Nguồn tin: Báo ảnh Đất Mũi, 29/08/2017
Ngày cập nhật:
31/8/2017
Chỉ cần đưa tay kéo mớ lục bình là có thể bắt ra những con rắn ri cá, ri tượng có trọng lượng vài ký mỗi con. Có hàng trăm con rắn to như vậy trong ao nuôi của hộ ông Đoàn Văn Lực (Ấp 14, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau). Ao rắn mà gia đình đang sở hữu có thể xem là ao nuôi rắn ở môi trường tự nhiên “khủng” nhất huyện U Minh hiện nay.
Rắn con được nuôi vèo trong mùng để dễ chăm sóc, khi rắn đạt kích cỡ cần thiết sẽ được thả ra ở ao nuôi mới.
Ông Đoàn Văn Lực là hội viên cựu chiến binh. Tuy ấp ủ mô hình trang trại nuôi rắn đã nhiều năm, nhưng ông chỉ mới thực hiện được chưa đầy 2 năm nay. Theo ông Lực, nuôi rắn theo mô hình này đòi hỏi người nuôi phải có nguồn vốn kha khá để đầu tư, chí ít cũng gần 100 triệu đồng.
Nguồn giống rắn ri tượng con để ông Lực gây đàn.
Sau khi khai thác lứa tràm thâm canh của gia đình, có ít vốn ông Lực bắt tay vào thực hiện giấc mơ của mình. Đầu tiên, ông cho đào 2 ao, dùng fipro xi-măng bao ví xung quanh và cải tạo nước ao bằng vôi bột. Khi mọi thứ chuẩn bị xong, ông Lực bắt đầu thả rắn vào nuôi. Rắn giống được thả nuôi là rắn thịt, được ông gom mua và chọn lọc kỹ lưỡng từ những thương lái địa phương và những hộ dân trong vùng bắt được. Ông Lực cho biết, nếu thả nuôi những con rắn bị mắc câu hoặc bắt bằng xung điện thì rắn không lớn hoặc bị chết.
Con rắn ri cá này có trọng lượng khoảng 2kg mà anh Nghiệm (con ông Lực) vừa bắt ra trong đám lục bình.
Mô hình trang trại rắn của lão nông Đoàn Văn Lực.
Theo lão nông Đoàn Văn Lực, nuôi rắn ở môi trường tự nhiên sẽ có nhiều ưu điểm. Thứ nhất, hầu như rắn không bị bệnh nhiễm khuẩn, “đẹn”- một loại bệnh lây lan rất nhanh và gây chết hàng loạt. Thứ hai, ở ao nuôi có thể thả xen canh nhiều loài thủy sản khác, như: Cá đồng, rùa, cần đước, le le… và chúng đều phát triển tốt. Đặc biệt là ao nuôi phải thả lục bình để cải tạo môi trường nước.
Chỉ mới được nuôi chưa đầy 2 năm, nhưng ao rắn của ông Lực đã có số lượng gần 1.000 con, trong đó đa số là rắn bố mẹ, có con đạt trọng lượng vài ký. Số rắn con mới đẻ mùa trước, hiện nay cũng đạt trọng lượng 0,5kg/con. Ông Lực đang tiếp tục gây đàn để nhân nuôi thêm ở ao mới và sẽ mở rộng mô hình làm trang trại nuôi rắn kết hợp nuôi le le. Số lượng rắn con mới đẻ mùa này, ông vớt được khoảng 500 con, nuôi vèo trong 4 cái mùng. Tuy nhiên, số lượng rắn con hiện còn dưới ao rất nhiều. Mỗi tuần ông Lực cho rắn ăn một lần từ nguồn thức ăn tự nhiên như cá phi, nhái. Riêng rắn con, ông cho ăn bằng các loại cá mua ở trại giống như cá trê, cá phi.
Giấc mơ trang trại rắn của lão nông xứ U Minh này đang dần thành hiện thực, với mục tiêu vừa cung cấp con giống cho người nuôi và tiêu thụ lượng rắn thịt ra thị trường.
Lê Hữu Lợi
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.