Nguồn tin: Báo Bà Rịa Vũng Tàu, 01/06/2016
Ngày cập nhật:
3/6/2016
Thu mua sản phẩm của tàu lưới rê tại cảng cá Incomap, phường 5, TP. Vũng Tàu.
Trúng mùa cá nổi, đánh bắt các loại cá có giá trị kinh tế cao, thời gian đi biển ngắn, nhu cầu lao động ít… là những lợi thế của việc khai thác, đánh bắt hải sản bằng nghề lưới rê từ đầu năm đến nay. Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đang có chủ trương từng bước chuyển đổi để ngư dân đánh bắt bằng nghề lưới rê.
Sau chuyến biển dài 18 ngày, tàu lưới rê của anh Phạm Ngọc Hoàng (phường 3, TP. Vũng Tàu) đánh được gần 2,5 tấn cá thu, với giá từ 95 - 100 ngàn đồng/kg, doanh thu bán cá được 241 triệu đồng, sau khi trừ chi phí mỗi phần bạn được chia 6 triệu đồng/người. Anh Hoàng cho biết, chuyến biển này dài ngày hơn nhưng sản lượng đánh không bằng hai chuyến trước. Chẳng hạn như chuyến xuất hành đầu năm, thời gian chỉ 12 ngày, nhưng lượng cá thu đánh bắt được là 4,5 tấn, về bờ bán được gần 360 triệu đồng; chuyến biển thứ 2, sau 17 ngày đánh bắt trên biển, tàu đánh được 4,7 tấn cá thu, bán được 370 triệu đồng. Tuy nhiên, so với các nghề đánh bắt khác thì lưới rê vẫn cho hiệu quả cao hơn.
Mới về bờ sau 25 ngày bám biển, doanh thu bán hải sản khá, ngư dân Phạm Văn Thành (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) vui vẻ cho biết: “Chuyến này đánh trúng đàn cá nổi, có mẻ lưới thu về được 100 con cá thu, loại 2kg/con, sản lượng đánh bắt cả chuyến đạt khoảng 5 tấn, trừ chi phí, mỗi người được chia 15 triệu đồng. Tính từ đầu năm đến nay, qua 3 chuyến biển, anh em bạn ghe cũng kiếm được khoảng 40 triệu đồng/người”.
Năm nay bà con ngư dân làm nghề lưới rê được mùa biển do cá nổi về nhiều tại khu vực Trường Sa và đây cũng là ngư trường hành nghề lưới rê. Cùng với điều kiện tự nhiên thuận lợi thì chi phí cho một chuyến biển thấp. “Với tàu công suất 650CV, mỗi chuyến biển kéo dài 17 - 18 ngày, sử dụng 3.000 lít dầu DO, cộng với chi phí đá lạnh, nhu yếu phẩm…, tổng chi phí cũng chỉ khoảng 60 triệu đồng cho một chuyến biển. Do chi phí ít nên chỉ cần đánh bắt được hơn 1 tấn cá là đã có lãi” - anh Phạm Ngọc Hoàng cho biết.
Cùng lúc đầu tư 2 nghề đánh bắt là lưới kéo và lưới rê, ông Võ Văn Nhơn, phường 5, TP. Vũng Tàu (chủ 4 đôi lưới kéo, 2 đôi làm nghề lưới rê) cho biết: “Năm nay, nghề lưới kéo làm ăn thất bại, trong khi nghề lưới rê làm được nên cũng đỡ. Các tàu lưới rê mỗi chuyến biển về cũng được 3,5 tấn, doanh thu từ 250 - 300 triệu đồng, phần bạn cũng được 6 triệu đồng/người”.
Ông Võ Văn Nhơn cho biết thêm, đánh bắt hải sản bằng nghề lưới rê, mỗi mẻ lưới chỉ diễn ra 5 tiếng, chủ yếu khi chạy thả lưới và lúc thu lưới về, thời gian còn lại là ngâm lưới 8-10 tiếng. Trong lúc ngâm lưới, tàu có thể tắt máy neo nghỉ, nên tốn ít nhiên liệu. Ngoài ra, sản phẩm chủ yếu của nghề lưới rê là cá thu, cá ngừ, cá cờ nên giá bán cao hơn so với các loại cá khác. Bên cạnh đó, nhân lực cần thiết trên tàu lưới rê rất ít, chỉ khoảng từ 5 đến 7 người, trong khi đó tàu lưới kéo phải cần 20 người/tàu. Chị Nguyễn Thị Lý, một đầu nậu chuyên thu mua cá thu, cá ngừ tại cảng cá Incomap, phường 5, TP. Vũng Tàu cho biết: “Từ đầu năm đến nay, các tàu lưới rê đánh bắt đạt, bình quân mỗi chuyến biển vào tôi mua từ 2,5 đến 3 tấn cá/tàu. Giá cá thu mua vào cho ngư dân dao động từ 95 - 100 ngàn đồng/kg”.
Nghề lưới rê đang làm ăn hiệu quả, nhưng không phải ngư dân nào cũng có điều kiện để đầu tư và chuyển đổi sang làm nghề này do vốn đầu tư lớn. Ông Võ Văn Vương, một ngư dân hành nghề lưới kéo ở phường 5, TP. Vũng Tàu, cho biết: “Để đầu tư một tàu vỏ gỗ, ngư lưới cụ và máy dò cá phải tốn chi phí 6 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư tàu công suất trên 400CV là 2 tỷ đồng, vàng lưới rê (dài 12.000m) đã mất 3 tỷ đồng, mỗi chiếc máy dò cá có bán kính quét 3 hải lý giá 1 tỷ đồng”.
Với hiệu quả cao hơn hẳn các phương thức đánh bắt khác, ngư dân đang kỳ vọng nghề lưới rê sẽ góp phần thay đổi cách thức sản xuất, góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Do đó, để chuyển đổi nghề cần có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước. Ông Nguyễn Hữu Thành, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho biết, từ đầu năm đến nay, bà con ngư dân hành nghề lưới rê làm ăn rất hiệu quả. Đây là nghề được Chính phủ khuyến khích phát triển, chỉ khai thác các loại lớn, cá nổi, có chọn lọc, có giá trị kinh tế cao nên phù hợp với quy hoạch phát triển chung của ngành. Trên địa bàn tỉnh hiện có 350 chiếc tàu hành nghề lưới rê. Trong định hướng phát triển ngành thủy sản của tỉnh vẫn tiếp tục khuyến khích ngư dân đầu tư tàu khai thác hải sản xa bờ, phát triển nghề lưới rê. “Để hỗ trợ ngư dân chuyển đổi ngành nghề từ lưới kéo sang lưới rê, hiện nay Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản đang tham mưu cho Sở NN-PTNT xây dựng phương án, trong đó có chính sách hỗ trợ vốn cụ thể cho đối tượng nghề lưới kéo chuyển sang hoạt động các loại nghề như lưới rê, lưới vây, câu khơi, dịch vụ hậu cần thủy sản…” - ông Nguyễn Hữu Thành cho biết thêm.
SA HUỲNH
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34 35 36 37 38 39 40 41 42 43 44 45 46 47 48 49 50 51 52 53 54 55 56 57 58 59 60 61 62 63 64 65 66 67 68 69 70 71 72 73 74 75 76 77 78 79 80 81 82 83 84 85 86 87 88 89 90 91 92 93 94 95 96 97 98 99 100 101 102 103 104 105 106 107 108 109 110 111 112 113 114 115 116 117 118 119 120 121 122 123 124 125 126 127 128 129 130 131 132 133 134 135 136 137 138 139 140 141 142 143 144 145 146 147 148 149 150 151 152 153 154
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006 | 2005
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.