Nguồn tin: Báo Cần Thơ, 03/09/2017
Ngày cập nhật:
5/9/2017
Đó là mô hình của ông Phạm Văn Lợi, khu vực Bình Yên A, phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ và chị Nguyễn Thị Cậy, khu vực 7, phường Hưng Phú, quận Cái Răng. Tận dụng 70m2 đất trống sau nhà, ông Lợi nuôi dê nhốt chuồng, thu nhập trên 100 triệu đồng/ năm. Còn chị Cậy, từng thất bại khi đợt con giống chồn hương đầu tiên chết sạch, đến giờ, thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.
1. Năm 2013, ông Lợi đầu tư 9 triệu đồng để mua 4 con dê giống về nuôi thử nghiệm. Qua gần 7 tháng, đàn dê sinh được 7 con dê con. Sau 5 tháng chăm sóc, ông bán đàn dê con được 21 triệu đồng. Thấy việc nuôi dê không đòi hỏi kỹ thuật cao, ông Lợi mở rộng chuồng trại, phát triển mô hình nuôi dê sinh sản. Ông Lợi cho biết: “Tôi quyết định giữ lại dê cái để nuôi sinh sản, còn dê đực bán thịt. Nhờ cách làm trên, tôi đã tăng số lượng dê sinh sản và thu nhập khấm khá”. Hiện tại, ông Lợi có 13 con dê cái sinh sản và gần 40 con dê thịt. Theo ông Lợi, dê là con vật dễ nuôi, thức ăn chủ yếu từ cây cỏ tự nhiên như rau muống, rau trai, và các loại lá cây…
Nhờ mô hình nuôi dê, ông Phạm Văn Lợi vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Hiện tại, với 13 con dê cái sinh sản, mỗi đợt ông Lợi có thêm 20- 27 dê con. Sau 5- 6 tháng chăm sóc, ông Lợi bán dê giống được 2,5- 3 triệu đồng/con. “Từ đầu năm đến nay, tôi xuất bán được 18 con dê thịt, trên 65 triệu đồng, trừ hết chi phí, gia đình tôi còn lời khoảng 60 triệu đồng”, ông Lợi phấn khởi. Để nuôi dê nhốt chuồng đạt hiệu quả kinh tế, ngoài kinh nghiệm, người nuôi phải biết áp dụng kỹ thuật chăn nuôi. Nhờ tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi dê do quận tổ chức, nghiên cứu học hỏi từ sách, báo ông Lợi thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật chăm sóc đàn dê, sử dụng đúng thuốc, vắc - xin... nên đàn dê khỏe mạnh, không ngừng tăng số lượng.
Trước đây, gia đình ông Lợi thuộc diện hộ có hoàn cảnh khó khăn. 3 nhân khẩu trong gia đình sống nhờ vào 1 công vườn. Năm 2013, ông Lợi được Hội Nông dân phường hỗ trợ vay 7 triệu đồng để phát triển mô hình nuôi dê nhốt chuồng. Qua 3 năm chăm sóc, từ số vốn ban đầu chưa đến 10 triệu đồng, đến nay đàn dê của ông Lợi có tổng trị giá gần 200 triệu đồng. Ông Lợi chia sẻ: “Tôi tiếp tục nhân rộng và phát triển mô hình nuôi dê nhốt chuồng kết hợp với nuôi bò sữa. Đầu năm 2017, tôi mua được 1 con bò sữa trị giá 8 triệu đồng về nuôi. Để có nguồn cỏ dự trữ ổn định, tôi trồng 1 công cỏ làm nguồn thức ăn cho dê và bò...”.
Ông Trần Văn Bảy Mươi Lăm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân quận Bình Thủy, cho biết: “Anh Lợi là nông dân tiêu biểu, đi đầu trong phong trào nuôi dê nhốt chuồng nên mang lại thu nhập ổn định. Anh hòa đồng, quan tâm, chia sẻ kinh nghiệm về mô hình làm ăn hiệu quả của mình cho bà con trong khu vực. Sắp tới, Hội Nông dân quận phối hợp với các ngành mở các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi dê và sẽ nhân rộng mô hình này cho những nông dân có nhu cầu, giúp bà con vươn lên phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống”.
2. Chúng tôi cùng cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Hưng Phú tham quan mô hình nuôi chồn hương của gia đình chị Cậy đúng lúc chị chuẩn bị thức ăn cho chồn. Để đảm bảo chồn phát triển nhanh, hạn chế bệnh, chị Cậy cho chồn ăn chuối xiêm, cua, cá, hột vịt lộn, thỉnh thoảng bổ sung phổi heo được nấu chín cẩn thận. Với những chú chồn con chưa thể bú mẹ, chị Cậy chăm chút cho bú sữa bình. Chị Cậy phấn khởi cho biết, vừa xuất chuồng hơn 10 cặp chồn giống, thu nhập khoảng 50 triệu đồng (trung bình mỗi cặp con giống dao động từ 4,5- 5 triệu đồng). Ngoài ra, trong chuồng còn 20 chồn bố mẹ (3 chồn đực và 17 chồn cái trưởng thành) cùng 17 chồn con.
Chị Cậy chuẩn bị thức ăn cho chồn.
Trước kia, chị Cậy có 30 năm công tác trong ngành chế biến thực phẩm. Đến năm 2011, chị Cậy nghỉ hưu. Dịp tình cờ, thăm nhà người bạn, chị Cậy biết đến mô hình nuôi chồn hương. Người bạn nuôi chồn hương thành công, thu nhập hơn 200 triệu đồng/ năm trong khi mô hình không cần diện tích lớn, không đòi hỏi nhiều nhân lực. Thấy vậy, chị bàn bạc với ông xã và lên kế hoạch chăn nuôi. Vợ chồng chị đến tỉnh Bình Dương khảo sát và mua con giống.
Ban đầu, chưa có kinh nghiệm, đợt nuôi đầu tiên, chị thất bại do con giống bị bệnh tiêu chảy, hầu như mất trắng. Không nản lòng, chị tiếp tục đầu tư 100 triệu đồng mua con giống khác. Sau 2 năm thực hiện, mô hình đang phát huy hiệu quả. Chị Cậy bộc bạch: “Mỗi năm, chồn cái đẻ tối đa 3 đợt, khoảng 1-3 chồn con/đợt. Bình quân mỗi năm, 17 chồn cái sinh sản khoảng 112 chồn con, tương đương gần 60 cặp chồn. Với giá dao động từ 4,5- 5 triệu đồng/cặp, mô hình này cho thu nhập khoảng 250- 280 triệu đồng/năm”.
Chị Cậy cho biết, ngoài việc bán con giống, chị sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi và chia sẻ kinh nghiệm với những ai có nhu cầu nuôi chồn hương. Hiện nay, nhiều người liên hệ đặt hàng nên đầu ra của chồn hương luôn ổn định. Sắp tới, ngoài bán chồn giống, chị dự định sẽ bán chồn thịt để mở rộng thị trường tiêu thụ, góp phần tăng hiệu quả kinh tế mô hình nuôi chồn hương.
Thanh Thư - Cẩm Tú
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.