• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Bình Dương: Giải pháp phát triển chăn nuôi hiệu quả và bền vững

Nguồn tin: Báo Bình Dương, 28/12/2017
Ngày cập nhật: 29/12/2017

Ứng dụng công nghệ cao và phát triển theo chuỗi giá trị được coi là chìa khóa để phát triển chăn nuôi bền vững trong bối cảnh hiện nay. Điều này không chỉ góp phần tăng năng suất, chất lượng, giá cả cạnh tranh mà còn bảo đảm an toàn thực phẩm. Đó là một trong những nội dung tại Hội thảo “Giải pháp để phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững gắn với thị trường tiêu thụ” do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức sáng qua (27-12).

Trang trại chăn nuôi heo của anh Đào Ngọc Thịnh, ở xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng. Ảnh: QUỲNH NHIÊN

Vẫn còn nhiều khó khăn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua ngành chăn nuôi của tỉnh Bình Dương có những bước phát triển đáng kể, tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi trong nông nghiệp ngày càng tăng. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi cũng bộc lộ nhiều khó khăn, thiếu tính bền vững. Ðể ngành chăn nuôi tạo được sự đột phá, phát triển bền vững cần đẩy mạnh công tác quản lý phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững gắn với thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, đưa chăn nuôi trở thành mục tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh tăng theo từng năm. Cụ thể, năm 2015, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh đạt hơn 528.000 con, năm 2017 đã tăng lên hơn 602.000 con; tổng đàn gia cầm năm 2015 đạt hơn 7,1 triệu con, năm 2017 tăng lên hơn 9,3 triệu con. Các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm ứng dụng công nghệ cao chủ yếu tập trung ở 6 huyện, thị phía bắc của tỉnh gồm Bến Cát, Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng, Tân Uyên và Bắc Tân Uyên. Hiện trên địa bàn tỉnh có 120 trang trại chăn nuôi gà, 5 trang trại chăn nuôi vịt, 117 trang trại chăn nuôi heo và 1 trang trại chăn nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao.

Tuy nhiên, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp không ít khó khăn. Cụ thể là tình hình tiêu thụ chưa có sự chuyển biến tích cực, giá bán sản phẩm vẫn ở mức thấp, nhất là trong lĩnh vực chăn nuôi heo. Riêng giá heo hơi tại Bình Dương nói riêng và khu vực Đông Nam bộ nói chung vẫn tiếp tục giảm sâu trong thời gian dài đã khiến các chủ trại heo phải lao đao, thậm chí thua lỗ nặng, dẫn đến một số cơ sở chăn nuôi tư nhân quy mô nhỏ và hộ chăn nuôi phải treo chuồng, ngưng chăn nuôi. Bên cạnh đó, người chăn nuôi hiện đang phải đối mặt với giá vật tư, thức ăn gia súc gia cầm tăng cao; đặc biệt dịch bệnh luôn là mối đe dọa thường xuyên trong chăn nuôi... Làm sao để người chăn nuôi vừa chủ động chăn nuôi có hiệu quả, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường, không để dịch bệnh xuất hiện và có sản phẩm sạch cung cấp cho người tiêu dùng đang là vấn đề ngành chức năng, địa phương, người chăn nuôi rất quan tâm.

Anh Đào Ngọc Thịnh, chủ trang trại chăn nuôi ở xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng chia sẻ, gia đình anh đầu tư xây dựng mô hình chuồng trại khép kín, trang bị hệ thống dàn lạnh, hút gió, đồng thời xử lý chất thải bằng hầm biogas; quy mô chăn nuôi hơn 1.200 heo thịt. Ðầu tư quy mô là thế, nhưng vấn đề đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi luôn khiến anh phải trăn trở. Gia đình anh cũng chủ yếu bán qua các thương lái tự do và không quyết định được giá bán. Do đó, nếu giá thị trường ổn định thì có lãi, còn giá xuống thấp cũng đành chịu.

Ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mặc dù đã vận động các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao nhưng nhìn chung ngành chăn nuôi trong tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn. Cụ thể, công tác quản lý giống vật nuôi còn gặp khó; giống được sản xuất thiếu kiểm soát về cả số lượng và chất lượng. Trong khi đó, năng suất chăn nuôi ở các loại vật nuôi còn thấp, dẫn đến giá thành cao và khó cạnh tranh; hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị còn chập chững và chưa định hình. Cùng với đó, ngoài các trang trại chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao phát triển ổn định, trên địa bàn tỉnh còn khá nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nên chất lượng sản xuất, hiệu quả chưa cao.

Ngoài ra, để phát triển nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao và vốn đầu tư lớn cho việc xây dựng kết cấu hạ tầng, xử lý môi trường, đầu tư giống vật nuôi... Thực tế, nguồn nhân lực chất lượng cao am hiểu về kỹ thuật trong nông nghiệp, trong đó có ngành chăn nuôi của tỉnh còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu. Cùng với đó, chất lượng lao động trong lĩnh vực chăn nuôi vẫn còn nhiều bất cập so với yêu cầu phát triển và hội nhập hiện nay.

Đầu tư mạnh cho ứng dụng công nghệ cao

Theo ông Bình, ứng dụng công nghệ cao và phát triển theo chuỗi giá trị được coi là chìa khóa để phát triển chăn nuôi bền vững trong bối cảnh hiện nay, không chỉ góp phần tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm mà còn bảo đảm an toàn thực phẩm. Ngoài ra, để bảo đảm đầu ra sản phẩm ổn định, bền vững đòi hỏi phải có sự hợp tác liên kết chặt chẽ giữa nhà cung ứng nguyên liệu đầu vào - nhà sản xuất - doanh nghiệp để tạo sản phẩm hội tụ đủ các yếu tố bảo đảm an toàn, chất lượng, bảo đảm số lượng cung ứng, giá cả cạnh tranh, cộng với sự tác động của Nhà nước điều tiết bằng cơ chế, chính sách phù hợp. Tất cả những mắt xích này nếu hoạt động đồng bộ, trôi chảy thì trong tương lai gần Bình Dương sẽ có hàng hóa nông sản bước vào thị trường khu vực và quốc tế.

Trong giai đoạn 2018-2020, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương sẽ tập trung tái cơ cấu chăn nuôi bằng cách thực hiện quy hoạch lại các vùng chăn nuôi, phát triển theo phương thức nuôi trang trại tập trung gắn với an toàn dịch bệnh, kiểm soát môi trường. Bên cạnh đó, Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Tỉnh cũng tập trung phát triển chất lượng con giống, kể cả với sản xuất nông hộ lẫn sản xuất trang trại; tăng cường quản lý các loại giống đang lưu hành trên địa bàn tỉnh; đồng thời phát triển các loại vật nuôi có thế mạnh; khuyến khích thu hút các doanh nghiệp đầu tư theo Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Tỉnh sẽ tổ chức sản xuất chăn nuôi theo các chuỗi sản xuất liên kết khép kín, tập trung từ các khâu nguyên liệu đầu vào đến sản xuất, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, giảm đến mức thấp nhất khâu trung gian. Trong đó, phát huy vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp, hiệp hội, hợp tác xã để vừa bảo đảm truy xuất an toàn thực phẩm vừa chia sẻ trách nhiệm của các đối tác trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm và giúp xác định được cân đối cung cầu của các sản phẩm chăn nuôi.

QUỲNH NHIÊN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang