Nguồn tin: Báo Thái Nguyên, 08/08/2017
Ngày cập nhật:
9/8/2017
Sau một thời gian giá thịt lợn hơi giảm và chạm đáy khiến cho nhiều hộ chăn nuôi phải điêu đứng vì thua lỗ nặng thì đến khoảng giữa tháng 7, giá lợn tăng đã giải tỏa phần nào tâm lý căng thẳng của người chăn nuôi. Tuy nhiên, ngay sau đó, giá lợn lại có chiều hướng đi xuống. Tình trạng bấp bênh về giá khiến cho người chăn nuôi không khỏi hoang mang, lo lắng, không biết nên tiếp tục duy trì hay bỏ không.
Thực tế ở huyện Phú Bình (Thái Nguyên), một trong những địa phương có nhiều trang trại, gia trại lợn lớn nhất tỉnh thì đã có nhiều hộ chăn nuôi phải giảm đàn hoặc ngừng chăn nuôi. Nếu như tình trạng này kéo dài, chỉ từ nay đến cuối năm, nhất là dịp Tết Nguyên đán, khi lượng cung thấp, cầu cao, thiệt hại kép lại có nguy cơ xảy ra…
Chúng tôi đến các xã Tân Đức, Dương Thành, Tân Hòa, Kha Sơn…, nơi có nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi lợn. Theo người dân thì chưa bao giờ giá lợn lại bấp bênh và biến động bất thường như hiện nay. Hiện, hầu hết những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ giữ lại khoảng 20-30% con so với tổng đàn ban đầu, hoặc bỏ trống chuồng do không còn tiền để duy trì chăn nuôi; các trang trại, gia trại lợn do đầu tư vốn lớn, “bỏ thì thương, vương thì nợ” nên đều đang phải gắng gượng duy trì hoạt động và giảm dần quy mô chăn nuôi.
Nơi chúng tôi đến đầu tiên là gia trại của gia đình anh Nguyễn Văn Kiên ở xóm Ngò, một trong những hộ chăn nuôi được coi là may mắn nhất xã Tân Đức trong thời điểm “khủng hoảng” giá lợn vừa qua. Đàn lợn 65 con (tổng trọng lượng khoảng 7 tấn) đến lứa xuất bán đúng thời điểm giá lợn hơi đạt mức 40.000 đồng/kg, trung bình, gia đình anh Kiên thu lãi khoảng 300-400 nghìn đồng/con. Tuy không bị thua lỗ như những hộ chăn nuôi khác song anh Kiên vẫn không khỏi bất an. Anh Kiên cho hay: Trong chuồng trại gia đình tôi hiện vẫn còn 60 con lợn nái, trên 100 con lợn bột và gần 30 con lợn thịt. Hiện giờ giá lợn ở mức 27 – 28 nghìn đồng/kg (xuống 3-4 giá so với cuối tháng 7), không biết thời gian tới sẽ ra sao. Giá lợn lên xuống thất thường khiến cho tôi đứng ngồi không yên.
Không gặp may như anh Kiên, ông Dương Văn Tĩnh, xóm Viên (xã tân Đức), chủ gia trại lợn quy mô 30 con nái và 160 con lợn thịt/lứa đã chịu lỗ gần 200 triệu đồng khi đàn lợn thịt 80 con xuất bán ở mức 18.000 đồng/kg. Ông Tĩnh cho biết: Giá lợn thay đổi chỉ trong một thời gian ngắn, thậm chí trong 1 ngày có thể tăng giảm đột ngột nên người chăn nuôi nào không gặp thời thì thiệt hại nặng, còn may mắn hơn thì gần như hòa vốn. Khi thấy giá lợn có chiều hướng giảm, vì lo sợ giá lợn xuống thấp hơn nên tôi bán tống bán tháo bởi lợn đã to, quá lứa, càng để lâu càng tốn thêm chi phí chăm sóc. Hơn nữa, không riêng gì gia đình tôi mà nhiều hộ chăn nuôi khác cũng ồ ạt bán, đó cũng chính là nguyên nhân khiến cho các thương lái o ép giá. Giá lợn thịt giảm kéo theo giá con giống giảm, có lúc chỉ vài chục nghìn đồng/con mà cũng không ai mua. Theo ông Tĩnh, giá lợn bấp bênh, trong khi giá thức ăn chăn nuôi, các chi phí đầu vào khác không hề giảm khiến cho nhiều hộ chăn nuôi trong xóm không còn mặn mà với nghề. Trước, xóm Viên có trên 90 hộ dân thì có có khoảng 40 hộ chăn nuôi lợn với quy mô từ 20 đến 100 con lợn thịt. Sau đợt sụt giá, nhất là trong tháng 6 vừa qua thì đến nay, xóm chỉ còn 3 hộ duy trì chăn nuôi với quy mô trên 100 con lợn thịt, vài hộ nuôi dưới chục con, về cơ bản đã bỏ trống chuồng. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, tôi e rằng thời gian tới, đàn lợn giống sẽ khan hiếm, giá lợn sẽ tăng đột biến, nhất là cuối năm và dịp Tết khiến cho không chỉ người chăn nuôi mà người tiêu dùng cũng tiếp tục hứng chịu khó khăn.
Không riêng gì hộ chăn nuôi lợn thịt mà các hộ chăn nuôi lợn nái cũng phải chịu chung tình cảnh này, thậm chí thiệt hại gấp nhiều lần. Bởi, trong tình cảnh nhà nhà đều giảm đàn, bỏ trống chuồng thì lượng con giống tồn đọng không thể xuất bán thì các trang trại lợn nái đành ngậm ngùi giữ lại nuôi cầm chừng. Tuy nhiên, chi phí thức ăn, thuốc thú y cho đàn lợn giống và nái là một gánh nặng quá lớn, nhiều hộ đã phải bán tống đàn nái, chịu lỗ hàng chục triệu đồng/con. Càng nuôi nhiều càng lỗ lớn, đó là chia sẻ đầy xót xa của Anh Dương Văn Tuấn, chủ trang trại lợn nái quy mô lớn nhất, nhì xã Dương Thành với chúng tôi. Được biết, khoảng chục năm về trước, anh Tuấn mở lò ấp gà, mỗi năm cung cấp ra thị trường 150 vạn con gà giống. Đầu năm 2014, do có quá nhiều cơ sở lò ấp, thị trường gà giống bão hòa nên anh Tuấn chuyển sang chăn nuôi lợn nái với quy mô 120 con. Thấy chăn nuôi lợn có hiệu quả, đầu năm 2016, anh Tuấn đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng chuồng trại, tăng lên nuôi trên 300 con lợn nái, thuê 8 lao động địa phương với lương 3-4 triệu đồng/người. Nhưng đến tháng 6 năm nay, giá thịt lợn hơi xuống thấp còn 18.000 đồng, anh đã phải bán đi trên 200 con nái với mức 10.000-12.000 đồng/kg để lấy tiền mua cám nuôi đàn lợn nái 100 con và 200 con lợn bột. Trung bình mỗi ngày, tiền cám hết 4-5 triệu đồng. Anh Tuấn nhẩm tính: Để nuôi 1 con lợn nái đến kỳ sinh sản, chi phí hết khoảng 15-17 triệu đồng, nhưng khi bán chỉ được 2,2 triệu đồng/con. Hiện, tôi đang nợ ngân hàng gần 6 tỷ đồng, tôi không biết phải làm sao để tiếp tục chăn nuôi khi vốn đã cạn.
Nỗi lo của anh Tuấn cũng giống như bao người chăn nuôi khác, và đây cũng đang là bài toán khó đối với ngành chăn nuôi. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, việc giá lợn chạm đáy, tăng giảm bất thường cho thấy, tình trạng chăn nuôi ồ ạt trong nhân dân, tăng giảm đàn theo giá thị trường làm mất cân đối giữa cung – cầu. Ông Phạm Đăng Ninh, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Phú Bình cho biết: Hiện, tổng đàn lợn trên địa bàn huyện có khoảng 131.000 con, giảm 10% so với cùng kỳ và có xu hướng tiếp tục giảm. Để ngành chăn nuôi ổn định, huyện sẽ rà soát, đánh giá quy hoạch chăn nuôi lợn gắn với thị trường chung và tiềm năng, lợi thế của từng địa phương; khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hướng chuỗi liên kết. Trước thực trạng chăn nuôi lợn có nhiều biến động, bên cạnh sự can thiệp, giúp đỡ kịp thời của nhà nước, các ngành chức năng thì người chăn nuôi cần chủ động nắm bắt tình hình thực tế, quy luật cung - cầu, không vì giá giảm mà bỏ trống chuồng hoặc giá nhích lên mà lại tăng đàn nhanh, tránh tình trạng lượng cung thấp, cầu cao...
Ngọc Ánh
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.