Nguồn tin: Báo Bình Định, 04/09/2017
Ngày cập nhật:
6/9/2017
Bên cạnh phát triển thương hiệu gà giống Cao Khanh, Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (xã Cát Tân, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) đã hướng mục tiêu xây dựng mô hình chăn nuôi liên kết chuỗi doanh nghiệp - nông dân cùng làm theo hướng sản xuất hàng hóa.
Chuồng trại gà bố mẹ của Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh.
Cuối tháng 7.2017, gà giống Cao Khanh là 1 trong 4 sản phẩm, thương hiệu hàng hóa của Bình Định được trao tặng danh hiệu “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2017”; trước đó - năm 2016, là top 10 “Sản phẩm vàng chăn nuôi gia cầm Việt Nam”, “Thương hiệu danh tiếng Việt Nam” trong lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất gà giống năm 2014...
Mở rộng thị trường ngoài nước
Khởi sự ở thời điểm trên địa bàn tỉnh có rất nhiều giống gà ngoại nhập được người chăn nuôi ưa chuộng như giống gà Tam Hoàng (Trung Quốc), gà trắng siêu thịt (Thái Lan)... nhưng qua nghiên cứu thị trường và tìm hiểu thị hiếu người tiêu dùng, ông Cao Văn Khanh - Giám đốc Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh - quyết định chọn nuôi gà ta bởi chất lượng thịt thơm ngon, khả năng kháng bệnh tốt. Chỉ vài năm sau, sự phát triển nhanh của giống gà ta Cao Khanh khẳng định hướng đi này là đúng đắn.
Ông Khanh cho biết: “Công ty đã vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn, từng bước đổi mới, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và quy trình chăn nuôi tiên tiến của thế giới để thành công trong lai tạo giống gà ta Bình Định có năng suất và chất lượng cao. Đến nay, hầu như các giống gà ngoại nhập đã bị “đánh bật”, chỉ còn gà ta được người chăn nuôi lựa chọn. Nhiều doanh nghiệp hoạt động sản xuất con giống cũng đổ xô vào làm con giống gà màu (chỉ các giống gà lông có màu, tức gà thả vườn, cho hiệu quả kinh tế cao, để phân biệt với gà lông trắng là gà công nghiệp), tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt trong lĩnh vực này”.
Hiện tại, Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh đã đầu tư khép kín từ hệ thống trang trại chăn nuôi, hệ thống máy ấp nở, hệ thống phòng và kiểm soát dịch bệnh, kiểm tra chất lượng sản phẩm. Trong đó, trạm ấp gia cầm với diện tích 2.500 m2, vốn đầu tư 20 tỉ đồng tại xã Cát Tân, có công suất 1,2 - 1,5 triệu con/tháng. Một khu phức hợp bao gồm trạm ấp, trang trại gà bố mẹ và cơ sở lưu trú đạt chuẩn cho sản xuất gà giống khoảng 3,5 ha ở xã Thanh Bình (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) cũng đi vào hoạt động năm 2011, cung cấp con giống cho thị trường các tỉnh phía Nam.
Công ty cũng đã xây dựng được hệ thống phân phối qua 200 đại lý cấp 1 trên toàn quốc; doanh thu trên 100 tỉ đồng/năm. Đến đầu năm 2017, tổng sản phẩm con giống đã đạt gần 2 triệu con/tháng, riêng dây chuyền ở Cát Tân tăng 30% so với năm ngoái. “Thị trường đang dần mở rộng ra bên ngoài, mỗi năm chúng tôi xuất sang thị trường Lào và Camphuchia khoảng 2 triệu con gà giống. Đây là chiến lược cạnh tranh để tăng độ bao phủ sản phẩm của mình; đồng thời cũng khẳng định được thương hiệu con giống gà màu với các nước láng giềng”, ông Khanh cho hay.
Để doanh nghiệp và người chăn nuôi không bị thiệt
Đến thời điểm này, Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh đã liên kết sản xuất với rất nhiều hộ chăn nuôi gia công trong và ngoài huyện Phù Cát, cũng như mô hình chăn nuôi với Công ty Thái An (TX An Nhơn). Nhưng cũng không thể chỉ dừng lại ở đó.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Khanh vẫn luôn trăn trở về việc làm sao vừa bảo vệ được thương hiệu giống gà trong nước, vừa giúp người dân giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi. Bởi, một khi nông dân cứ thấy giá cao lại đổ xô mở rộng đàn gia cầm mà không tính đến nhu cầu thị trường thì cả người chăn nuôi lẫn doanh nghiệp cung cấp con giống và người tiêu dùng đều bị động, thiệt thòi.
Hơn hết, trong đa số các vụ rớt giá sản phẩm chăn nuôi gia cầm trong thời gian qua, lý do chính vẫn là không có sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong việc hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đã tính đến biện pháp này, nhưng chưa được tổ chức một cách bài bản.
Cụ thể, Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh sẽ xây dựng mô hình chăn nuôi liên kết chuỗi doanh nghiệp và nông dân cùng làm, Công ty bao tiêu sản phẩm theo hướng sản xuất hàng hóa. Đồng thời, Công ty đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ gia cầm và nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi, đảm bảo quy trình sản xuất khép kín. Thực hiện được điều này, người chăn nuôi sẽ an tâm sản xuất, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu an toàn thực phẩm có chất lượng cao cung cấp cho các trung tâm thương mại, khu chế xuất và hướng đến xuất khẩu.
“Mục tiêu của chúng tôi là xây dựng chương trình sản phẩm quốc gia. Nhưng cái khó nhất là đất đai, bởi cần đến 30 - 50 ha mặt bằng để làm mô hình điểm chăn nuôi gà thịt đảm bảo an toàn thực phẩm cung cấp cho thị trường. Chưa kể cơ chế, chính sách cho ngành chăn nuôi hiện vẫn chưa hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp trong nước”, ông Khanh chia sẻ.
Thi Hiền
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.