Nguồn tin: Báo Quảng Bình, 14/09/2017
Ngày cập nhật:
16/9/2017
Vài năm trở lại đây, huyện Tuyên Hoá (Quảng Bình) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nhân rộng tỷ lệ đàn bò lai, thay thế dần những giống bò cóc bản địa kém hiệu quả về kinh tế. Nhờ vậy, tỷ lệ đàn bò lai của Tuyên Hoá tính đến cuối tháng 8-2017 đã đạt trên 55%, trở thành một trong những địa phương có tỷ lệ bò lai dẫn đầu toàn tỉnh...
Bước đầu UBND huyện Tuyên Hoá đã sớm xây dựng và bắt tay vào triển khai đề án “Phát triển đàn bò lai giai đoạn 2016 - 2020”. Ngay sau khi đề án được ban hành, UBND huyện đã thành lập Ban chỉ đạo đề án.
Hàng năm, Ban chỉ đạo giao chỉ tiêu cụ thể cho các xã, thị trấn và các phòng ban chức năng xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; phối hợp với các ban, ngành đoàn thể tổ chức tuyên truyền, đào tạo, tập huấn, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, huy động mọi nguồn lực để phát triển đàn bò lai.
Bên cạnh đó, các xã, thị trấn ở Tuyên Hoá cũng rất tích cực trong việc xây dựng và ban hành kế hoạch phát triển đàn bò lai giai đoạn 2016 - 2020. Tuy chưa có nghị quyết chuyên đề, nhưng trong nội dung của các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội của cấp uỷ các xã, thị trấn ở Tuyên Hoá đều xác định phát triển đàn bò lai là nhiệm vụ trọng tâm, mũi nhọn đột phá.
Chỉ tính riêng năm 2016, tranh thủ từ nguồn vốn dự án SRDP, Chương trình 135, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới..., Tuyên Hoá đã hỗ trợ cho nông dân mua bò lai và trồng cỏ chăn nuôi với tổng kinh phí trên 6,5 tỷ đồng. Cũng trong năm 2016, UBND huyện Tuyên Hoá còn trích từ nguồn chi sự nghiệp trên 330 triệu đồng để hỗ trợ nông dân đầu tư phát triển sản xuất.
Một trang trại chăn nuôi bò lai tập trung ở xã Mai Hóa, huyện Tuyên Hóa.
Bước sang năm 2017, Tuyên Hoá tiếp tục đưa ra chính sách hỗ trợ chăn nuôi, như: hỗ trợ hộ gia đình chăn nuôi bò lai 50% máu ngoại và tổng đàn thường xuyên có từ 5 con trở lên với mức 300 nghìn đồng/con; hỗ trợ tối đa không quá 6 triệu đồng/hộ và hỗ trợ trang trại chăn nuôi 30 triệu đồng/trang trại.
Để làm tốt về khâu giống, Tuyên Hoá luôn chú trọng đến công tác đào tạo dẫn tinh viên và kỹ thuật viên đình sản bò đực cóc cho các xã, thị trấn. Kết quả, đến nay địa bàn có 7 dẫn tinh viên và 6 kỹ thuật viên đã qua đào tạo. Công tác thú y và phòng, chống đói, rét cho vật nuôi thường xuyên được các cấp chính quyền ở Tuyên Hoá đặc biệt quan tâm.
Thời gian qua, mặc dù dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đã xảy ra ở một số địa phương lân cận, nhưng tại địa bàn Tuyên Hoá vẫn khống chế được và không để lây lan vào địa bàn, tạo thuận lợi trong việc tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, địa phương luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền, hướng dẫn nông dân xây dựng chuồng trại hợp lý, bảo đảm vệ sinh thú y; tổ chức tiêm phòng định kỳ cho đàn trâu, bò đạt trên 90% so với kế hoạch; phun thuốc tiêu độc khử trùng nhằm hạn chế dịch bệnh xảy ra và lây lan trên địa bàn.
Đặc biệt, để bảo đảm môi trường trong chăn nuôi, ngăn ngừa, hạn chế sự ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường sinh thái, huyện Tuyên Hoá đã quy hoạch khu vực chăn nuôi tập trung tại các xã Ngư Hóa, Văn Hóa, Nam Hóa, Cao Quảng, Châu Hóa; tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và hướng dẫn cho người dân xây dựng chuồng trại phù hợp và có hệ thống thu gom, xử lý chất thải hoặc làm hầm biogas; đào tạo 4 lớp kỹ thuật chăn nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò với 125 học viên tham gia; tập huấn trên 45 lớp về kỹ thuật chăn nuôi bò lai, kỹ thuật trồng cỏ, kỹ thuật làm chuồng trại cho hàng trăm lượt người tham gia...
Ông Nguyễn Tri Phương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuyên Hoá cho biết, vừa qua, đơn vị đã chủ động phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện các đề tài, công việc. Quá trình triển khai đã phối giống được 38 con; xây dựng 0,5 ha mô hình trồng cỏ bắc chông tại xã Nam Hóa; tổ chức được nhiều hội thi bò, bê lai tại các xã Văn Hóa, Tiến Hóa, Cao Quảng, Châu Hóa, Đức Hóa, Phong Hóa...
Đến nay, tổng đàn bò ở Tuyên Hoá trên 18.200 con, đạt 131,3% so với kế hoạch, trong đó đàn bò lai chiếm trên 55%. Huyện đã thành lập được 7 tổ hợp tác (THT) chăn nuôi bò tại 4 xã, gồm: Cao Quảng (3 THT chăn nuôi bò lai sinh sản, với 37 hộ tham gia); 4 THT chăn nuôi bò vỗ béo, với 43 hộ tham gia tại các xã Thuận Hóa, Lê Hóa, Kim Hóa. Nhìn chung, các THT nói trên đều được đầu tư kinh phí, tập huấn về kỹ thuật, giữa các tổ và thành viên THT trao đổi thông tin về kỹ thuật, giá, thị trường.
Để thực hiện có hiệu quả đề án “Phát triển đàn bò lai giai đoạn 2016- 2020”, thời gian qua, Tuyên Hoá đã tăng cường mở rộng diện tích đất trồng cỏ phục vụ phát triển chăn nuôi bò; mạnh dạn chuyển đổi những diện tích cây trồng kém hiệu quả sang trồng cỏ chăn nuôi. Nhờ đó, hiện nay, toàn huyện đã trồng được trên 490 ha cỏ. Tính riêng từ đầu năm 2017 đến nay, Tuyên Hoá trồng mới được khoảng 51 ha, đạt 85,2% so với kế hoạch, chủ yếu là giống cỏ VA06.
Văn Minh
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.