• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thú chơi bưởi cổ

Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 22/01/2016
Ngày cập nhật: 25/1/2016

Thú chơi bưởi cổ đang là xu hướng mới trong giới sinh vật cảnh. Những cây bưởi xưa quả có vị ngọt đắng hoặc chua gắt nay lại được ưa chuộng. Mỗi gốc có giá từ vài triệu đến hàng chục triệu đồng song không có để cung cấp.

Cây bưởi cổ của gia đình anh Nguyễn Văn Cường, thôn Đầm, xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).

Vừa có bóng mát, vừa cho quả ăn

Trong một lần tình cờ được nếm thử trái cam ghép trên gốc bưởi có tuổi thọ hàng chục năm, ông Quản Văn Long, thôn Bồng, xã Thanh Hải (Lục Ngạn) thấy khác hẳn so với quả của cây trồng vài năm tuổi. Không những vị ngọt sắc mà màu sắc cũng nổi trội hơn. Từ đó, ông Long nảy ra ý tưởng cải tạo gốc bưởi chua của gia đình nhằm làm cho không gian nhà vườn thêm sống động.

Ông cắt bỏ phần ngọn, chỉ giữ lại vài cành bánh tẻ để ghép mắt cam, chanh, bưởi Diễn. Nhờ thực hiện các thao tác đúng kỹ thuật, chăm sóc tốt, ngay năm sau cây cho 3 loại quả. Một số khách hàng ở Lạng Sơn đến mua cây cảnh đã nhìn thấy và năn nỉ mua cả cây. “Lúc đó phong trào chơi bon sai, cây cảnh đang thịnh hành nên ít người chú ý đến bưởi cổ. Khi một số người chọn trồng bưởi lâu năm thay vì một số cây cảnh khác cho thấy vừa có bóng mát, vừa có quả ăn thì bưởi cổ ngày càng được ưa chuộng”.

Ông Long chia sẻ. Sau cây đầu tiên xuất vườn, khách biết và tìm đến ông ngày một đông. Anh Nguyễn Văn, khu dân cư số 2 (TP Bắc Giang) là một trong số đó. Vốn sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn nên anh Văn luôn mong muốn trồng loài cây nào đó gắn bó với quê nhà. Vậy là anh chọn cây bưởi cổ được ghép nhiều thứ quả.

Theo anh Văn, sở dĩ chọn bưởi cổ bởi cây nhanh cho quả và có bóng mát trong thời gian ngắn. Hoa, quả của cây có mùi thơm thoang thoảng, rất đặc biệt, dường như giúp người sống ở thành phố được lớn lên ở nông thôn vơi đi nỗi nhớ quê.

Ngoài cung cấp cho khách gốc bưởi, ông Long còn tư vấn cho nhiều hộ tại địa bàn áp dụng kỹ thuật ghép cải tạo những cây bưởi già cỗi, chất lượng thấp. Có kinh nghiệm làm vườn lâu năm cộng với sự hướng dẫn của đồng nghiệp, ông Giáp Văn Cận, thôn Hựu, xã Trù Hựu đã ghép cam Vinh, bưởi Diễn trên gốc bưởi cổ.

Dẫn khách thăm khu vườn ngát hương bưởi, dừng lại bên cây bưởi ghép có cả quả, hoa và mầm xanh, ông Cận cho biết: “Gốc bưởi này cho quả to nhưng vị chua gắt. Hiện nay, tôi đã ghép bưởi Diễn, cam Vinh và dự kiến năm tới sẽ được thu lứa quả đầu tiên. Đã có nhiều khách đến trả giá mua cây nhưng tôi chưa bán”.

Bưởi xưa khó tìm

Thời gian qua, đa phần người dân khi cải tạo vườn tạp, đưa giống cây mới vào trồng không biết cách tận dụng gốc cây cũ đã phá bỏ bưởi cổ thụ. Vì vậy, bưởi quê có tuổi đời lâu năm ngày càng hiếm. Dù nhiều người đặt hàng nhưng ông Long cũng không có để cung cấp. Hiện ông Long có chục gốc bưởi cổ và đã ghép hoàn tất 5 gốc song rất nhiều khách đã muốn đặt mua. Phải là chỗ thân quen, nể lắm ông mới nhượng cho.

Điều đặc biệt mà gốc bưởi cỗi được ưa chuộng là những cây cùng họ ghép vào rất hợp và cho quả chất lượng, mã hơn hẳn những cây trồng mới. Theo lý giải của các nhà vườn, do được trồng lâu năm nên gốc bưởi có sức sống khỏe, tích lũy được nhiều dinh dưỡng nuôi quả. Thực tế có hộ thu được 4 tạ cam/cây ghép khi bước vào năm thứ 3 hoặc có 600 - 700 quả bưởi/gốc, tăng gấp nhiều lần so với cây trồng thông thường.

Trong vài năm gần đây, ngoài những cây cảnh truyền thống như đào, quất, những người sành chơi cây cảnh bắt đầu tìm đến những loại cây ăn quả được tạo dáng đẹp, nhất là bưởi cổ. Nắm bắt được nhu cầu này, nhiều nhà vườn “săn” gốc bưởi lâu năm để ghép, tạo dáng thế. Tuy nhiên, để tìm được gốc bưởi ưng ý không phải dễ. Nhiều năm trong nghề, ông Long phải lần mò đi nhiều vùng quê, miền núi để tìm cây.

Khi tìm chọn được gốc bưởi thì việc đánh cây, vận chuyển cũng tốn khá nhiều công sức bởi gốc cây lâu năm có bộ rễ bám sâu, chặt dưới lòng đất. Có người cho rằng, tiền mua gốc một đồng nhưng chi phí vận chuyển, đào rễ mất 5 đồng. Nếu chỉ cần sơ suất, thiếu kinh nghiệm cây có thể bị chết. Theo người trong nghề, trước hết cần cắt bỏ toàn bộ tán cây, tưới đủ ẩm, đào cắt các rễ ngang cách gốc 1 - 2m, cây càng to đào cách gốc càng xa, càng sâu.

Khoảng 2 tháng sau cây hồi sức thì đào chặt nốt rễ cọc, rễ cái rồi chuyển vị trí cây đi nơi khác. Sau khi đào lên, chú ý quấn băng dính chặt đất quanh gốc, bảo đảm cây không bị vỡ bầu khi vận chuyển. Chăm sóc cây bằng một số chế phẩm sinh học để kích thích ra rễ, lộc mới.

Ghép cây cùng họ trên gốc bưởi cổ chỉ sau một năm là có quả nên được nhiều người ưa chuộng. Chơi loại cây này hay ở chỗ, không chỉ được bóng mát mà còn được hái quả, được ngắm, hít hà hương thơm ngan ngát khi cây ra hoa, khi quả chín”. (Ông Quản Văn Long)

Trịnh Lan

Các tin mới:

31/12/2016
30/12/2016
30/12/2016
29/12/2016
29/12/2016
28/12/2016
27/12/2016
27/12/2016
24/12/2016

 

Các tin năm 2016: 1 2 3 4 5 6 7 8 9 10 11 12 13 14 15 16 17 18 19 20 21 22 23 24 25 26 27 28 29 30 31 32 33 34

Các tin năm 2015 | 2014 | 2013 | 2012 | 2011 | 2010 | 2009 | 2008 | 2007 | 2006

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang