Nguồn tin: Báo Đắk Lắk, 05/01/2016
Ngày cập nhật:
9/1/2016
Đắk Lắk được đánh giá là tỉnh giàu tiềm năng nhất vùng Tây Nguyên về phát triển thủy sản, đặc biệt là nghề khai thác thủy sản nội địa. Tuy nhiên, với áp lực gia tăng dân số cùng với việc khai thác bằng các ngư cụ hủy diệt và khai thác thủy sản không đúng mùa vụ… đã làm sản lượng khai thác sụt giảm nghiêm trọng.
Nguồn lợi thủy sản suy giảm mạnh
Đắk Lắk có hệ thống sông suối phong phú cùng hàng trăm hồ chứa và hồ tự nhiên lớn nhỏ, với tổng diện tích hơn 42.000 ha, phân bố tương đối đồng đều trên địa bàn tỉnh, đây là điều kiện thuận lợi để phát triển ngành thủy sản nói chung và nghề khai thác thủy sản nội địa nói riêng. Trong đó, các nhánh sông Sêrêpốk chảy qua địa bàn Đắk Lắk được xem là nơi có nguồn lợi thủy sinh vật tự nhiên phong phú nhất của hệ thống sông Mê Kông ở Tây Nguyên. Mặt khác, một số công trình thủy lợi, thủy điện đã và đang được xây dựng, trong tương lai là tiềm năng to lớn để phát triển nghề cá ở Đắk Lắk. Qua kết quả điều tra phân loại của Trường Đại học Tây Nguyên về thành phần giống, loài khu hệ cá nước ngọt nói chung đã thu thập được 201 loài cá tự nhiên, trong đó đa số tập trung ở sông suối và hồ chứa, hồ tự nhiên thuộc tỉnh Đắk Lắk. Bộ cá chép chiếm số lượng loài lớn nhất khoảng 120 loài (60%), các bộ có ít loài là bộ cá thát lát, bộ lươn, bộ cá chình, bộ cá nheo, bộ mang liền.... mỗi bộ có một vài loài. Phần lớn các loài phân bố theo mùa, nhiều loài cá có giá trị cao phân bố tự nhiên trong các sông, suối, hồ, ruộng. Đặc biệt, trong số hơn 201 loài cá phân bố trên địa bàn tỉnh, có 22 loài có giá trị kinh tế, 7 loài trong sách đỏ Việt Nam, 1 loài trong sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).
Chi cục Thủy sản thả cá bổ sung nguồn lợi thủy sản ở hồ Ea Súp Hạ (huyện Ea Súp).
Tuy nhiên, trong thời gian qua với áp lực gia tăng dân số cùng với việc khai thác bằng các ngư cụ hủy diệt (kích điện, thuốc nổ, thuốc độc, ngư cụ có kích thước mắt lưới nhỏ…) và khai thác thủy sản không đúng mùa vụ (khai thác vào mùa sinh sản của thủy sản) trên các thủy vực; cùng với việc các công trình thủy điện chắn dòng ảnh hưởng đến quá trình di cư sinh sản của các đối tượng đã làm sản lượng khai thác sụt giảm nghiêm trọng. Theo số liệu báo cáo của Dự án quản lý nghề cá lưu vực sông Mê Kông và Chi cục Thủy sản, hiện nay sản lượng khai thác cá chỉ bằng 25% so với sản lượng khai thác cách đây 10 - 15 năm, đặc biệt năm 2014 sản lượng thủy sản chỉ còn 1.680 tấn, giảm 515 tấn so với năm 2011. Chỉ riêng năm 2015 sản lượng thủy sản tăng lên trên 2.000 tấn, do có nhiều hoạt động bảo vệ nguồn lợi thủy sản được triển khai, nhất là thả cá bổ sung nguồn lợi thủy sản. Tuy nhiên, các loài thủy sản quý hiếm, có giá trị về kinh tế và khoa học đang có nguy cơ bị tuyệt chủng như cá chình hoa, cá duồng, cá ngựa xám, cá mõm trâu, cá lăng nha đuôi đỏ, cá nàng hai, cá sọc dưa…trên sông Krông Ana, sông Sêrêpốk và một số hồ tự nhiên lớn như Hồ Lắk đang bị khai thác triệt để.
Tăng cường các biện pháp bảo vệ và phát triển
Để khôi phục lại nguồn lợi thủy sản, đồng thời nâng cao sản lượng khai thác, hằng năm Chi cục Thủy sản phối hợp với các huyện, thị xã và thành phố triển khai công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bằng nhiều hình thức như: thả cá giống tái tạo bổ sung nguồn lợi thủy sản; xây dựng khu bảo tồn thủy sản; tổ chức tập huấn, tuyên truyền, phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực thủy sản cho cán bộ phụ trách nông nghiệp, già làng, trưởng thôn, buôn và người dân trên địa bàn tỉnh; xây dựng pano tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các quy định cấm trong khai thác thủy sản..., bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực. Từ năm 2011 – 2015, Chi cục Thủy sản thả được 384.750 con cá giống, gồm các loại cá truyền thống và cá bản địa tại các thủy vực của các huyện Lắk, Krông Bông, Cư Kuin, Krông Ana, Buôn Đôn, Ea Súp, Cư M’gar, Ea Kar, Krông Pắc, Krông Búk và Ea H’leo. Ngoài ra, một số huyện như Krông Bông, Krông Búk, Cư M’gar, Krông Ana đã chủ động bố trí kinh phí để thả cá bổ sung nguồn lợi thủy sản, với 211.185 con cá giống được thả; đồng thời các Chi hội nghề cá như: Yang Reh, Buôn Trấp… cũng đã thả được 402.000 con cá giống truyền thống và bản địa. Song song với hoạt động trên, việc kiểm tra xử lý nghiêm minh về sử dụng ngư cụ cấm khai thác, nguồn lợi thủy sản được tăng cường. Trong thời gian qua, các địa phương đã tịch thu, xử lý và tiêu hủy hơn 1.000 ngư cụ cấm khai thác như kích điện, lưới có kích thước mắt lưới nhỏ hơn quy định, lờ dây, bột hạt trà... tập trung chủ yếu vào các huyện Lắk, Krông Ana, Krông Bông, Ea Súp...
Chi cục Thủy sản thả cá bổ sung nguồn lợi thủy sản ở hồ Ea Đrăng (huyện Ea H’leo).
Theo đánh giá của Chi cục Thủy sản, việc bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh bước đầu đã mang lại những kết quả khả quan nhưng khó khăn vẫn còn rất nhiều. Trước hết là việc chấp hành Luật thủy sản, bảo vệ đa dạng sinh học của người dân còn hạn chế và ý thức chưa cao. Thêm vào đó, chính quyền địa phương đặc biệt là cấp xã chưa thật sự quan tâm về công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, do đó vẫn để hiện tượng đánh bắt thủy sản bằng xung điện, hóa chất diễn ra với tần suất lớn và trên tất cả các địa phương làm cho nguồn lợi thủy sản ngày càng bị suy giảm cạn kiệt, một số loài thủy sản bản địa có giá trị kinh tế, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng; việc quy hoạch khai thác và nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa chưa được thực hiện… Do đó, để giải quyết những khó khăn trên, tỉnh cần có chính sách khuyến khích sự tham gia, đầu tư của cộng đồng vào các hoạt động bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, chính sách cho vay tín dụng với lãi suất ưu đãi để người dân chuyển đổi sang hình thức khai thác khác không bị cấm hoặc kết hợp với đào tạo kỹ thuật để họ chuyển sang nuôi trồng thủy sản hoặc sang ngành nghề khác. Bên cạnh đó, tỉnh cần bố trí kinh phí hợp lý để tăng cường công tác thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản, tuyên truyền phổ biến văn bản quy phạm pháp luật Nhà nước có liên quan, đặc biệt là tác hại của việc khai thác thủy sản sử dụng chất nổ, xung điện, các ngư cụ khai thác hủy diệt… cho người dân nhiều hơn nữa.
Minh Thuận
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.