Nguồn tin: Nông Nghiệp VN, 26/12/2016
Ngày cập nhật:
29/12/2016
Nở mỗi lúc cả trăm bông, to cao đến nỗi phải di chuyển bằng cần cẩu, một chậu hoa ngang với giá vài con trâu mộng thậm chí là cả đàn trâu...
Hoa hồng cổ đang trở thành thú chơi cho những bậc đại gia tiền muôn, bạc vạn. Có cây hồng giờ 400 - 500 triệu cũng không thể mua...
Hồi sinh nhờ hoa hồng
Còn nhớ cách đây dăm bảy năm, phong trào chơi sanh nở rộ đến mức đỉnh điểm, giá cả leo thang hàng ngày.
Cùng một cái cây, người buôn này vừa đánh lên khỏi vườn, chở đi trên đường thì người buôn khác đã phóng xe kè kè theo sau, trả chênh vài chục triệu giành lấy rồi về đến nhà lại bị người buôn khác nữa “cướp” đi với vài chục triệu chênh lệch. Vài tuần lòng vòng mua đi bán lại, giá của nó đã nhảy lên gấp hàng chục lần thế mà ai cũng lời khẳm.
Một tỉ, hai tỉ, ba tỉ, bốn tỉ là giá thường thấy của một cái cây đẹp, thậm chí cây sanh của ông Chủ tịch xã Hải Lý (huyện Hải Hậu, Nam Định) hồi đó còn được giới “thợ săn” định giá trên chục tỉ mà vẫn không thể mua được cái gật đầu của chủ nhân.
Thế rồi phong trào chơi sanh sa sút nhanh như mực nước trong một chiếc bình vỡ đáy. Nhà nhà bán sanh, người người bán sanh. Đang từ phận quế, phận châu sanh thành phận rều, phận củi. Nhờ sanh mà nhiều người sắm xe hơi, xây nhà lầu nhưng cũng vì sanh mà nhiều người phải ra đường chạy xe ôm trốn nợ.
Tỉnh táo hơn nhiều người kẻ nên Đỗ Mạnh Cường (thị trấn Văn Giang, Hưng Yên) thoát khỏi cuộc sinh tử của sanh trước khi thị trường lao dốc và bập vào nghề mới là sưu tầm hoa hồng cổ.
Những chậu hồng cổ nhà anh Cường
Hoa hồng đẹp, hoa hồng sang là điều mà cả thế giới công nhận không cần bàn cãi nhưng anh Cường lăn vào nghề theo nhãn quan của một người chơi cây thế, phải to, đẹp, già mới đủ thỏa mãn. Đang mông lung như người đi biển không có la bàn, không biết tìm hồng cổ ở đâu, anh cứ lân la khắp các khu nghỉ dưỡng của Pháp ngày xưa nhưng hồng cổ vẫn chỉ là bóng chim, tăm cá.
Một dịp lên Sa Pa chơi, đang đắm đuối ngắm một thảm hồng trổ hoa viên mãn thì có một anh chàng dân tộc bỗng bắt chuyện: “Hoa như thế này chưa to, chưa đẹp đâu, tao còn biết những chỗ có cây hồng còn to, đẹp hơn rất nhiều lần”. Mừng còn hơn bắt được vàng ròng, anh liền xoắn lấy A Páo (tên người đó) để mà kết thân. Bộ đôi suốt ngày quần đảo khắp thị trấn Sa Pa, TP Lào Cai rồi Sìn Hồ cao, Sìn Hồ thấp.
Đổi bò lấy hồng
Hồng cổ có nhiều loại. Hồng cung phủ như Văn Khôi thơm ngào ngạt xưa chuyên trồng trong cung vua, phủ chúa cho các phi tần, mỹ nữ thả dăm mười bông vào chậu nước tắm để ướp mùi hương vào thịt vào da. Văn Khôi tuy thơm nhưng không được cả hương lẫn dáng như hồng cổ Sa Pa.
Hồng ghép trên thân tầm xuân thì dễ kiếm gốc khủng nhưng tính của Cường chỉ thích chơi hồng thuần. Cây nào gốc to cỡ 10 - 15cm đã vào hàng đại thụ, tuổi chẳng biết bao nhiêu mà đếm, chỉ biết người già khi còn để chỏm đã thấy cái cây đứng sững ở một góc vườn rồi.
Cận cảnh hoa hồng cổ
Một buổi, bước chân lang thang của anh dừng lại trước một gốc hồng cổ, đường kính thân to tới 15cm. Cây hồng được chủ nhân quý đến mức anh trả 50 triệu đồng cũng không đồng ý bán. Biết đoạn đường trước nhà sắp mở qua đúng vị trí của cây, lại biết gia chủ đang đến mùa nương rẫy mà chưa có bò kéo cày, Cường liền ra chợ mua một con bò mộng hơn 30 triệu dắt đến đổi, ai ngờ gật đầu cái rụp.
Cây thì đổi bằng bò, cây thì đổi bằng 6 cái vòng bạc trị giá hơn 20 triệu nhưng có người không chịu bán, không chịu đổi thì lại phải vắt óc lên mà nghĩ cách. Có bận, anh phải nghĩ đến tuyệt chiêu “dân vận” là mua một chum rượu ngon thết cho mấy nhà hàng xóm xung quanh khóm hoa hồng rồi nhờ họ rỉ tai chủ nhân, thuyết phục dần dần mới xuôi. Để đến khi đứa con gái chủ nhà về, thấy khách lạ đang đánh cây hồng đi đã khóc mất mấy ngày vì thương tiếc.
Một dịp đi qua một ngôi nhà ba tầng, sân lát gạch đỏ, mắt người “thợ săn” bỗng sáng lên khi thấy một khóm hồng rất lớn. Nó cao tới 8m, đám hoa nở tưởng như lấp ló trong mây ngàn. Vội vào nhà hỏi thăm thì anh biết gia chủ là một cán bộ công an về hưu, cây hồng được ông lấy giống về trồng lúc đi học đại học, nghĩa là ít nhất cũng phải hơn 40 năm.
Săn hồng cổ nơi núi cao
Bởi không muốn bán nên ông này phát một cái giá rất bâng quơ kiểu tiễn khách: “100 triệu”. Ai ngờ, Cường ra cốp xe lấy tiền chồng luôn khiến cho vị cán bộ già một phen ngỡ ngàng: “Cháu làm gì mà giàu thế?”. Anh cười bảo: “Cháu mới trúng số đề”.
Một lần đi từ Sìn Hồ về Sa Pa, đoạn qua Thác Bạc, nhìn thấy đằng sau mái bếp của một nhà thấp thoáng mấy bông hoa hồng, Cường liền dừng xe lại. Cây hồng chỉ có một thân, dáng trực, cao chừng 4m, cành lá xum xuê, nở liền một lúc mấy trăm bông hoa sắc sen phơn phớt. Mê quá, anh liền vào hỏi giá thì chủ nhân bảo cứ 2 triệu/cành. Đếm đủ 40 cành anh trả đúng 80 triệu.
Thói đời, với người đi câu con cá trượt luôn là con cá to nhất, với thợ săn hoa hồng, cây mua trượt luôn là cây đẹp nhất. Đó là một cây hoa hồng toàn mỹ nhất mà anh Cường từng gặp với dáng long, gốc to gấp rưỡi lon bia, trổ hoa dày xin xít. Say tít anh liền trả 150 triệu nhưng chủ nhân vẫn lắc đầu.
Dịp sau quay lại định bụng ngã giá tiếp nhưng nào ngờ cái cây đã được bán với giá 170 triệu khiến anh tiếc buốt cả ruột. Rút kinh nghiệm từ sự thất bại đó, cây nào ưng ý anh quyết đeo bám đến cùng. Có cây kỷ lục nhất, anh thuê A Páo mỗi ngày công 300.000 đồng dự định trong 1 tháng đều đặn đến thuyết phục nhưng mới chỉ 1 tuần thì vật báu đã về dinh. Hiện vườn nhà anh Cường có khoảng 400 gốc hồng cổ các loại.
Khai thác mãi rồi cũng đến lúc “mỏ hồng cổ” Sa Pa cũng cạn kiệt khiến anh phải sang tận Lào nhờ cậy đội “ra đa” rò tìm. Nếu ở quê “ra đa” là những người đồng nát, thuốc lào, chè khô thì ở Lào là cánh bán chăn màn đệm rong.
Những người đó dẫn anh tới một bản ở tỉnh Pắc Xê, nơi có 30 gốc hồng cổ thụ. Giá mua rất hời nhưng ngặt nỗi đang thời tiết nóng bức, không đúng mùa đánh hồng. Đánh hồng chỉ thích hợp từ tháng 10 âm lịch vắt sang đến tháng 3 âm lịch năm sau, đánh trái mùa cây rất dễ chết.
Anh chấp nhận đặt trước tiền cho chủ vườn hồng cổ để đợi đến mùa sang đánh nhưng chính “ra đa” lại sợ có người sang trả giá cao hơn, chủ nhà đánh tháo mất nên dẫn khách khác cũng từ Việt Nam sang lấy luôn. Đúng như dự đoán, lô hồng tiền tỉ ấy về đến Sa Pa đã chết như ngả rạ khiến cho anh Cường cứ tiếc ngẩn, tiếc ngơ.
Anh Cường đang chăm sóc hoa
Người chơi cây thế thường kỹ tính, ưa chi tiết, còn người chơi hồng cổ thường phóng khoáng. Nhưng để ngửi được hương của hoa ngày ngày chủ nhân của nó phải bỏ ra số tiền lắm khi ngang với cả một đàn trâu.
Cây hồng kỷ lục nhất mà anh Cường bán ra là cây cao 8m với giá 220 triệu. Bởi quá cao nên khi di chuyển phải bắc hẳn một cái giàn giáo để giữ dáng rồi cẩu lên xe. Hiện cái cây phủ kín trước ban công biệt thự một nhà ở Hà Nội, dáng đẹp đến mức theo lời Cường giờ 400 - 500 triệu cũng không thể mua lại.
Một khách khác của anh lại bỏ ra một lúc gần 300 triệu để mua mấy cây hồng về chưng ở chung cư tầng 24. Cây hoa to quá không thể nhét vừa vào thang máy khiến cho ông đã phải thuê thợ lắp thang vận ốp vào tường để chuyển từ dưới đất lên lưng chừng trời cao với giá vài chục triệu. Xem ra, hồng cổ đúng là thú chơi cây của giới hoàng gia chứ không dành cho dân thường.
Dưới đây là hình ảnh những cây hồng độc đáo, có một không hai:
Có những cây hồng nở hoa thấp thoáng cao ngang… tầm mái nhà, hương thơm ngan ngát cả một góc làng còn ngửi thấy.
DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34
Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.