• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Sữa tuôn chảy nhờ liên kết "4 nhà"

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 09/08/2017
Ngày cập nhật: 11/8/2017

Sự phát triển của đàn bò sữa tại Lâm Hà (Lâm Đồng) có thể nói đang thực sự suôn sẻ. Từ một khởi đầu không thể nhỏ hơn với 3 con bò sữa, hôm nay đàn bò của vùng cao nguyên này đã lên tới con số 1.300 con, sản lượng xấp xỉ 10 tấn/ngày với giá cả ổn định. Thành quả này có được do sự liên kết chặt chẽ giữa “4 nhà”: nhà nông, nhà khoa học, doanh nghiệp và vai trò của chính quyền địa phương.

Ông Trương Quốc Khánh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Hà kể lại về những ngày đầu tiên Lâm Hà thực hiện Đề án phát triển đàn bò sữa. Năm 2010, phong trào nuôi bò sữa tự phát của nông dân Lâm Hà đã bị thất bại, đàn bò bị bán đổ bán tháo, toàn huyện chỉ còn 3 con bò sữa của một hộ nông dân tại Nam Ban, sữa chỉ dùng để bán trong xóm. Nhưng nhận thấy rất rõ tiềm năng của dòng sữa trắng, UBND huyện Lâm Hà vẫn quyết tâm thực hiện Đề án phát triển đàn bò sữa. Điều quan trọng nhất là làm sao tìm được người thu mua bền vững, ổn định, có uy tín và thuyết phục được họ gắn bó với Lâm Hà. Và qua những mối quan hệ, Lâm Hà đã mời bà Nguyễn Thị Như Hằng, Phó Tổng Giám đốc Công ty Sữa Việt Nam - Vinamilk tới Lâm Hà đánh giá tình hình thực tế. Theo quy định của Công ty, chỉ khi sản lượng sữa của một địa phương đạt con số 2.000 lít/ngày, công ty mới đặt trạm thu mua vì khi đó sản lượng mới đảm bảo đủ có lãi. Lúc này, Lâm Hà chỉ có khoảng 20 lít sữa/ngày, một con số quá nhỏ bé - đó là những ngày cuối năm 2013.

Tuy nhiên, lãnh đạo huyện Lâm Hà đã thuyết phục được sự tin cậy của lãnh đạo Công ty Vinamilk về tương lai của bò sữa Lâm Hà và một trạm thu mua sữa đã được thành lập ngay tại thị trấn Nam Ban với bản ghi nhớ được kí kết giữa hai bên, công ty sẽ mua hết lượng sữa đạt chuẩn từ nông dân. Tháng 10/2013, trạm thu mua được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2014. Trong lúc đó, nhiệm vụ của chính quyền Lâm Hà là thuyết phục nông dân tin tưởng và bỏ vốn chăn nuôi bò sữa. Vậy là Lâm Hà tổ chức cho nông dân đi tham quan vùng bò sữa Đơn Dương: vào Công ty Dalatmilk thăm đàn bò lớn; thăm những trang trại bò gia đình tại Đạ Ròn, Phi Vàng, Nghĩa Lập… Nghe những người chăn nuôi bò sữa Đơn Dương chia sẻ về con bò sữa, về lợi ích dòng sữa trắng mang lại cũng như quá trình hợp tác của họ với các công ty thu mua sữa, qua đó, bà con tin tưởng và nhiều hộ gia đình sẵn sàng rút vốn gia đình hoặc vay ngân hàng để mua bò sữa. Ngành nông nghiệp huyện và cán bộ kỹ thuật của Vinamilk cùng đi tìm nguồn giống bò đạt chuẩn, vừa nhiều sữa lại phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu địa phương. Bên cạnh xây dựng lòng tin, những lớp tập huấn chăn nuôi do cán bộ kỹ thuật Vinamilk, các cán bộ kỹ thuật Lâm Đồng, thậm chí từ những nông dân giàu kinh nghiệm được tổ chức thường xuyên để nông dân Lâm Hà học hỏi kỹ thuật chăn nuôi, chăm sóc, vắt sữa con bò. Tới tháng 4/2014, khi trạm thu mua sữa đi vào hoạt động, Lâm Hà đã có 250 con bò cho sữa với sản lượng 1 tấn/ngày.

Hiện tại, Lâm Hà có 1.300 con bò sữa với sản lượng 10 tấn/ngày, hai trạm thu mua đặt tại Nam Ban và Liên Hà, thu mua 100% sữa do các nông hộ sản xuất. Giá sữa hiện tại ổn định từ mức 12-14 ngàn đồng/lít, tùy chất lượng sữa của từng nông hộ. Ông Thái Văn Mai, Bí thư Đảng ủy thị trấn Nam Ban, một trong những địa phương có lượng bò sữa lớn đánh giá, việc liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp đã giúp việc sản xuất chăn nuôi rất ổn định. Ông cho biết: “Một con bò sữa có giá rất cao, là cả tài sản đối với người nông dân. Vì vậy chúng tôi luôn khuyến cáo bà con chăn nuôi bò theo đúng hợp đồng với công ty, đảm bảo chuồng trại, quy trình đạt chuẩn để có chất lượng sữa tốt nhất. Hiện tất cả lượng sữa nông dân đang cung cấp cho Vinamilk được thu mua với giá ổn định, đời sống người chăn nuôi bò rất tốt và đàn bò sữa của Nam Ban đang dần phát triển và hướng đến sự bền vững”. Cũng theo tiêu chí phát triển bền vững, ông Trương Quốc Khánh cũng chia sẻ, Lâm Hà luôn đồng hành cùng nông dân phát triển theo hướng đảm bảo chất lượng, sản lượng, phối hợp tốt cùng doanh nghiệp để dòng sữa trắng tới tay người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Thị Như Hằng - Phó Tổng Giám đốc Vinamilk: Nếu không chăn nuôi bò, nông dân Lâm Hà vẫn có thể làm các dịch vụ phụ trợ như trồng cỏ cung cấp cho Vinamilk. Trang trại bò sữa của Vinamilk đóng trên địa bàn huyện Đơn Dương luôn cần lượng cỏ chuyên chăn nuôi lớn và nếu nông dân trồng cỏ để cung cấp cho trang trại, công ty đảm bảo thu nhập của bà con đạt 100 triệu đồng/ha/năm.

DIỆP QUỲNH

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang