Nguồn tin: Báo Công Thương, 24/01/2017
Ngày cập nhật:
26/1/2017
Trong “con sóng” hội nhập của các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, ngành chăn nuôi Việt Nam được nhận định là yếu thế và chịu nhiều thách thức hơn.
Thực thế, theo chia sẻ của chủ một DN chế biến thực phẩm chăn nuôi, nếu nhập gà từ Mỹ, chi phí của doanh nghiệp (DN) cho một kg thịt gà cộng cả tiền thuế và chi phí vận chuyển về đến thị trường trong nước có giá bán chỉ khoảng 20.000 đồng, giá này so với giá thịt gà nội địa chỉ bằng 2/3. Cũng theo chủ DN này, một kg thịt heo nhập từ châu u có giá khoảng 2-2,2 USD/kg chưa tính thuế 15%. Như vậy, nếu DN chế biến thực phẩm sử dụng heo ngoại làm nguyên liệu, họ có thể tiết kiệm ít nhất 15- 20% giá thành so với thịt nội địa.
Đã vậy, nhiều sản phẩm thịt nội địa đang bị nghi ngại về an toàn thực phẩm. Giá cả cộng với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm, là những lý do tại sao người tiêu dùng trong nước dần “xích lại” hơn với thịt ngoại.
Lý giải của các chuyên gia ngành nông nghiệp cho thấy ngành chăn nuôi Việt Nam đang tụt hậu khá xa so với thế giới về công nghệ. Ví dụ như, nông dân ở các nước phát triển sử dụng công nghệ hiện đại từ khâu chọn giống đến sản xuất, chế biến, trong khi nông dân Việt Nam vẫn đang sản xuất kiểu manh mún, thủ công, có con gì nuôi con đấy và không theo một quy trình nào cả, ngay cả đầu ra cũng bấp bênh không ổn định, phụ thuộc vào thương lái… Đó là lý do khiến cho năng suất “thịt ngoại” cao gấp nhiều lần “thịt nội”.
“Thế mạnh về công nghệ là lý do khiến các sản phẩm thịt ngoại nhập chiếm ưu thế về giá, họ có giá cạnh tranh hơn hẳn so với giá thành sản phẩm trong nước. Điều này, đối với các DN Việt sẽ là rào cản rất lớn, vì chúng ta đi sau họ quá xa về công nghệ”, ông Hoàng Triều, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc Thú y Việt Nam, nói.
Bên cạnh sự thua kém về khoa học, công nghệ, các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam chủ yếu vẫn được sản xuất theo phương thức manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, thiếu sự gắn kết với chuỗi cung ứng. Hay nói cách khác, sự liên kết “4 nhà”: Nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nhà nông còn rất lỏng lẻo nên không tạo được động lực để phát triển ngành chăn nuôi, nông dân vẫn là đối tượng thiệt thòi nhất khi có những biến động của thị trường.
Những bất cập trên sẽ trở thành lực cản khi làn sóng hội nhập ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn. Các DN ngành chăn nuôi có khả năng bị mất “sân nhà” nếu vẫn kinh doanh theo lối cũ: Mạnh ai nấy làm.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Công ty xuất nhập khẩu và phân phối các sản phẩm thức ăn chăn nuôi HNT cho rằng, có quá nhiều thách thức mà ngành chăn nuôi của Việt Nam đang phải đối mặt, trong đó thách thức lớn nhất chính là việc liên kết giữa nhà sản xuất và doanh nghiệp quá lỏng. Bên cạnh đó là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi nào thịt còn tồn dư kháng sinh, tồn dư các chất tăng trưởng thì chắc chắn chúng ta không thể cạnh tranh được với các sản phẩm thịt ngoại, thậm chí khó tránh khỏi nguy cơ mất cả thị trường nội địa.
Vị này cho rằng, muốn nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi, cần phải quản lý tốt từ khâu con giống thức ăn, phòng dịch, chăn nuôi cho đến khâu chế biến và tiêu thụ. Ngoài ra, trong chăn nuôi, thức ăn là yếu tố quan trọng, quyết định đến chất lượng và giá thành sản phẩm (chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm 70% chi phí), bởi vậy, để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi thì bài toán về thức ăn cần phải được giải quyết.
Còn theo ông Hoàng Triều, ngành chăn nuôi phải gấp rút đẩy nhanh tái cơ cấu ngành theo hướng phát triển bền vững và gia tăng giá trị.
TS Đoàn Xuân Trúc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam nhấn mạnh, các DN ngành chăn nuôi cần tận dụng mọi lợi thế khi ký kết các FTA để tranh thủ nhập khẩu các loại con giống chất lượng cao. Bên cạnh đó, các DN và nhà sản xuất phải đẩy mạnh mối liên kết để tạo một dây chuyền sản xuất theo chuỗi, khép kín vừa giúp giảm chi phí trong sản xuất vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm như vậy mới có thể cạnh tranh được với thịt ngoại trong thời gian tới.
Nguyễn Vũ
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.