Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 01/09/2017
Ngày cập nhật:
4/9/2017
Ở Lâm Hà phong trào chăn nuôi heo VietGAHP đang phát triển, nhiều hộ dân tham gia tổ hợp tác để có thể cung ứng ra thị trường sản phẩm thịt heo sạch.
Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm Lâm Đồng (Lifsap Lâm Đồng) đã phối hợp với chính quyền thị trấn Nam Ban triển khai mô hình chăn nuôi heo VietGAHP (quy trình thực hành chăn nuôi tốt cấp nông hộ) tại địa phương. Kết quả không chỉ thay đổi nhận thức và hành vi chăn nuôi theo hướng an toàn mà còn nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho nông dân.
Bà Nguyễn Thị Hoạt nuôi heo VietGAHP để cung cấp thị trường sản phẩm sạch. Ảnh: H.Y
Thay đổi nhận thức người chăn nuôi
Khi tham gia tổ hợp tác chăn nuôi heo VietGAHP các hộ nông dân đảm bảo nghiêm ngặt quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, từ khâu chuẩn bị thức ăn, chuồng trại, chăm sóc để tạo ra sản phẩm thịt ngon, sạch cho thị trường. Gia đình bà Nguyễn Thị Hoạt, Tổ dân phố Từ Liêm 2, thị trấn Nam Ban nuôi heo từ cách đây hơn 30 năm, nhưng những năm gần đây bà bắt đầu chuyển hướng đầu tư chuồng trại để chăn nuôi heo VietGAHP. Hiện nay, đàn heo của gia đình bà có 15 con nái, 100 heo con và 150 con heo thịt. Bà cho biết, từ nuôi heo bình thường chuyển sang nuôi heo VietGAHP ban đầu gặp không ít khó khăn, cần phải ghi chép vào sổ theo dõi hàng ngày và đảm bảo tuân thủ các quy định vệ sinh chuồng trại, kiểm soát dịch bệnh; việc người ra vào chuồng phải khử trùng sạch sẽ để tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của heo.
Người chăn nuôi heo theo hướng VietGAHP phải đảm bảo được 3 tiêu chí, đó là an toàn dịch bệnh, không có tồn dư lượng kháng sinh trong heo vượt mức cho phép và đảm bảo không đưa heo bệnh ra ngoài thị trường.
Khi tham gia tổ hợp tác, yêu cầu tổ viên phải làm đúng theo quy trình sản xuất heo sạch, hàng tháng phải báo cáo cụ thể tình hình đàn heo của gia đình mình như thế nào để có thể xử lý kịp thời nếu có dịch bệnh xảy ra nên trong 5 năm qua, tổ hợp tác heo VietGAHP Từ Liêm 2 chưa xảy ra dịch bệnh.
Ông Hoàng Thanh Duy, cán bộ khuyến nông thị trấn Nam Ban, thực hiện chương trình dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm cho biết, giai đoạn 1 từ 2011 - 2015 người dân chủ yếu được hỗ trợ trang thiết bị, xây dựng chuồng trại, các công trình xử lý chất thải trong chăn nuôi; giai đoạn 2 từ 2015 - 2018 tập trung thành lập tổ hợp tác chăn nuôi VietGAHP. Hiện Nam Ban có 4 tổ hợp tác chăn nuôi heo VietGAHP với hơn 60 thành viên, mỗi tổ có khoảng 600 con heo. Khi tham gia chăn nuôi heo sạch, nông dân được tiếp cận khoa học kỹ thuật, từ đó nhận thức của bà con trong vấn đề chăn nuôi sạch được nâng cao, nông dân sau khi tham dự tập huấn đã hiểu và nắm vững quy trình thực hành chăn nuôi heo an toàn, từ đó cải thiện điều kiện chăn nuôi và thay đổi tập quán chăn nuôi, các chỉ số chăn nuôi của các hộ áp dụng theo quy trình VietGAHP được cải thiện rõ rệt, không còn dịch bệnh lớn trên địa bàn xảy ra. Hiệu quả lâu dài của quy trình này là môi trường chăn nuôi được cải thiện hơn qua cách xử lý phân, nước thải trong chăn nuôi bằng biogas làm giảm ô nhiễm mầm bệnh và mùi hôi ra môi trường xung quanh.
Nỗi lo đầu ra
Chăn nuôi heo VietGAHP là hướng đi trong tương lai. Tuy nhiên, theo bà Hoạt, khó khăn nhất của người chăn nuôi bây giờ là vấn đề đầu ra cho sản phẩm sạch của mình. Heo sạch của mình có thương hiệu hẳn hoi nhưng lại bị đánh đồng với những sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Người dân thì mạnh ai nấy bán, đấy là điều đáng buồn nhất của người chăn nuôi. Thời điểm giá heo giảm sâu gây khó khăn cho người chăn nuôi, đặc biệt là nuôi heo VietGAHP. Tổ hợp tác Từ Liêm 2 có 18 thành viên với 960 con heo nhờ ký kết được với công ty chăn nuôi nên mua cám rẻ hơn rất nhiều, cũng nhờ đó mà đợt giá thấp vừa qua người dân thua lỗ không lớn. Rõ ràng mình làm VietGAHP tốt hơn nhiều, nhiều hộ dân cũng muốn tham gia vào tổ hợp tác của mình, nhưng họ vẫn còn lăn tăn chuyện đầu ra. Bởi vậy, muốn nông dân gắn bó với heo VietGAHP cần phải có thị trường ổn định, để nông dân yên tâm sản xuất.
Bí thư Đảng ủy thị trấn Nam Ban Thái Văn Mai cho biết, khi triển khai thực hiện, cho thấy mô hình heo VietGAHP đạt năng suất cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đây, ý thức của người dân được nâng cao hơn, phong trào chăn nuôi heo sạch của thị trấn ngày càng mở rộng. Đối với mô hình nuôi heo VietGAHP, việc chăn nuôi đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và cho heo ăn đúng quy trình heo cũng mau lớn, ít bệnh, giảm chi phí cho người chăn nuôi. Đến bây giờ, nhiều hộ dân bán heo cũng muốn đăng ký sản phẩm để sau này truy xuất nguồn gốc giúp cho người tiêu dùng biết lợi ích sử dụng heo sạch, trong heo không tồn dư các chất kháng sinh đảm bảo cho sức khỏe người tiêu dùng. Hiện nay khó khăn nhất của bà con chăn nuôi heo sạch vẫn là đầu ra, thịt heo VietGAHP bị đánh đồng với thịt heo trôi nổi trên thị trường, chính vì vậy, người chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí là lỗ nên việc nhân rộng mô hình trên địa bàn gặp rất nhiều khó khăn nên cần định hướng đầu ra cho ổn định. “Điều cần làm bây giờ là phải bảo hộ sản phẩm thịt heo của địa phương, liên kết sản xuất số lượng lớn để xây dựng thương hiệu cung ứng ra ngoài thị trường lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ… để các hộ chăn nuôi lợn tiếp tục duy trì và phát triển mô hình nuôi lợn theo hướng VietGaHP đạt hiệu quả cao” - ông Thái Văn Mai cho hay.
Hoàng Yên
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.