Nguồn tin: Báo Quảng Bình, 10/08/2017
Ngày cập nhật:
13/8/2017
Nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng đàn bò, tạo sản phẩm có tính cạnh tranh trên thị trường, Hội Làm vườn tỉnh Quảng Bình đang thực hiện mô hình “Thử nghiệm sinh trưởng của bò lai F1 (BBB x Zebu) nuôi tại Quảng Bình”. Đến nay, mô hình đã cho kết quả bước đầu khả quan, hứa hẹn có thể triển khai và nhân rộng cho các hộ chăn nuôi trong toàn tỉnh.
Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ thịt bò ở nước ta cao, trong khi nguồn cung trong nước vẫn còn hạn chế, nên phải nhập bò thịt và thịt bò từ các nước. Tại Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, theo báo cáo của Chi cục Thú y tỉnh, trung bình mỗi tháng có trên 6.000 con trâu, bò được nhập về. Vì thế, việc phát triển chăn nuôi bò thịt ở tỉnh ta là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn sản xuất và nhu cầu thực phẩm ngày càng cao của người tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, ở tỉnh ta, chăn nuôi bò lai đã đưa lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi, hiện giá bò lai cao gấp 1,5 - 2 lần so với bò địa phương. Để tiếp tục khảo nghiệm giống mới, đột phá về năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, Hội Làm vườn tỉnh đã thực hiện mô hình thử nghiệm sinh trưởng của bò lai F1 (BBB x Zebu). Trong đó, bò BBB (Blanc-Blue-Belgium) là giống bò chuyên thịt, có nguồn gốc xuất xứ từ Bỉ, bò có trọng lượng lớn, ngoại hình đẹp, tỷ lệ thịt xẻ ở bò thuần trên 65%.
Với ưu thế về khối lượng và chất lượng tỷ lệ thịt xẻ cao của bò BBB, mô hình đã lấy bò đực BBB làm đực giống để lai tạo với bò cái nền Zebu tạo ra con lai F1 BBB mang các tính trạng ưu việt, như: khả năng sử dụng thức ăn tốt, thịt thơm ngon, hiệu quả kinh tế cao, hiền lành, dễ nuôi, lớn nhanh... Những người thực hiện mô hình đã tiến hành mua 2 con bò F1 BBB có độ tuổi trên 6 tháng, trọng lượng 120kg để nuôi thử nghiệm tại gia đình ông Nguyễn Văn Cẩn, xã Nam Trạch (Bố Trạch). Sau 6 tháng, mổ khảo sát một con, kết quả cho thấy: trọng lượng hơi 231kg, tỷ lệ thịt xẻ đạt 55,41%, thịt tinh đạt 70,31% (so với bò vàng địa phương tỷ lệ thịt tinh chỉ đạt 38,3%, bò lai Brahaman trắng - đỏ đạt 50,6%). Với kết quả mổ khảo sát, đánh giá chất lượng như trên, mô hình đã tiếp tục nuôi con còn lại có trọng lượng 300kg thêm 6 tháng để theo dõi khả năng tăng trọng và đánh giá chỉ tiêu xẻ thịt. Kết quả, trọng lượng bò lên đến 422kg, tỷ lệ thịt xẻ đạt 65%, tỷ lệ thịt tinh đạt trên 70%.
So với các giống bò khác, trọng lượng sơ sinh bê F1 BBB vượt trội hơn nhiều.
Như vậy, kết quả nuôi giống bò này tại Quảng Bình bước đầu phù hợp và năng suất hơn các giống bò khác. Theo khuyến cáo của các nhà khoa học thì tuổi giết mổ hợp lý nhất của bò F1 BBB là từ 22 đến 25 tháng tuổi, lúc này trọng lượng có thể đạt trên 500kg.
Nhằm phát huy ưu điểm của 2 giống bò BBB và cái nền Zebu, mô hình cũng đã dùng tinh bò BBB (nhập ngoại) phối giống cho 12 bò cái nền Zebu chọn lọc tại địa phương để thử nghiệm ở một số địa phương của huyện Bố Trạch, như: Đại Trạch, Tây Trạch, Hòa Trạch, thị trấn Hoàn Lão... Với điều kiện lai giống bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, bò cái nền phải đạt tiêu chuẩn về trọng lượng (280kg trở lên) và phải sinh từ lứa thứ 2 trở lên. Mặt khác, việc chăm sóc nuôi dưỡng cũng đòi hỏi phải bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật mới có hiệu quả.
Sau một năm thực hiện, 12/12 con bò mẹ đã sinh sản, số bê lai F1 (BBB x Zebu) ra đời thành công, chất lượng tốt, có trọng lượng sơ sinh cao hơn so với trọng lượng sơ sinh bê lai của các giống khác. Trọng lượng sơ sinh bê lai F1 BBB đạt từ 30 đến 42kg, trong khi đó, trọng lượng sơ sinh của bê lai Sind từ 22-24kg, bê lai Brahman 25-27kg, bê lai Droughmaster 25-26kg. Kết quả trên cho thấy, trọng lượng sơ sinh bê F1 BBB vượt trội so với các giống bò khác (hơn 10%).
Ông Trần Ngọc Vang, xã Đại Trạch (Bố Trạch), người nuôi thử nghiệm bò sinh sản cho biết: “Gia đình tôi được thử nghiệm lai giống bò BBB với cái nền Zebu. Bê con sinh ra nặng 42kg, rất khỏe mạnh, mới ra đời vài ngày nhưng nhìn nó giống vài tháng vì cơ bắp phát triển siêu trội. Tôi thấy rất hài lòng giống bò lai này vì nó cũng dễ chăm sóc, khả năng sử dụng thức ăn tốt và rất hiền lành... phù hợp với điều kiện chăn nuôi bò hiện nay của địa phương. Bò lai F1 BBB hứa hẹn sẽ mang lại hiệu quả cao cho những người chăn nuôi như chúng tôi”.
Hiện nay, Hội Làm vườn tỉnh vẫn đang tiếp tục hướng dẫn các hộ nuôi bò mẹ đã sinh sản chăm sóc bê con đúng quy trình kỹ thuật, theo dõi khả năng phát triển của bê con qua các giai đoạn để đánh giá khả năng tăng trọng, bảo đảm theo tiến độ và kế hoạch đã đề ra.
Qua quá trình thực hiện, ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ nhiệm mô hình cho biết: “Chúng tôi đã thăm dò một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh và nhận thấy nhu cầu của những hộ chăn nuôi cần phối giống tinh bò BBB bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo là rất lớn. Để bà con chăn nuôi được hưởng lợi từ mô hình, chúng tôi mong muốn Sở Khoa học - Công nghệ bố trí và bổ sung thêm kinh phí mua tinh nhằm nhân rộng mô hình, đáp ứng nhu cầu của các hộ chăn nuôi trên địa bàn toàn tỉnh”.
T. Hoa
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.