Nguồn tin: Báo An Giang, 30/03/2016
Ngày cập nhật:
31/3/2016
Cùng với mô hình liên kết dọc cá tra Tafishco do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ vốn vay ưu đãi, mô hình “hộ nuôi liên kết” do Tập đoàn Sao Mai tiên phong áp dụng cũng mang lại hiệu quả cho hộ nuôi trong bối cảnh con cá tra ĐBSCL liên tục gặp khó khăn. Thực tế cho thấy, nếu doanh nghiệp và nông dân cùng giữ chữ tín trong làm ăn, nỗ lực duy trì mối liên kết bền vững thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua.
“Hộ nào nuôi lỗ, tôi bỏ tiền túi ra bù”
Đó là tuyên bố của ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị - Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai, tại hội nghị triển khai mô hình “hộ nuôi liên kết” cách nay khoảng 1 năm. Tham gia hội nghị thời điểm ấy, có khoảng 60 hộ nuôi tiêu biểu ở các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp và TP. Cần Thơ. Đây đều là những “đại gia” nuôi cá tra diện tích lớn, những người gắn bó từ thời hoàng kim đến giai đoạn khó khăn của con cá tra nên không phải ai cũng tin vào lời hứa của người đứng đầu doanh nghiệp đang liên kết với họ. Thực tế những năm qua, đã có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản làm ăn thua lỗ, nợ tiền mua cá của người nuôi từ vài trăm triệu đến cả chục tỷ đồng, khiến nhiều hộ “treo ao” hoặc chỉ nuôi thả cầm chừng…
Qua 1 năm sau lời tuyên bố ấy, mới đây, những hộ nuôi này tiếp tục ngồi lại với doanh nghiệp, chuyên gia, đại diện Hiệp hội Cá tra Việt Nam, lãnh đạo các sở, ngành, Hiệp hội Thủy sản 2 tỉnh An Giang - Đồng Tháp… tại hội nghị khách hàng thức ăn thủy sản Sao Mai để đánh giá hiệu quả giai đoạn I của mô hình “hộ nuôi liên kết”. Trong buổi gặp nhau ấy, Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai Lê Thanh Thuấn lại nói vui: “Tôi vẫn giữ lời hứa bỏ tiền túi ra bù cho hộ nào nuôi lỗ, nhưng… cũng may, không ai bị lỗ cả”.
Câu chuyện tưởng như đơn giản ấy hóa ra lại không đơn giản chút nào khi nhiều người biết rằng, năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, con cá tra tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn khi giá xuất khẩu giảm, thị trường xuất khẩu gặp khó bởi biện pháp hàng rào kỹ thuật, hoạt động chống bán phá giá của các thị trường nhập khẩu chính. Giá cá tra nguyên liệu theo đó cũng rơi xuống thấp, nhiều lúc thấp hơn giá thành sản xuất khiến nhiều hộ nuôi thua lỗ. Vậy mà, các hộ nuôi liên kết với Sao Mai vẫn đạt lợi nhuận từ 900 – 1.500 đồng/kg nhờ mức khoán gia công từ 4.600 – 4.800 đồng/kg. Với sản lượng từ 800 – 3.000 tấn/hộ/năm, các hộ nuôi liên kết thu lợi nhuận từ 1 - 4 tỷ đồng/hộ, khoản tiền “mơ ước” của những hộ nuôi không tham gia liên kết.
Nâng cao chất lượng thức ăn
Có nhiều lý do để các hộ nuôi liên kết với Tập đoàn Sao Mai đạt lợi nhuận ổn định, như: Kỹ thuật chăm sóc tốt, nuôi cá sạch theo tiêu chuẩn GlobalGAP nên tỷ lệ fillet đạt yêu cầu, chất lượng thức ăn Sao Mai tốt giúp hệ số chuyển hóa thức ăn thấp, tiết kiệm chi phí… nhưng một lý do không kém phần quan trọng là chữ “tín” của doanh nghiệp. Theo ông Thuấn, có thời điểm giá cá tra nguyên liệu xuống rất thấp nhưng doanh nghiệp vẫn giữ cam kết thu mua như thỏa thuận ban đầu với các hộ nuôi. “Nếu Sao Mai không mua cá của hộ nuôi liên kết, chạy ra bên ngoài mua cá nguyên liệu với giá thấp có thể tiết kiệm vài chục tỷ đồng nhưng về lâu dài, làm sao hợp tác bền vững với nhau” – ông Thuấn nhấn mạnh. “Tôi nói thật, nếu không liên kết với Tập đoàn Sao Mai, vùng nuôi cá của gia đình khó tồn tại. Năm 2015, tôi xuất bán 3 hầm cá đều đạt yêu cầu. Trong bối cảnh giá cá nguyên liệu sụt giảm liên tục, nếu nhảy ra ngoài nuôi là lỗ liền. Có thể xem mối liên kết này là cứu cánh cho nghề nuôi cá tra hiện nay” – ông Huỳnh Thanh Bình, hộ nuôi cá ở quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ), nhấn mạnh. Đồng ý với cách nghĩ này, ông Trương Văn Khanh, vùng nuôi Lấp Vò (Đồng Tháp), nhấn mạnh: “Lợi thế của nuôi liên kết là giá luôn ổn định, tính toán trước được lợi nhuận, chứ không dao động như tự nuôi bên ngoài. Hơn nữa, giá thức ăn do Sao Mai cung cấp cũng ổn định, chất lượng đạt yêu cầu”.
Theo Tập đoàn Sao Mai, năm 2015, các hộ nuôi liên kết ở An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ đã cung cấp 80% nguồn nguyên liệu cho Nhà máy chế biến thủy sản số 1 của Công ty IDI (thành viên Tập đoàn Sao Mai). Sau khi đưa vào vận hành Nhà máy chế biến thủy sản số 2 ở Cụm công nghiệp Lấp Vò (công suất 300 tấn/ngày), nhu cầu về nguồn nguyên liệu sẽ tăng gấp đôi (600 tấn/ngày), Sao Mai càng đẩy mạnh liên kết với các hộ nuôi. Đồng thời, thông qua nhãn hàng dầu ăn cao cấp Ranee, Sao Mai tiếp tục tài trợ 200 đồng/kg cá đối với các hộ nuôi giỏi, tổng trị giá gần 1 tỷ đồng. Đây được xem là cơ hội tốt để có thêm nhiều hộ tham gia liên kết, phát triển vùng nuôi ổn định. “Muốn nuôi cá đạt năng suất, ngoài kinh nghiệm của người nuôi, cần phải có thức ăn được chế biến từ nguồn nguyên liệu tốt, kỹ thuật phối trộn tốt và công nghệ tốt. Qua đánh giá, hệ số chuyển hóa thức ăn của Sao Mai hiện nay từ 1,51 – 1,54 là đạt. Sắp tới, khi tập đoàn đưa vào vận hành Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản Sao Mai (công suất 360.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng) sẽ càng có điều kiện nâng cao chất lượng thức ăn, đáp ứng yêu cầu nuôi cá tra trong bối cảnh hội nhập” - PGS.TS Lê Thanh Hùng, giảng viên Trường đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, đánh giá.
“Qua hơn 20 năm xâm nhập vào thị trường thế giới, ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam đúng ra phải càng phát triển hơn nhưng lại thụt lùi. Đó là do chưa có chuỗi liên kết sản xuất thật sự, doanh nghiệp còn tự phá giá lẫn nhau, “bẻ kèo” với người nuôi cá… Trong bối cảnh nghề nuôi cá tra biến động như hiện nay mà Tập đoàn Sao Mai vẫn giữ được mối liên kết tốt với các hộ nuôi là một tín hiệu đáng mừng, mở ra triển vọng, hướng đi cho lĩnh vực còn nhiều tiềm năng, kim ngạch xuất khẩu lớn” – ông Nguyễn Hữu Khánh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang, nhấn mạnh.
HOÀNG XUÂN
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.