Nguồn tin: Khuyến Nông VN, 07/09/2017
Ngày cập nhật:
11/9/2017
Bà Loan đang thu trứng gà ta
Hoàn cảnh gia đình khó khăn, sức khỏe lại yếu, công việc chính là làm nông nhưng lại không có đất để sản xuất, với diện tích đất chưa đến 2000m2 vừa nhà ở, vừa trồng cà phê và rau, bà Nguyễn Thị Loan trú tại buôn U 3, thị trấn Eatling, huyện Cư Jút đã chuyển một phần đất để làm chuồng nuôi gà ta lấy trứng.
Hiện nay, người dân ưa chuộng chọn mua trứng gà ta thay vì ăn trứng gà công nghiệp nuôi cám. Tuy nhiên với phương thức chăn nuôi truyền thống nhỏ lẻ từ các hộ gia đình thì hầu như trứng gà nuôi ra chỉ đủ cho gà ấp và tự cung cấp trong gia đình, ít có dư để bán ra ngoài nên giá trứng gà ta thường cao gấp đôi trứng gà công nghiệp. Nắm bắt được thị trường, bà Loan mạnh dạn đầu tư nuôi gà ta đẻ trứng. Với 100 con gà đẻ trứng, mỗi ngày trung bình bà thu được khoảng 50 quả trứng, bán với giá 4000 đồng/quả. Sau khi trừ chi phí thức ăn và khoảng thời gian gà nghỉ đẻ thì một năm bà thu được hơn 50 triệu đồng. Ngoài ra, bà Loan còn tận dụng nguồn phân gà thu được, ủ hoai để bón cho cà phê và rau, mỗi năm bà thu thêm được khoảng 30 triệu đồng tiền bán rau.
Theo bà Loan, nuôi gà ta đẻ trứng không khó nhưng phải chăm sóc tỷ mỉ và vệ sinh chuồng trại thường xuyên, đảm bảo tỷ lệ trống/mái là 1/8 hoặc 1/9. Đặc biệt, trong thời gian gà đẻ trứng dễ bị stress nên cần bổ sung thêm vitamin và thức ăn cho gà trước khi vào giai đoạn đẻ. Ngoài ra, cần cho gà ăn thêm bột sò để bổ sung canxi, cung cấp đủ nước uống để kích thích gà ăn tốt hơn. Theo đó, về thức ăn chính trong toàn bộ quá trình từ khi nhỏ đến giai đoạn gà đẻ trứng, bà Loan hoàn toàn không sử dụng cám công nghiệp mà cho gà ăn bằng ngô và lúa, tuy nhiên tỷ lệ ngô/lúa là khoảng 3/7, vì cho ăn nhiều ngô gà sẽ sinh nhiều mỡ, làm giảm khả năng đẻ trứng. Nếu quan sát thấy trứng nhỏ, chứng tỏ gà bị thiếu chất dinh dưỡng, bà sẽ bổ sung cho gà ăn thêm bột cá, các loại họ đậu hoặc mầm lúa. Bà Loan cũng chia sẻ cách làm mầm lúa như sau: ngâm lúa trong nước với tỷ lệ 3 nóng 2 lạnh trong 1 ngày, sau đó đổ ra để ráo nước rồi cho vào thúng ủ, dùng bao nhúng nước ẩm phủ kín lên, hàng ngày tưới ẩm trong khoảng 2 – 3 ngày, khi mầm lúa lên tầm 2 – 5cm là cho gà ăn được.
Về chuồng trại, vì nuôi gà theo dạng chăn thả tự nhiên nên chuồng trại không cần cầu kỳ, đòi hỏi thông thoáng nhưng kín gió, có cành gác cho gà đậu ngủ. Lót ổ cho gà đẻ nên chọn chỗ kín đáo và hơi tối để gà yên tâm đẻ. Thường xuyên vệ sinh, khử trùng chuồng trại, cho gà uống bổ sung vitamin để đảm bảo sức khỏe và tăng sức đề kháng cho gà.
Bà Loan chia sẻ: “Nhờ vào mô hình nuôi gà ta đẻ trứng đã giúp gia đình tôi có thêm nguồn thu nhập đáng kể, cải thiện được đời sống mà không cần đầu tư nhiều vốn và kỹ thuật”.
Nuôi gà ta đẻ trứng cho thu nhập ổn định, chi phí đầu tư thấp, không đòi hỏi nhiều diện tích để xây dựng chuồng trại. Đây là mô hình thích hợp với các hộ gia đình chăn nuôi nhỏ lẻ, thiếu đất sản xuất, thiếu vốn đầu tư áp dụng, giúp tăng thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình./.
Nguyễn Thị Lan Anh (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đắk Nông)
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.