Nguồn tin: Đài PT-TH Sóc Trăng, 05/05/2016
Ngày cập nhật:
7/5/2016
Ứng dụng chế phẩm vi sinh hay còn gọi là Probiotic trong nuôi trồng thủy sản đã mang lại hiệu quả thiết thực cho nghề nuôi tôm và đảm bảo sự phát triển bền vững thông qua việc giảm thiểu các tác động của môi trường. Tuy nhiên hiện nay trong tình hình nuôi tôm gặp khó khăn, nhiều bà con lo lắng các chế phẩm vi sinh có thực sự phát huy tác dụng và cách sử dụng như thế nào cho hiệu quả.
Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nông dân nuôi tôm cách sử dụng các chế phẩm vi sinh.
Chế phẩm vi sinh (CPVS) có nguồn gốc từ vi sinh vật hữu ích, được tạo ra bằng con đường sinh học, rất đa dạng với nhiều tên thương mại khác nhau. Chúng gồm hai loại: loại xử lý môi trường và loại trộn vào thức ăn.
CPVS loại xử lý môi trường, được sử dụng để phân hủy các hợp chất hữu cơ như thức ăn thừa, phân tôm, xác chết của tảo và sinh vật trong ao…làm cho đáy ao và chất lượng nước tốt hơn, hạn chế ô nhiễm nước. Các vi khuẩn có trong CPVS sẽ chuyển hóa các khí độc trong nước thành dạng không độc. Ngoài ra, sự phát triển mạnh của các vi khuẩn có lợi sẽ cạnh tranh, chiếm chỗ và át chế sự phát triển của các vi khuẩn gây bệnh. CPVS còn có thể ổn định sự phát triển của tảo từ các sản phẩm như CO2 và các loại muối dinh dưỡng thông qua hoạt động phân hủy của các vi khuẩn, đồng thời kìm hãm tảo đáy phát triển.
CPVS loại trộn vào thức ăn, khi vào cơ thể tôm, thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn, giúp tôm hấp thụ tối đa thức ăn, đồng thời phát triển mạnh, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn có hại trong đường ruột. Thạc sĩ Lâm Ánh Tiên – Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, cho biết: “Sau thời gian nuôi tôm theo quy trình vi sinh bà con thấy đất ao nuôi được khoáng hóa trở lại, khi thu hoạch tôm xong thì đáy ao rất sạch. Còn nếu trong suốt quá trình nuôi nhiều năm bà con chỉ sử dụng hóa chất thì khi lấy nước vào để gây màu, màu nước sẽ không lên, tảo, rong đáy phát triển ngày càng nhiều, độ pH tăng cao, độ kềm lại không có trong ao nuôi… rất dễ bệnh cho tôm”.
Thời gian qua, nhiều hộ nuôi tôm đã nhận thấy việc sử dụng quá mức các chất kháng sinh dẫn đến nhiều tác dụng phụ, không có lợi cho sức khỏe của tôm và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường ao nuôi. Hiện nay, chế phẩm vi sinh được chọn lựa thay thế tốt nhất. Như ở THT tôm- lúa- màu Hòa Lời, xã Ngọc Đông, huyện Mỹ Xuyên, sau nhiều vụ sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc vi sinh thay thế dần cho kháng sinh, hóa chất xử lý môi trường, đã giúp hạn chế mầm bệnh, tăng năng suất, lợi nhuận, môi trường ao nuôi được cải thiện tốt, tạo tiền đề tốt cho các vụ nuôi sau. Ông Mai Văn Hờ - thành viên THT cho biết: “Trước đây tôi chỉ sử dụng hóa chất để xử lý đáy ao, xử lý màu nước trong quá trình nuôi thì tôm cũng thường bị bệnh, năng suất không cao. Vụ nuôi năm nay, được ngành chức năng khuyến cáo, tôi chuyển qua xử lý môi trường ao muôi bằng vi sinh, thấy rất hiệu quả”.
Với trên 6.600 ha tôm nuôi ở Sóc Trăng đã có 865 ha tôm nước lợ bị thiệt hại. Trong đó nhiều hộ đã sử dụng các chế phẩm vi sinh để xử lý nước và trộn vào thức ăn cho tôm, nhưng hiệu quả không như ý, dù đã tuân thủ các khuyến cáo sử dụng sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Điếu - Tổ trưởng THT tôm-lúa- màu Hòa Lời, cho biết: “Vụ nuôi tôm năm nay, chúng tôi cũng gợi ý và khuyến cáo anh em trong THT nên tăng cường sử dụng các chế phẩm vi sinh để xử lý môi trường thay thế dần cho việc dùng hóa chất, để môi trường nuôi được sạch và sản phẩm tôm đảm bảo an toàn sinh học”.
Theo các ngành chức năng, để sử dụng chế phẩm vi sinh (CPVS) người nuôi tôm cần thận trọng trong việc lựa chọn các dòng sản phẩm chất lượng, được sản xuất trong các điều kiện nghiêm ngặt và từ các cơ sở có uy tín. Mặt khác, cách sử dụng các CPVS như thế nào và khi nào cũng ảnh hưởng rất lớn đến những hữu ích của CPVS đối với môi trường ao và sức khỏe của tôm nuôi.
Kiểm tra môi trường ao nuôi tôm trong quá trình sử dụng các chế phẩm vi sinh.
Về ứng dụng, CPVS có thể chia làm 2 loại: loại ứng dụng trong xử lý môi trường nước, đáy ao nuôi và loại ứng dụng bổ sung vào thức ăn. Về chủng loại, CPVS có thể được phân chia thành ba nhóm:
Nhóm 1: gồm các vi sinh vật sống như vi khuẩn thuộc nhóm Bacillus, lactobacillus… và thường được trộn vào thức ăn để kích thích tiêu hóa, giúp tăng trưởng…
Nhóm 2: gồm các vi sinh vật có tính đối kháng hoặc cạnh tranh thức ăn với vi sinh vật gây bệnh như vi khuẩn Bacillus spp và được dùng trong xử lý các chất thải hữu cơ và các khí độc trong môi trường ao nuôi.
Nhóm 3: gồm các vi sinh vật cải thiện chất lượng môi trường như vi khuẩn Nitrosomonas sp, Nitrobacter,… được dùng trong xử lý nước ao nuôi và nền đáy.
Thạc sĩ Lâm Ánh Tiên – Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng, khuyến cáo: Trong quá trình lựa chọn các chế phẩm vi sinh, bà con phải chọn những nhãn hàng của các nhà sản xuất có uy tín, chất lượng. Quá trình sử dụng vi sinh phải thường xuyên kiểm tra các chỉ tiêu khí độc, kiểm tra vi khuẩn có hại để đưa lượng vi sinh vào cho đủ, phù hợp với điều kiện ao nuôi của mình. Quản lý thức ăn cho tôm đừng quá dư thừa, tồn lắng đáy ao. Giai đoạn đầu trước khi thả tôm, nên tăng cường lượng vi sinh để làm sạch môi trường ao, sau khi thả tôm nên kiểm tra nước, nếu thấy có vi khuẩn thì đánh vi sinh vào có thể là 3 ngày/lần”.
Giải pháp sử dụng chế phẩm vi sinh trong quản lý môi trường và sức khỏe tôm nuôi là xu hướng không mới, nhưng hiệu quả trong việc phòng ngừa vi khuẩn Vibrio bùng phát trong ao, ngăn chặn dịch bệnh chết sớm trên tôm. Do đó giải pháp này rất cần được tăng cường, để đáp ứng được yêu cầu về chất lượng tôm nguyên liệu sạch, không chứa kháng sinh và giúp nghề nuôi được bền vững./.
Ngọc Khuê
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.