Nguồn tin: Báo Long An, 14/09/2017
Ngày cập nhật:
15/9/2017
Nhiều hộ trên địa bàn huyện Đức Hòa, tỉnh Long An chuyển đổi từ trồng lúa, đậu phộng sang trồng cỏ phục vụ chăn nuôi bò, mang lại hiệu quả kinh tế.
Giảm chi phí thức ăn
Chăn nuôi bò bắt đầu hình thành, phát triển ở huyện Đức Hòa vào năm 1997. Hiện nay, tổng đàn bò thịt của huyện gần 72.000 con và gần 12.000 con bò sữa. Từ khi đàn bò ở huyện phát triển, nhiều hộ đầu tư trồng cỏ, cung cấp nguồn thức ăn cho bò.
Nhờ trồng cỏ, đàn bò sữa của ông Nguyễn Văn Nù có đủ nguồn thức ăn
Khởi nghiệp với nghề nuôi bò thịt nhưng vào năm 2000, ông Nguyễn Văn Nù (65 tuổi), ngụ ấp Tân Hội, xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa chuyển sang nuôi bò sữa. Lúc này, ông nuôi 3 con bò. Vì chưa có nhiều kinh nghiệm nên ông thất bại. Không nản chí, ông tiếp tục học tập kinh nghiệm trong chăn nuôi, đến nay, đàn bò sữa của gia đình ông có 55 con, trong đó, 22 con đang cho sữa.
Ông Nù cho biết: “Sữa bò bảo đảm chất lượng bán với giá 14.000 đồng/kg; còn sữa không đạt chất lượng, giá thu mua thấp hơn. Qua nhiều năm chăn nuôi, tôi nhận thấy, chất lượng sữa phụ thuộc vào nguồn thức ăn cho bò và khâu vệ sinh chuồng trại”.
Thức ăn cho bò sữa gồm thức ăn tinh và thức ăn thô. Trong đó, thức ăn tinh có hèm bia, cám do Công ty Sữa Vinamilk bán cho người nuôi, còn thức ăn thô có cỏ và rơm nhưng chủ yếu là cỏ. Nhằm giảm chi phí nhưng vẫn bảo đảm cung cấp đủ thức ăn cho bò, ông Nù chuyển 1,5ha đất trồng lúa và đậu phộng sang trồng cỏ lông tây. Loại cỏ này phù hợp vùng đất trũng, dễ trồng. Mỗi ngày, ông cắt trên 1 tấn cỏ làm thức ăn cho đàn bò.
Trung bình mỗi ngày, 1 con bò sữa ăn 30kg cỏ, mua với giá 600 đồng/kg. Nhờ trồng cỏ, ông Nù tiết kiệm được hơn 700.000 đồng/ngày tiền thức ăn cho tổng đàn bò.
Phát triển kinh tế
Mỗi tuần, ông Nù bán hơn 1.800kg sữa với giá 14.000 đồng/kg, trừ chi phí, ông lời hơn 10 triệu đồng. Nhờ có nguồn thu nhập khá nên cuộc sống gia đình ông ngày càng ổn định.
Còn ông Lê Văn Tâm (56 tuổi), ngụ ấp Tân Hội, xã Đức Lập Thượng, bắt đầu nuôi bò sữa cách đây gần 4 năm.
Khác với ông Nù, ông Tâm trồng cỏ VA06 vì giống cỏ này thích hợp với vùng đất gò. Với 6.000m2 đất trồng cỏ, mỗi ngày, ông cắt được gần 300kg. Số lượng này vẫn chưa đủ cung cấp nguồn thức ăn cho đàn bò 30 con của gia đình ông, trong đó có 11 con đang cho sữa. Tuy lượng cỏ không đủ cung cấp thức ăn mỗi ngày cho tổng đàn bò nhưng so với lúc trước, việc chăn nuôi của ông Tâm vẫn lời hơn vì tiết kiệm chi phí.
Diện tích đất ruộng của ông Lê Văn Tâm bây giờ chuyển sang trồng cỏ VA06 phục vụ chăn nuôi bò
Ông Tâm giải thích: “Lúc trước, khi không có cỏ hoặc có ít, mỗi ngày, trung bình 1 con bò ăn 6 cuộn rơm, mỗi cuộn 25.000 đồng. Từ khi trồng cỏ, tôi giảm lượng rơm còn 3 cuộn/ngày/con. Tính ra, mỗi ngày, tôi tiết kiệm được 75.000 đồng chi phí thức ăn cho mỗi con bò”.
Nhờ đủ thức ăn nên chất lượng sữa bò đạt yêu cầu và được thu mua với giá 14.000 đồng/kg. Hàng tuần, ông Tâm bán trên 1.100kg sữa bò, lời hơn 5 triệu đồng.
Có thể nói, hầu hết những hộ chăn nuôi bò ở huyện Đức Hòa đều dành một ít diện tích đất ruộng trồng cỏ lông tây, cỏ voi, VA06 hoặc cỏ tạp phục vụ chăn nuôi. Điều này vừa giúp người chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn chất lượng cho đàn bò, vừa tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho gia đình./.
Thùy Hương
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.