Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 27/08/2017
Ngày cập nhật:
30/8/2017
Vượt khó vươn lên bằng chính bàn tay và khối óc của mình, chị Nguyễn Thị Gấm (Thôn Bãi Trữ, xã Ninh Giang, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) đã phát triển thành công mô hình chăn nuôi dê sạch cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, đàn dê không những làm giàu cho gia đình chị với thu nhập 200 triệu đồng/năm mà còn góp phần mang đến nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng, vì sức khỏe cộng đồng.
Chị Gấm cho biết :Thời điểm năm 2006 trở về trước, cuộc sống gia đình chị vô cùng khó khăn bởi tất cả nguồn thu trong gia đình đều trông chờ vào hai mẫu ruộng. Khi ấy nghề nông còn rất vất vả do khoa học kỹ thuật chưa phát triển, điều kiện thời tiết khắc nghiệt dẫn đến năng suất lúa thấp. Dù miệt mài lao động quanh năm nhưng kinh tế gia đình chị vẫn cứ lâm vào tình trạng “bữa đói, bữa no”.
Không khuất phục trước hoàn cảnh, chị nuôi thêm gà, ngan, vịt rồi tận dụng ao thả cá để gia tăng thu nhập. “Năng nhặt, chặt bị”, dần dần cuộc sống đỡ vất vả hơn, chị lên kế hoạch chăn nuôi theo mô hình trang trại. Tuy nhiên, để chọn được vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên và mang lại hiệu quả kinh tế là điều không dễ dàng.
Trong khi nhiều hộ dân xung quanh nuôi trâu, bò thì chị lại quyết định chọn nuôi dê. Theo chị, dê là loài vật ăn tạp, dễ nuôi, sinh trưởng nhanh, vốn đầu tư không nhiều nhưng lợi nhuận khá tốt. Đặc biệt, dê còn là con vật có tiềm năng về thương hiệu bởi từ lâu, “dê núi” đã trở thành đặc sản nổi tiếng của tỉnh ta.
Năm 2008, nhờ chính sách hỗ trợ vốn của Hội Nông dân, chị mạnh dạn vay 35 triệu đồng để mua 18 con dê làm giống. Do lợi thế đất đai rộng rãi, chị xây dựng chuồng trại với diện tích 50m2 và tổ chức nuôi theo hình thức bán thâm canh.
Vì chưa có kinh nghiệm thực tế nên thời gian đầu chị tích cực đến các hộ nuôi dê trên địa bàn huyện để quan sát, trao đổi cùng bà con. Ngoài ra, chị còn đi thăm các mô hình nuôi dê tiêu biểu tại Hưng Yên, Hà Nội; Tham gia các lớp bồi dưỡng tư vấn kiến thức cơ bản trong phòng trừ dịch bệnh do Sở Nông nghiệp & PTNT tổ chức.
Nhờ ham học hỏi, chị Gấm tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm, chị cho biết: Nuôi dê không khó nhưng cần có sự chăm sóc khéo léo, theo dõi sát sao quá trình sinh trưởng, phát triển của chúng. Khi dê bị mắc các bệnh như chướng hơi, đầy bụng, phải kịp thời phát hiện để chữa trị, nếu chậm trễ sẽ không thể cứu được. Nguy hiểm nhất là bệnh thủy đậu, do dễ lây lan nên thường dẫn đến chết cả đàn.
Chính vì vậy, chị Gấm đề cao chủ trương “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Trong quá trình nuôi, chị thường xuyên khử trùng, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Nguồn thức ăn, nước uống cũng được cung cấp ổn định, đảm bảo dinh dưỡng cho đàn dê có sức đề kháng tốt.
Được phòng bệnh, chăm sóc khoa học nên đàn dê phát triển rất nhanh và cho thu nhập khấm khá. Nhận thấy lợi ích to lớn từ mô hình này, chị Gấm tiếp tục tái đầu tư mở rộng quy mô diện tích trang trại lên 100m2 vào năm 2015. Lần này, chị bỏ ra 100 triệu đồng để xây chuồng mới và bố trí riêng khu vực trồng cỏ có diện tích 3 mẫu, cung cấp nguồn thức ăn dồi dào cho đàn dê. Từ khi ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi đến nay, trang trại dê nhà chị Gấm trở thành đầu mối lớn chuyên cung cấp thịt dê, sữa dê, cao dê sạch và con giống cho khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Đến thời điểm hiện tại, gia đình chị đang sở hữu hàng trăm con dê thịt và 18 con dê sữa. Trung bình cứ 4 – 6 tháng chị lại xuất dê thịt bán với mức giá 150 nghìn đồng/kg. Riêng với dê sữa, chị mới bắt đầu nuôi vài năm gần đây nhưng đã cho hiệu quả kinh tế rất lớn.
Để có sản phẩm sữa chất lượng, chị nhập giống từ trên Ba Vì (Hà Nội) và chăm sóc rất cẩn thận. Thức ăn của chúng cần ưu tiên nhiều hơn dê thịt do thường xuyên được khai thác. Trung bình dê sữa có thể cung cấp từ 4 – 5kg sữa/ngày. Sữa dê sau khi lọc sạch, thanh trùng được bán với mức giá 80 nghìn đồng/lít, anh chị thu từ 400 – 500 nghìn đồng/ngày. Tổng thu nhập cả năm từ trang trại ước tính đạt trên 200 triệu đồng.
Cuối năm 2016, chị Gấm đứng ra vận động 15 hộ trên địa bàn đã thành lập “Hợp tác xã (HTX) chăn nuôi dê Ninh Bình”. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu một bước phát triển mới của ngành chăn nuôi dê trên địa bàn tỉnh. Là hộ có quy mô nuôi lớn, gia đình chị Gấm đóng vai trò tiên phong trong việc đổi mới chăn nuôi theo hướng thương mại hóa. Sau khi được cấp giấp phép hoạt động, chị tiến hành mua các thiết bị, máy móc hiện đại như: tủ cấp đông, máy hút chân không, thiết bị đóng gói sản phẩm để phục vụ quá trình sản xuất thịt dê sạch.
HTX còn là nơi chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, hỗ trợ lẫn nhau cùng vươn lên phát triển kinh tế. Khi dê bắt đầu xuất chuồng, tất cả hội viên mang chúng về trụ sở HTX để thực hiện quy trình giết mổ, chế biến hợp vệ sinh.
Các sản phẩm xuất ra thị trường đều có bao bì nhãn mác ghi rõ nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận an toàn thực phẩm. Sự nghiêm túc, khoa học từ công đoạn nuôi đến khi chế biến đã tạo được niềm tin đối với thị trường khó tính. Giờ đây, khách hàng dễ dàng bắt gặp sản phẩm dê sạch ở các siêu thị, các gian hàng nông sản sạch trực thuộc quản lý của Sở Khoa học - Công nghệ và Hội Nông dân tỉnh.
Nhờ quy trình chăn nuôi khoa học và an toàn, trang trại nuôi dê sạch của gia đình chị Nguyễn Thị Gấm trở thành một trong 8 mô hình điểm của chương trình “Nông dân nói không với thực phẩm bẩn” do Hội Nông dân tỉnh tổ chức. Tương lai không xa, chị Gấm sẽ tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, chú trọng công tác xây dựng thương hiệu bằng những sản phẩm chất lượng, uy tín trên thị trường.
Vân Anh
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.