Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 06/04/2016
Ngày cập nhật:
7/4/2016
Trong nhiều năm liền, Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa ở Đà Lạt đã lần lượt cho ra đời nhiều giống hoa mới mang bản quyền Việt.
Nuôi cấy mô các giống hoa mới tại Trung tâm
Thêm nhiều giống hoa mới
Nằm ở vùng rau, hoa Thái Phiên - phường 12 - Đà Lạt, Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa thuộc Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Miền Nam trong nhiều năm nay đã là một trong những đơn vị đi đầu tại Đà Lạt trong nghiên cứu lai tạo các giống hoa mới cho người trồng hoa. Tại đây, từ năm 2002 đến nay, Trung tâm đã lần lượt lai tạo ra rất nhiều giống mới cho hoa, trong đó đã có 12 giống hoa mới được công nhận bản quyền Việt gồm 5 giống cúc, 4 giống đồng tiền, 3 giống cẩm chướng. “Chúng tôi tập trung nghiên cứu lai tạo những giống hoa thương phẩm đang được trồng phổ biến hiện nay tại Đà Lạt như cúc, đồng tiền, cẩm chướng, layơn, hoa hồng và bước đầu các loại lan như địa lan, phong lan” - Thạc sỹ Tưởng Thị Lý, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học Trung tâm cho biết.
Với hoa cúc - một trong những loài hoa chủ lực của vùng hoa Đà Lạt, Trung tâm không chỉ cho ra đời 5 giống cúc mới đã được công nhận chính thức mà còn chọn lọc được hàng trăm dòng từ các tổ hợp lai đưa vào thực nghiệm, có triển vọng ứng dụng cho sản xuất đại trà trong thời gian đến. Với layơn và hoa hồng, Trung tâm cũng đang trong thời gian khảo nghiệm các giống mới. “Layơn cần một thời gian khá dài trong lai tạo và chúng tôi đã làm được. Trong thời gian sắp đến, Trung tâm sẽ đưa ra các giống mới cho layơn và cho cả hoa hồng” - chị Lý cho biết.
Không chỉ lai tạo giống mới, lâu nay, Trung tâm còn là đơn vị đi đầu trong tuyển chọn, trồng khảo nghiệm rất nhiều giống khoai tây, rau và hoa nhập nội. Trong các giống hoa nhập nội sau một thời gian khảo nghiệm tại đây, đã có giống cúc C41, C43, cẩm chướng Ever Green và Niva được Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn công nhận đưa vào sản xuất. Gần đây nhất trong năm 2015, sau gần 10 năm nghiên cứu lai tạo các giống lan, Trung tâm đã đưa ra được giống phong lan với tên “Hoàng thảo”, đang trình Bộ công nhận giống mới.
Cần được đầu tư cho nghiên cứu giống mới
Là vùng hoa có diện tích và sản lượng lớn nhất nước hiện nay nhưng hoa Đà Lạt lâu nay chỉ quẩn quanh trong thị trường nội địa, chỉ khoảng 10% trong số này được xuất khẩu. Những đơn vị xuất khẩu được hoa chủ yếu là các công ty lớn có tên tuổi, nông dân Đà Lạt vẫn bất lực đứng ngoài cuộc chơi này. Bên cạnh chất lượng hoa chưa đồng đều, kỹ thuật canh tác cùng quy trình quản lý sau thu hoạch chưa đồng bộ, thiếu thông tin về thị trường quốc tế; một trong những nguyên do chính hoa Đà Lạt không xuất khẩu được vì không có bản quyền về giống. Rất nhiều các giống hoa tại Việt Nam nói chung và tại Lâm Đồng - Đà Lạt nói riêng, chủ yếu được nhập nội từ con đường không chính thức nên không có bản quyền. Chính điều này đã gây một rào cản lớn khi tham gia thị trường xuất khẩu, bởi lẽ các hiệp định thương mại cũng như Công ước quốc tế quy định rất nghiêm ngặt về bảo hộ giống cây trồng. Vì vậy, cách tốt nhất để xuất khẩu được hoa, mang lại giá trị lớn hơn cho người trồng chính là việc lai tạo giống hoa mới có bản quyền ngay trong nước. Tuy nhiên tại Việt Nam hiện nay công tác lai tạo giống hoa mới vẫn chưa có nhiều cơ quan vào cuộc, chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. “Hầu như trong nước hiện nay chỉ công nhận giống hoa nhập nội sau khảo nghiệm là chính. Chúng tôi với thời gian nghiên cứu không nhiều nhưng chính là nơi duy nhất trong nước lai tạo được nhiều giống hoa mới có bản quyền trong nước” - Thạc sỹ Tưởng Thị Lý khẳng định.
Một trong những điều kiện quan trọng để Trung tâm lai tạo hoa thành công, theo chị Lý, chính là nhờ khí hậu lý tưởng của Đà Lạt. “Đà Lạt có thời tiết thuận lợi cho hoa trái quanh năm. Tại Việt Nam chỉ có thành phố này mới có khí hậu tốt như thế cho công tác nhân giống lai tạo hoa” - chị Lý nhận xét. Tuy vậy, tại Đà Lạt tốt nhất trong lai tạo theo chị vẫn là vào mùa xuân, khi tất cả các loài hoa đều nở trong dịp này, tỷ lệ đậu hạt rất cao. Phát triển giống mới liên tục là một nhu cầu cấp thiết và cần được đầu tư nghiên cứu thường xuyên nhằm đáp ứng thị hiếu tiêu dùng ngày càng đa dạng, thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu. Để tạo ra được một giống mới được công nhận, theo Trung tâm cần có nguồn, từ nguồn này phải ít nhất mất 3 - 4 năm. “Nếu công tác lai tạo được duy trì thường xuyên và liên tục, Trung tâm chúng tôi năm nào cũng có thể cho ra đời các giống hoa mới” - chị Lý tự tin.
Tuy nhiên, dù cơ sở vật chất nơi đây tương đối tốt với các phòng thí nghiệm nuôi cấy mô, tổng diện tích vườn thực nghiệm rộng trên 6ha, nhưng cái khó của Trung tâm hiện nay trong lai tạo giống hoa mới đó là thiếu kinh phí. Dù Trung tâm đề xuất liên tục nhưng rất khó nhận được kinh phí cho công tác này, cả từ nguồn nghiên cứu khoa học của Lâm Đồng lẫn từ nguồn ngân sách Trung ương. Chị Lý đề nghị: “Để tiếp cận thị trường nước ngoài, đẩy mạnh xuất khẩu hoa, đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Lâm Đồng, công tác nghiên cứu lai tạo giống hoa mang bản quyền Việt cần mang tính chiến lược lâu dài, cần được quan tâm và đầu tư đúng mức, không nên để lúc có lúc không như hiện nay”.
Từ năm 2002 đến nay, Trung tâm đã lần lượt lai tạo ra rất nhiều giống mới cho hoa, trong đó đã có 12 giống hoa mới được công nhận bản quyền Việt gồm 5 giống cúc, 4 giống đồng tiền, 3 giống cẩm chướng.
VIẾT TRỌNG
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.