủy sản hay bị sốc nhiệt hoặc nhiễm các loại khí độc như H2S, NH3… làm cho sức đề kháng của thủy sản giảm, tạo điều kiện thuận lợi để mầm bệnh dễ dàng xâm nhập. Bên cạnh đó, nguồn cung cấp con giống cho nuôi trồng thủy sản chưa thật sự đảm bảo về chất lượng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 2 cơ sở Nhà nước, 8 cơ sở tư nhân và khoảng 400 hộ sản xuất cá giống, cơ bản đáp ứng được nhu cầu về số lượng con giống cho nuôi thả trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, vẫn có khá nhiều hộ nuôi thủy sản mua con giống từ các tỉnh khác như: Bắc Ninh, Hải Dương… Trong khi đó, công tác quản lý giống, kiểm soát chất lượng con giống trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Chính vì vậy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Đồng chí Tạ Quốc Huy, Trưởng Phòng Dịch tễ, Chi cục Thú y tỉnh cho biết: “Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, môi trường nước ngày càng bị ô nhiễm. Bên cạnh các bệnh thường gặp do ký sinh trùng như trùng bánh xe, trùng mỏ neo; bệnh do vi khuẩn như đốm đỏ, viêm ruột; bệnh do nấm như nấm thủy my, nấm mang...Một số hộ nuôi cá Rô phi còn xuất hiện bệnh liên cầu khuẩn do vi khuẩn Streptococcus gây ra và làm chết cá gây thiệt hại cho người nuôi. Từ đầu năm 2015 đến nay, qua kiểm tra lấy mẫu cho thấy có 5/24 mẫu lấy từ cá bố mẹ và 21/42 mẫu của 33 hộ tại 9 huyện, thành thị phát hiện có vi khuẩn gây bệnh”.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản, ngay từ đầu năm 2016, Chi cục Thú y đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản. Đồng thời, chỉ đạo các Trạm thú y tham mưu cho UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND xã, phường, thị trấn tăng cường công tác thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân nhận thức được tác hại của dịch bệnh thủy sản và chủ động các biện pháp phòng, chống dịch. Vận động, tuyên truyền các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh chủ động khai báo khi có thủy sản bị chết nhiều, không vứt xác thủy sản chết và xả nước từ ao nuôi bị bệnh chưa xử lý ra môi trường; thực hiện công tác cải tạo, quản lý ao nuôi, sát trùng các dụng cụ trước và sau khi sử dụng; sử dụng thuốc thú y, hóa chất và chế phẩm xử lý, cải tạo môi trường ao nuôi theo hướng dẫn của cơ quan Thú y. Tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đến từng hộ nuôi thủy sản, đặc biệt là những nơi có diện tích nuôi thủy sản lớn. Theo kế hoạch, năm 2016, Chi cục Thú y tỉnh sẽ tiến hành thu và gửi phân tích xét nghiệm khoảng 770 mẫu kiểm tra chất lượng nước dùng để nuôi thủy sản và khoảng 460 mẫu kiểm tra một số bệnh nguy hiểm trên động vật thủy sản như: Bệnh xuất huyết ở cá chép, bệnh do vi khuẩn, ký sinh trùng gây ra… Đồng thời, tăng cường công tác kiểm soát, kiểm dịch đối với các cơ sở kinh doanh, sản xuất giống thủy sản trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, Chi cục Thú y tổ chức các lớp đào tạo, tấp huấn để nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng, chống dịch bệnh cho các tổ chức, hộ nuôi thủy sản; nâng cao ý thức, trách nhiệm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản, thuốc thú y và vật tư phục vụ nuôi thủy sản; trang bị kiến thức, nghiệp vụ thú y thủy sản cho nhân viên thú y cấp xã nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh cho thủy sản tại địa phương. Theo đó, năm 2016, toàn tỉnh sẽ tổ chức 1 lớp đào tạo cho 12 cán bộ kỹ thuật của Chi cục Thú y, Trạm thú y các huyện, thành, thị; 10 lớp tập huấn cho nhân viên thú y cấp xã và các hộ nuôi trồng thủy sản.
Với hơn 1.375 ha mặt nước, Yên Lạc được được xem là một trong những địa phương có diện tích nuôi thủy sản lớn của tỉnh. Thực hiện công văn chỉ đạo của Chi cục Thú y, Trạm thú y huyện Yên Lạc đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh thủy sản năm 2016 và phân công cán bộ phối hợp với chính quyền và cán bộ thú y xã, thị trấn thực hiện tốt giám sát dịch bệnh đến từng hộ nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, khuyến cáo bà con nuôi thả theo đúng khung thời vụ; chọn con giống đã được kiểm dịch; tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống dịch, chủ động khai báo khi có dịch xảy ra; vệ sinh, quản lý môi trường ao nuôi để đảm bảo sự sinh trưởng, phát triển và nâng cao sức đề kháng cho thủy sản. Gia đình ông Nguyễn Văn Thiều ở khu 4, thôn Đoài, thị trấn Yên Lạc có 2,3 ha nuôi thủy sản với các loại cá truyền thống như: Trắm cỏ, chép, chim, mè, trôi... Những năm qua, nhờ nuôi thủy sản đã giúp gia đình ông Thiều thoát khỏi nghèo đói. Vì vậy, bên cạnh việc nâng cao năng suất, chất lượng, gia đình ông còn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng chống dịch bệnh cho thủy sản, khử trùng ao nuôi thường xuyên 2 lần/năm. Đặc biệt, khi thu hoạch xong, ông Thiều đều rắc vôi bột để khử chua đáy ao từ 1 đến 1,5 tấn vôi bột/ha để khô trong vòng nửa tháng trước khi vào vụ nuôi cá mới.
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản, bên cạnh việc tuân thủ quy trình, kỹ thuật nuôi, các hộ cần phải thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh để kịp thời báo chính quyền địa phương và cơ quan thú y. Tuy nhiên, để nghề nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, các hộ chăn nuôi cần tham gia đầy đủ các lớp tập huấn do Chi cục Thú y tổ chức để chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch bệnh cho thủy sản từ khâu chọn con giống đến chăm sóc và thu hoạch.
Thanh Huyền
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.