Nguồn tin: Người lao động, 12/09/2017
Ngày cập nhật:
13/9/2017
Sản phẩm chăn nuôi trước giờ cạnh tranh chật vật với hàng ngoại tại thị trường nội địa, nay xuất khẩu sang Nhật đánh dấu một bước chuyển mình lớn
Lô thịt gà chế biến đầu tiên đưa xuống Cảng Quốc tế Long An (tỉnh Long An) xuất khẩu sang Nhật ngày 9-9 sẽ mở đầu có nhiều lô hàng tiếp theo. Dự tính, đến cuối năm 2017, chuỗi thịt gà đầu tiên sẽ xuất khẩu khoảng 2.000 tấn. Hiện có nhiều doanh nghiệp (DN) chuẩn bị kế hoạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi hoặc cung ứng nguyên liệu cho các DN xuất khẩu.
Có khả năng cạnh tranh
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Nguyễn Xuân Cường, ngành nông nghiệp mỗi năm xuất khẩu trên 30 tỉ USD, trong đó 10 ngành hàng chủ lực đạt kim ngạch trên 1 tỉ USD nhưng sản phẩm chăn nuôi lại vắng bóng. Đây là trăn trở lớn khi chăn nuôi tăng mạnh trong thời gian qua. Hiện cả nước có khoảng 30 triệu con heo, 300 triệu con gia cầm, nửa triệu bò sữa…, vượt nhu cầu tiêu dùng trong nước nhưng chỉ xuất khẩu được một lượng nhỏ qua đường tiểu ngạch. Sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu phải đáp ứng yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm, kiểm dịch động vật và nhất là cạnh tranh về giá.
Lô thịt gà chế biến đầu tiên của Việt Nam trong ngày xuất sang Nhật
Tại buổi xuất khẩu lô thịt gà đầu tiên, ông Cường cho rằng ngô (nguyên liệu thức ăn chăn nuôi) Việt Nam trồng có giá 5.000 đồng/kg, trong khi Thái Lan chỉ 4.000 đồng/kg. Việt Nam phải nhập khẩu giống gà. Do đó, sự kiện Việt Nam có lô gà xuất khẩu thành công sang Nhật khẳng định ngành chăn nuôi có thể làm ra sản phẩm sạch và giá cạnh tranh.
Quá trình chuẩn bị cho lô gà đầu tiên xuất khẩu chính thức sang Nhật mất khoảng 3 năm để hình thành chuỗi liên kết gồm: Công ty Bel Gà (Bỉ) cung cấp con giống, Tập đoàn De Heus (Hà Lan) cung cấp thức ăn, Tập đoàn Hùng Nhơn (đại diện các trang trại nuôi gà đạt chuẩn) và Công ty TNHH Koyu & Unitek (Nhật) thu mua, giết mổ và chế biến xuất khẩu. Sản phẩm xuất khẩu sang Nhật là thịt gà công nghiệp đã qua chế biến (xử lý nhiệt) thành nhiều món, nướng hoặc chiên trong 5 phút là có thể dùng.
Trả lời thắc mắc của phóng viên vì sao một DN Nhật trong lĩnh vực chăn nuôi và chế biến gà sạch vẫn phải mất nhiều năm mới xuất khẩu được thịt gà về Nhật, ông Muneyuki Todaka, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Koyu & Unitek, giải thích do Việt Nam - Nhật chưa ký kết thỏa thuận xuất khẩu sản phẩm gia cầm. Hơn nữa, Nhật Bản là thị trường khó tính, tiêu chuẩn khắt khe. Trước tiên, công ty phải đạt các tiêu chuẩn của Việt Nam cho quy trình từ trang trại chăn nuôi đến nhà máy chế biến, sau đó theo tiêu chuẩn Nhật nên mất nhiều thời gian.
Cơ hội rộng mở
Ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn, cho biết để xuất khẩu được lô thịt gà đầu tiên, các trang trại đã chuẩn bị từ 10-20 năm bằng việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc tế. Chuỗi liên kết thịt gà dự kiến xuất khẩu từ 300-360 tấn/tháng.
Ngoài gà, chuỗi thịt heo cũng được các DN chuẩn bị tích cực để xuất khẩu sang Hà Lan. Việc xuất khẩu thành công sản phẩm chăn nuôi vào những thị trường khó tính như Nhật, châu Âu khẳng định Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Quá trình xây dựng chuỗi liên kết, ông Hùng khẳng định sẽ cố gắng đưa nhiều nông dân, HTX tham gia xuất khẩu.
Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus khu vực châu Á, nhấn mạnh tiêu chuẩn của Nhật rất cao. Trong 2-3 năm chuẩn bị xuất khẩu, phía Nhật đã rất nhiều lần đến Việt Nam để đánh giá quy trình sản xuất từ con giống, thức ăn, chăn nuôi đến nhà máy, đồng thời tư vấn việc thực hiện và xác nhận đáp ứng yêu cầu của Nhật. Từ đây, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước, ngành chăn nuôi Việt Nam có thể tự tin xuất những sản phẩm chất lượng cao ra thế giới.
Là một DN xây dựng thành công chuỗi thịt gà, có chứng nhận tham gia "Chuỗi thực phẩm an toàn TP HCM", ông Nguyễn Như Sinh, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Chăn nuôi Long Bình, nhìn nhận DN Việt không có lợi thế bằng các tập đoàn toàn cầu. Do vậy, để xuất khẩu được sản phẩm chăn nuôi mang thương hiệu của mình phải có quá trình chuẩn bị lâu dài. Trước mắt, công ty có thể cung cấp gà lông (đạt tiêu chuẩn VietGAP) cho DN xuất khẩu.
Theo ông Bạch Đức Lữu, Giám đốc Cơ quan Thú y vùng 6 (Cục Thú y), mỗi năm, Nhật nhập khẩu khoảng 930.000 tấn sản phẩm gia cầm, một thị trường rất rộng lớn cho Việt Nam sau khi mở cửa thành công. Sau lô đầu tiên, Công ty TNHH Koyu & Unitek đã có kế hoạch cụ thể xuất khẩu nhiều container sản phẩm trong các tháng tiếp theo.
Nhiều nguồn nguyên liệu đạt chuẩn
Theo Cơ quan Thú y vùng 6, địa bàn quản lý của cơ quan này gồm: TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang và Bến Tre. Đây là vùng chăn nuôi tập trung lớn nhất cả nước, đã xây dựng thành công 2 vùng an toàn dịch bệnh là huyện Thống Nhất và huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Về cơ sở an toàn dịch bệnh, 542 cơ sở chăn nuôi gia cầm đạt chứng nhận an toàn với bệnh Newcastle và cúm gia cầm, 452 cơ sở chăn nuôi gia súc đạt chứng nhận an toàn với bệnh lở mồm long móng và tả. Đây là nguồn nguyên liệu để các cơ sở giết mổ, chế biến (đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu thị trường nhập khẩu) thu mua, chế biến thành các sản phẩm xuất khẩu.
Ngọc Ánh
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.