Nguồn tin: Báo Hòa Bình, 05/08/2017
Ngày cập nhật:
7/8/2017
Vịt Bầu Bến có nguồn gốc ở vùng Chợ Bến, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Đây là một trong những vật nuôi có đặc điểm di truyền quý giá, đó là khả năng sử dụng các loại thức ăn thô, nghèo dinh dưỡng, rơi vãi, các loại côn trùng và các loại sinh vật khác trong tự nhiên, đủ sức chống chịu với nhiều loại bệnh.
Khả năng sinh sản và chất lượng thịt, trứng thơm ngon, có độ dinh dưỡng cao. Song do tập quán chăn nuôi của người dân còn manh mún, nhỏ lẻ, mang tính chất tự cung, tự cấp nên nuôi vịt chưa được đầu tư đúng mức dẫn đến tình trạng dịch bệnh thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, người nuôi vịt thời vụ thích các giống vịt tăng trưởng nhanh có trọng lượng lớn nên hiện nay có nhiều giống vịt ngoại đã và đang được người nông dân nuôi phổ biến như super meet, bầu cánh trắng... Những giống vịt nội trong đó có cả vịt Bầu Bến ít được quan tâm phát triển và đang có xu hướng giảm dần.
Thực hiện đề tài khoa học, Trung tâm đã xây dựng được quy trình sản xuất giống và kỹ thuật nuôi vịt Bầu Bến thương phẩm.
Với mục tiêu ứng dụng tiến bộ KHKT sản xuất giống và nuôi thương phẩm vịt Bầu Bến, góp phần bảo tồn, lưu giữ nguồn gen và phát triển giống vịt Bầu Bến trên địa bàn tỉnh, từ tháng 3/2015 đến hết tháng 12/2016, Trung tâm Giống vật nuôi và thủy sản đã triển khai thực hiện đề tài: "ứng dụng tiến bộ KHKT sản xuất giống và nuôi thương phẩm vịt Bầu Bến (Cao Thắng - Lương Sơn) tại tỉnh Hòa Bình”. Địa điểm nghiên cứu tại Trung tâm Giống vật nuôi và thủy sản cùng một số hộ chăn nuôi được lựa chọn tại xã Cao Dương, Cao Thắng (Lương Sơn) và xã Dân Chủ (TP Hòa Bình). Nội dung nghiên cứu gồm: (1) Điều tra bổ sung, đánh giá thực trạng tình hình chăn nuôi vịt Bầu Bến. (2) ứng dụng tiến bộ KHKT nuôi, tuyển chọn đàn giống bố, mẹ, ấp nở, sản xuất vịt giống Bầu Bến tại Trung tâm Giống vật nuôi và thủy sản; xây dựng quy trình sản xuất giống, quy trình kỹ thuật nuôi vịt thương phẩm. (3) Chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi vịt thương phẩm.
Đồng chí Ngô Công Vinh, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Vịt Bầu Bến là giống kiêm dụng thịt, trứng, có tính thích nghi rộng, chống chịu bệnh tật tốt, chất lượng thịt thơm ngon, ít mỡ, vị đậm. Qua kết quả điều tra cho thấy, hiện nay, trên địa bàn tỉnh vịt Bầu Bến chỉ còn gần 2.500 con, chiếm 0,66% tổng đàn vịt của tỉnh, tập trung chủ yếu ở một số xã thuộc các huyện: Lương Sơn, Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu, Lạc Sơn, Đà Bắc. Quy mô chăn nuôi của các nông hộ mang tính nhỏ lẻ, tự phát; phương thức chăn nuôi bán chăn thả, chủ yếu tận dụng mùa vụ, thức ăn có sẵn. Trung bình mỗi hộ nuôi từ 10 - 30 con, mục đích cải thiện bữa ăn là chính, chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, các hộ nuôi chủ yếu mua giống trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc nên không đảm bảo chất lượng, tỷ lệ này chiếm 61,47%. Tự nhân giống chiếm 30,32% với hình thức trứng vịt đẻ ra cho gà ấp hoặc gửi ấp ở những cơ sở ấp trứng nhân tạo của tư nhân, việc tự nhân giống kéo dài thường dẫn đến tình trạng vịt bị đồng huyết hoặc pha tạp với giống vịt khác ảnh hưởng đến sức sống và chất lượng thịt của vịt Bầu Bến. Hiện chỉ có ít hộ mua giống từ Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên qua tham gia chương trình bảo tồn, nuôi giữ quỹ gen vịt Bầu Bến của Trung tâm.
Xuất phát từ thực trạng trên, thực hiện đề tài khoa học, Trung tâm Giống vật nuôi và thủy sản đã tiến hành xây dựng chuồng nuôi với diện tích 60m2 và nhập 200 con Bầu Bến 1 ngày tuổi gồm 160 con mái và 40 con trống của Trung tâm nghiên cứu vịt Đại Xuyên thuộc Viện chăn nuôi. Trung tâm đã tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc nuôi dưỡng cho từng giai đoạn vịt con, vịt hậu bị và giai đoạn sinh sản. Sau 22 tuần tuổi, đến thời kỳ vịt sinh sản, tỷ lệ nuôi sống đạt trên 93%, trọng lượng từ 1,8 - 2,2kg/con. Vịt Bầu Bến cho sinh sản trong suốt 52 tuần đẻ, khả năng cho trứng 177, 3 quỷ/mái/năm, tỷ lệ đẻ bình quân gần 49%.
Trung tâm đã lựa chọn trứng đủ tiêu chuẩn về hình dạng, kích cỡ cũng như khối lượng đưa vào ấp với tỷ lệ vịt nở ra đạt 94,6%. Số con giống Bầu Bến được sản xuất ra, Trung tâm Giống vật nuôi và thủy sản đã chuyển giao 2.000 con giống khỏe mạnh, đảm bảo sự đồng nhất về phẩm chất giống cho 2 xã Cao Dương và Cao Thắng (Lương Sơn) và xã Dân Chủ (TP Hòa Bình) để thực hiện mô hình nuôi vịt Bầu Bến thương phẩm. Đồng thời tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi cho các hộ tham gia thực hiện mô hình.
Quá trình theo dõi mô hình cho thấy, tỷ lệ nuôi sống vịt thương phẩm theo hình thức bán chăn thả đạt gần 94%, trọng lượng tăng dần qua các tuần tuổi. Đến thời kỳ xuất bán sau khoảng 10 tuần tuổi trung bình đạt khoảng 1,8 kg/con, bán cho lãi khoảng 13.000 đồng /con. Chất lượng thịt thơm, giá trị dinh dưỡng cao, ăn có vị đậm và ngon hơn nhiều so với các giống vịt khác.
Đồng chí Ngô Công Vinh, Chủ nhiệm đề tài cho biết thêm: Sau gần 2 năm nghiên cứu, thực hiện đề tài, kết quả thu được là cơ sở đánh giá về giống vịt Bầu Bến và có kế hoạch chọn lọc, nhân giống, bảo tồn nguồn gen quý hiếm để phát huy tiềm năng của giống vịt đặc sản địa phương. Các sản phẩm khoa học thu được là Trung tâm Giống vật nuôi và thủy sản đã nuôi tuyển được đàn giống bố mẹ cho sinh sản; đánh giá khả năng sinh sản và sản xuất thịt của vịt Bầu Bến; xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi vịt Bầu Bến sinh sản và thương phẩm; chuyển giao quy trình kỹ thuật nuôi vịt Bầu Bến thương phẩm cho người dân.
Với nhiều đặc tính quý hiếm, khả năng thích nghi cao với điều kiện thời tiết, khí hậu vùng Tây Bắc, vịt Bầu Bến có sức sống và khả năng chống chịu bệnh tật cao. Vịt nuôi theo phương thức bán chăn thả là hoàn toàn phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của người dân trong tỉnh. Để khuyến khích bảo tồn và phát triển chăn nuôi giống vịt đặc hữu của địa phương, ban nghiên cứu đề tài mong muốn UBND tỉnh hàng năm cấp kinh phí để đơn vị cùng một số địa phương trong tỉnh, đặc biệt là các xã thực hiện mô hình nuôi giữ đàn giống thuần để sản xuất con giống cung cấp cho người chăn nuôi. Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm vịt Bầu Bến, bằng các nguồn vốn khuyến khích xây dựng các mô hình chăn nuôi vịt Bầu Bến tại các địa phương trong tỉnh thành sản phẩm hàng hóa; xây dựng thương hiệu sản phẩm vịt Bầu Bến Hòa Bình để nâng cao được giá thành bán sản phẩm tương ứng với giá trị thực của chúng.
Thu Hiền
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.