• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quan niệm chưng Tết thời hiện đại

Nguồn tin: Báo An Giang, 22/01/2016
Ngày cập nhật: 23/1/2016

Cùng với những đổi thay trong cuộc sống, quan niệm chưng Tết của người Việt đã xuất hiện nhiều nét mới. Bên cạnh mâm ngũ quả đã trở thành nét đẹp nhân văn, người Việt còn mang cả những “vật phẩm” mới bày biện trong nhà mình mỗi dịp Xuân về.

Từ mâm ngũ quả truyền thống...

Tết đến, người Việt lại tất bật với công việc dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị các loại bánh mứt, thực phẩm nhằm đảm bảo gia đình luôn “no đủ” trong những ngày đầu năm. Đó là phương diện vật chất. Về mặt tinh thần, người Việt đặc biệt quan tâm đến bàn thờ tổ tiên và mâm ngũ quả luôn chiếm vị trí trang trọng trong những ngày này.

Tùy vào mỗi vùng miền, mà mâm ngũ quả có nhiều biến thể. Người miền Bắc bày mâm ngũ quả theo thuyết ngũ hành với ý niệm vạn vật dung hòa cùng trời đất. Vì thế, mâm ngũ quả cũng phải phối theo 5 màu: Kim màu trắng, mộc màu xanh, thủy màu đen, hỏa màu đỏ, thổ màu vàng. Tùy vào điều kiện, người ta có thể sử dụng lần lượt các loại quả: Chuối, bưởi, đào, hồng, quýt, táo xanh hay thậm chí là cả ớt đỏ. Với người Nam Bộ, mâm ngũ quả lại đậm chất hóm hỉnh nhưng ý nghĩa biểu trưng lại rất độc đáo. “Ngày Tết, tôi thường chưng các loại quả: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài với mong mỏi cuộc sống của gia đình sẽ có nhiều biến chuyển tích cực trong năm mới. Những loại trái cây này đã được ông bà sử dụng từ trước đến giờ nên mình chỉ theo đó mà chưng mỗi dịp Tết” - bà Nguyễn Thị Sẹ (xã Mỹ Đức, Châu Phú) chia sẻ.

Bà Yến chuẩn bị sẵn “bắp kiểng” để bán Tết

Từ mâm ngũ quả của người miền Nam, có thể thấy mong ước giản dị của họ chính là “cầu - vừa - đủ - xài” trong năm mới. Chất dân dã của mâm ngũ quả Nam Bộ chính là lối đọc trại về tên của các loại quả, rồi ghép thành điều ước gửi đến tổ tiên. Lúc đầu, mâm ngũ quả truyền thống Nam Bộ chỉ có 4 loại quả. Về sau, người ta bổ sung thêm quả sung, với ý nghĩa biểu trưng cho sức sống mãnh liệt, sức khỏe và sự thành đạt.

Đến những “vật phẩm” mới

Không chỉ mâm ngũ quả mới chuyển tải ước muốn của người Nam Bộ, ngay cả những loại nông sản ruộng đồng cũng được mang vào nhà chưng trong dịp Tết. Trong đó, cây bắp là trường hợp điển hình. “Người ta chưng bắp bởi họ mong muốn mọi việc đều “chắc ăn như bắp” đúng như lời ông bà hay nói. Năm nào, tôi cũng trồng 3 cây bắp, rồi vô chậu để chưng trong dịp Tết. Cứ canh thời gian mà trồng, đợi khi bắp có trái to là đúng ngay dịp Tết. Chưng Tết xong, trái bắp cũng có thể làm mồi để mấy ông lai rai chén rượu Xuân” - ông Nguyễn Văn Bình (nông dân xã Khánh Hòa, Châu Phú) hóm hỉnh.

Hiện nay, ở một số vườn cây kiểng cũng xem bắp là loại “bông Tết”. Bà Nguyễn Thị Bạch Yến, người chuyên bán hoa kiểng tại xã Bình Hòa (Châu Thành), cho biết: “Tui đã bán bắp kiểng hơn 2 cái Tết rồi. Mỗi chậu trồng 3 cây bắp, giá bán 20.000 đồng. Vì mức giá khá bình dân nên khách đến mua khá đông. Hiện nay, tui đã xuống giống hơn trăm chậu bắp chờ bán Tết”.

Không chỉ có bắp, người nông dân hiện nay còn “sáng tạo” thêm việc trồng lúa để chưng trong nhà mấy ngày Tết. Về ý nghĩa, lúa đã khá quen thuộc với người Việt bởi là cây lương thực chính từ ngàn xưa. Tuy nhiên, việc biến cây lúa thành vật phẩm để chưng vẫn là nét mới. Cụm từ “lúa kiểng” nghe khá lạ tai, tuy nhiên nó đã tồn tại theo xu hướng chưng Tết mới của người dân. Ông Trần Văn Dũng (nông dân xã Vĩnh Châu, TP. Châu Đốc) quan niệm: “Việc chưng cây lúa trong nhà chỉ xoay quanh mong ước được no đủ, được mùa của người nông dân. Có thờ có thiêng, có tin tưởng thì mình mới phấn đấu cho những mùa vụ trong năm mới. Tui nghĩ người dân chưng cây gì là tùy vào suy nghĩ, quan niệm của họ. Mình cứ nỗ lực lao động thì sẽ có được những mùa vụ thắng lợi”.

Người Việt đã khá phóng khoáng khi sẵn sàng tiếp nhận những loại cây dân dã vào danh mục các loại kiểng Tết của mình. Dù không mang nét đẹp về hình dáng hay trổ hoa rực rỡ nhưng chính ý nghĩa tốt đẹp mà cây bắp, cây lúa mang đến cho gia chủ sẽ luôn là động lực để họ hướng đến những thành công trong năm mới.

THANH TIẾN

Các tin mới:

31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
28/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
24/12/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang