Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, 20/08/2017
Ngày cập nhật:
22/8/2017
Trong số 8 con dê giống mà bà Võ Thị Tương (tổ 1, thôn 1, xã Bình Trung) và 3 hộ dân khác được hỗ trợ thì có 5 con hoặc không sinh sản được, hoặc đã bị chết.
Cách đây 1 năm, 52 hộ dân tại thôn 1 (xã Bình Trung, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) được hỗ trợ 104 con dê giống từ Chương trình 135 của Chính phủ (giai đoạn III năm 2016) về hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã, thôn, ấp đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, đến nay 27 con dê giống không sinh sản được, 6 con dê bị chết khiến nhiều người dân hoang mang, lo lắng.
Theo người chăn nuôi dê ở xã Bình Trung, huyện Châu Đức, dê sau khi được phối giống, khoảng 6-7 tháng sẽ sinh sản 1 lứa. Nhưng 27 con dê giống được cấp cho người dân tại thôn 1 đến nay đã được 1 năm vẫn không sinh sản được.
Bà Võ Thị Tương, hộ nghèo chuẩn tỉnh giai đoạn 2016-2020 (tổ 1, thôn 1, xã Bình Trung) là 1 trong 52 hộ dân được hỗ trợ dê giống. Tận dụng khu đất trống sau nhà, bà Tương cùng 3 gia đình khác (được nhận dê cùng thời điểm đó) đầu tư 10 triệu đồng làm chuồng nuôi 8 con dê giống. Hàng ngày, các gia đình thay nhau lấy lá cây bông gòn về làm thức ăn cho dê, ngoài ra dê còn được ăn cám hỗn hợp… Bà Tương cho biết, khoảng 3 tháng sau khi nhận dê giống về nuôi, 1 con dê của bà bị sảy thai. Con dê còn lại từ khi nhận về đến nay vẫn chưa sinh được lứa nào.
Không chỉ có dê của bà Tương mà 5 con dê giống của 3 hộ dân còn lại cũng rơi vào tình trạng sinh non nên dê con yếu, bị chết ngay sau đó; thậm chí, cả dê mẹ cũng chết khi chưa sinh sản lứa nào. Do không có đất làm chuồng, không có thức ăn cho dê nên ông Phan Quang Hy (cùng thôn) góp vốn nuôi dê cùng gia đình bà Tương. Cũng như dê của bà Tương, con dê mà ông Hy được hỗ trợ đến nay vẫn không sinh sản, con còn lại bị chết cách đây khoảng 3 tháng. “Chưa nói đến công sức mình bỏ ra, chỉ tính riêng tiền đầu tư làm chuồng, tiền thức ăn cho dê, chúng tôi đã lỗ rồi. Số dê còn sống sót cũng không biết đến bao giờ mới sinh sản và bán được”, ông Hy lo lắng.
Mặc dù không rõ nguyên nhân vì sao dê không sinh sản, bị bệnh hoặc chết nhưng một số người dân lại chủ quan, tự mua thuốc từ các quầy thuốc thú y tư nhân về tiêm cho dê.
Ông Trần Phước Lộc, Trưởng phòng Dân tộc huyện Châu Đức cho biết, 104 con dê hỗ trợ cho người dân thôn 1, xã Bình Trung là giống dê Bách Thảo được Phòng Dân tộc huyện đặt mua của Công ty Âu Cơ (huyện Xuyên Mộc). Mỗi hộ dân được hỗ trợ 2 con dê cái trị giá 10 triệu đồng. Dê giống trước khi cấp cho người dân đã được phối giống, mỗi con khoảng 20-30kg, được tiêm phòng bệnh đầy đủ. Ngoài ra, những hộ được nhận dê giống còn được tham gia tập huấn về cách chăm sóc, điều trị bệnh cho dê trong quá trình chăn nuôi.
“Sau 2 tháng bàn giao con giống, có 4 con dê bị chết nên đơn vị cung cấp con giống đã đổi lại 4 con dê khác cho người dân theo thỏa thuận từ trước. Những con còn lại, do thời gian đến nay đã quá lâu, nên không thể đổi hoặc trả được. Trước thực trạng trên, tháng 5 vừa qua, Phòng Dân tộc huyện phối hợp với Phòng NN-PTNT, Hội Nông dân huyện đã kiểm tra tình hình chăn nuôi dê của các hộ dân ở thôn 1, xã Bình Trung. Chỉ một số ít hộ dân không có điều kiện làm chuồng trại, không có kinh nghiệm chăn nuôi nên hiệu quả không cao. Một số dê không sinh sản được là do trong quá trình phối giống, dê bị hư thai nhưng người dân không biết để tiếp tục phối giống cho dê. Ngoài ra, nguyên nhân khiến dê bị chết cũng có thể do thay đổi môi trường sống đột ngột nên dê chưa kịp thích ứng”, ông Lộc cho biết. Tuy nhiên, qua tìm hiểu của phóng viên, có đến 33/104 con dê không đạt hiệu quả như mong muốn (chết, không sinh sản), chiếm hơn 30% tổng số dê được hỗ trợ.
Ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH cho rằng, cần xác định rõ nguyên nhân dê chết hoặc không sinh sản được để có hướng giải quyết phù hợp. Trong quá trình chọn con giống, cần có sự tham gia của cán bộ ngành nông nghiệp và người đại diện cho những người dân được hỗ trợ để thống nhất phương án hỗ trợ. Trong thời gian chăn nuôi, cán bộ thú y cần hỗ trợ người dân cách chăm sóc, phòng và điều trị bệnh, thường xuyên kiểm tra trực tiếp tại hộ dân, “cầm tay chỉ việc” để người dân thành thạo các kỹ thuật này.
Ông Dương Văn Hạnh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh: Năm 2016, hợp phần hỗ trợ phát triển sản xuất trong Chương trình 135 được Ban Dân tộc tỉnh triển khai tại 15 thôn, ấp đặc biệt khó khăn của 2 huyện Xuyên Mộc và Châu Đức với tổng số vốn hơn 10 tỷ đồng. Huyện Châu Đức có 295 hộ, huyện Xuyên Mộc có 551 hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ cây, con giống. Đến nay, theo các địa phương báo cáo, chỉ có 33 con dê giống được hỗ trợ cho người dân tại thôn 1, xã Bình Trung, huyện Châu Đức bị chết hoặc không sinh sản được. Các địa phương còn lại, số dê không phát triển được chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.
Như Ý
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.