Nguồn tin: Báo Phú Yên, 05/08/2017
Ngày cập nhật:
8/8/2017
Với mục tiêu hỗ trợ người dân nhanh chóng thích nghi, chủ động chuyển đổi phương thức chăn nuôi trong điều kiện thời tiết diễn biến bất thường, Trung tâm Khuyến nông quốc gia vừa tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp, thu hút đông đảo nông dân trong tỉnh tham gia. Báo Phú Yên lược ghi một số ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi và người nông dân xung quanh vấn đề này.
Ts. Nguyễn Thị Hải, trưởng phòng khuyến nông chăn nuôi và thú y (trung tâm khuyến nông quốc gia): Giảm phát thải khí nhà kính, góp phần hạn chế biến đổi khí hậu
Hiện nay, nông nghiệp không chỉ là ngành chịu tác động của biến đổi khí hậu mà còn là ngành gây ra phát thải khí nhà kính rất lớn, gây biến đổi khí hậu. Những năm qua, trên cả nước, đàn vật nuôi liên tục phát triển. Tính đến cuối năm 2016, tổng đàn bò cả nước hơn 5,5 triệu con, đàn trâu 2,5 triệu con, đàn heo hơn 29 triệu con và hơn 361 triệu con gia cầm. Với tổng đàn vật nuôi trên, bình quân mỗi năm sẽ thải ra khoảng 85 triệu tấn chất thải. Chất thải từ chăn nuôi sẽ phát sinh ra môi trường một lượng lớn khí nhà kính (khí mê tan).
Ngoài ra, đối với các loài nhai lại, quá trình lên men thức ăn trong dạ cỏ của vật nuôi cũng phát sinh khí mê tan và chúng thoát ra môi trường khi vật nuôi ợ hơi. Lượng khí này góp phần làm trái đất nóng lên, gây nên các hiện tượng biến đổi khí hậu. Vì vậy để giảm lượng khí mê tan phát sinh, người chăn nuôi cần thu gom, xử lý chất thải, tốt nhất là đưa vào hầm biogas để tận dụng lượng khí này nấu nướng. Đối với các loài nhai lại, bà con nên thay đổi thói quen cho vật nuôi ăn trực tiếp thức ăn thô xanh mà nên ủ chua tất cả các loại cỏ, rơm rạ hay phụ phẩm khác với urê và vôi, bổ sung thêm thức ăn tinh đã cân đối trong khẩu phần để giảm phát thải khí mê tan khi gia súc ợ hơi và sinh ra trong phân. Khi gia súc được ăn khẩu phần phù hợp sẽ phát triển tốt, lại hạn chế tác động đến môi trường, góp phần bảo vệ môi trường chăn nuôi bền vững.
Ths. Dương Trí Tuấn, Giám đốc trung tâm nghiên cứu và phát triển chăn nuôi miền Trung: Cần xác định được đối tượng chăn nuôi phù hợp với từng vùng
Nhìn chung nhiều năm qua, tình hình chăn nuôi tại 8 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Nam Trung Bộ không có sự biến động đáng kể. Các đối tượng chăn nuôi chủ yếu gồm bò, trâu, heo, gia cầm... Đây cũng là cơ cấu vật nuôi chính hiện nay của hầu hết địa phương trong khu vực này. Tuy nhiên, trong điều kiện khí hậu biến đổi như hiện nay, mỗi địa phương sẽ có một kiểu hình thời tiết riêng. Theo đó, các địa phương cần quan tâm thực hiện chuyển đổi cơ cấu vật nuôi phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu, đặc điểm sinh thái của địa phương. Điển hình, tại tỉnh Ninh Thuận, những năm gần đây liên tục bị hạn nặng, nếu nuôi gia súc sẽ bị thiếu thức ăn và nước uống thường xuyên nên người dân đã chuyển sang nuôi cừu để thích nghi với điều kiện khô hạn.
Trong khi đó, tại Phú Yên, nắng hạn ít hơn, phụ phẩm nông nghiệp lại dồi dào, rất thuận lợi cho phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao; đồng thời với đặc thù nhiều sông, suối cũng rất thích hợp để phát triển đàn gia cầm. Ngoài ra, người chăn nuôi cũng nên ưu tiên phát triển các giống vật nuôi bản địa vì các loài này có khả năng thích nghi cao với điều kiện thời tiết của địa phương; nếu được đầu tư đúng mức cũng sẽ trở thành lợi thế phát triển chăn nuôi của mỗi vùng.
Chi cục trưởng chi cục chăn nuôi và thú y Phú Yên Đào Lý Nhĩ: Tăng cường công tác thú y và xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất
Biến đổi khí hậu là vấn đề nóng hiện nay bởi nó tác động đến toàn bộ các lĩnh vực sản xuất và đời sống của con người, trong đó có ngành Chăn nuôi. Phú Yên nằm trong khu vực duyên hải Nam Trung Bộ thường xuyên phải chịu tác động hạn hán, xâm nhập mặn vào mùa khô và bão, lũ trong mùa mưa. Trong những năm gần đây, ngành Chăn nuôi của tỉnh bị ảnh hưởng khá nhiều vì nguồn thức ăn và nước uống giảm mạnh; tỉ lệ bệnh tật ở gia súc, gia cầm tăng...
Để phát triển chăn nuôi bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu thì vấn đề kiểm soát dịch bệnh phải được quan tâm đúng mức. Ngành Chăn nuôi sẽ tăng cường công tác thú y; trong đó chú trọng đến việc thực hiện tiêm phòng vắc xin phòng ngừa theo quy định và thực hiện vệ sinh môi trường chăn nuôi. Ngoài ra, để hỗ trợ người chăn nuôi ổn định sản xuất, ngành cũng sẽ tiếp tục xây dựng chuỗi giá trị các sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm, phát triển các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Giám đốc trung tâm khuyến nông tỉnh Phú Yên Nguyễn Hữu Bách: Triển khai các mô hình điểm để nhân rộng cho dân Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông đã triển khai khá nhiều mô hình chăn nuôi đến với nông dân. Trong đó, nhiều mô hình hướng dẫn cho bà con những kỹ thuật, phương thức chăn nuôi mới, thích nghi điều kiện biến đổi khí hậu. Với mục tiêu tiết kiệm nước, giảm thải ô nhiễm môi trường, các mô hình nuôi heo, gà trên đệm lót sinh học với chế phẩm men balasa đã được triển khai và người chăn nuôi ở các huyện Phú Hòa, Tây Hòa, Tuy An đang áp dụng. Ngoài ra, để người dân phát triển chăn nuôi bò theo hướng bền vững, nhiều mô hình trồng cỏ nuôi bò, lai tạo đàn bò với các giống bò thịt chất lượng cao như BBB, Lymousin, Angus... cũng được thực hiện.
Thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục lựa chọn, triển khai một số mô hình giới thiệu đến nông dân những phương thức chăn nuôi, đối tượng vật nuôi mới có tính thích nghi cao với điều kiện thời tiết của tỉnh. Đồng thời, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh công tác thụ tinh nhân tạo với các loại giống có đặc điểm vượt trội về chất lượng thịt, thể hình, khả năng sinh sản và thích nghi với môi trường sống. Ngoài ra, trung tâm cũng ưu tiên triển khai các mô hình chăn nuôi phù hợp với điều kiện nông hộ của tỉnh hiện nay.
Ông Châu Minh Hiền ở xã Suối Bạc (Sơn Hòa): Cần được hỗ trợ và định hướng để phát triển chăn nuôi bền vững
Nhiều năm trở lại đây, ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, thức ăn tự nhiên ngày một giảm nên bà con phải tăng cường bổ sung thức ăn tổng hợp khiến chi phí chăn nuôi tăng. Thời tiết thất thường còn làm cho tình hình dịch bệnh ở vật nuôi diễn biến phức tạp hơn, rủi ro trong sản xuất không ngừng tăng. Thế nhưng, giá tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên thị trường thì bấp bênh, có nhiều thời điểm giá sản phẩm bán ra thấp hơn cả giá thành sản xuất khiến người chăn nuôi thua lỗ nặng. Ngoài ra, hiện nay, người chăn nuôi gần như không nắm bắt được thông tin, nhu cầu của thị trường. Bà con đầu tư sản xuất chủ yếu trông chờ vào sự may rủi nên thường xuyên gặp tình trạng “nhũng” hàng, rớt giá.
Vì vậy, để người chăn nuôi có thể an tâm đầu tư, phát triển bền vững đàn vật nuôi thì Nhà nước cần phải hỗ trợ thông tin về tình hình chăn nuôi, nhu cầu thị trường, định hướng cụ thể về các đối tượng vật nuôi có lợi thế cạnh tranh trên thị trường, có khả năng thích nghi cao, chất lượng tốt... để bà con sản xuất. Cùng với đó, Nhà nước cần nhân rộng hơn nữa các mô hình chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, giúp ổn định đầu ra cho sản phẩm để người chăn nuôi an tâm sản xuất, phát triển đàn.
Thủy Tiên (thực hiện)
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.