Nguồn tin: Báo Hưng Yên, 17/09/2017
Ngày cập nhật:
19/9/2017
Những năm gần đây hoạt động sản xuất con giống cho chăn nuôi luôn được hộ sản xuất và ngành chuyên môn chú trọng bảo đảm về số lượng, nâng cao về chất lượng tiến tới phục vụ đầy đủ nhu cầu chăn nuôi trong tỉnh Hưng Yên và xuất bán.
Một trang trại nuôi lợn tại huyện Tiên Lữ
Theo tổng hợp của ngành nông nghiệp, đàn vật nuôi bố mẹ đang chiếm khoảng 15 – 20% tổng đàn gia súc, gia cầm toàn tỉnh. Tương đương với số lượng 15 – 16 triệu con gia cầm bố mẹ; 10 – 12 nghìn con lợn nái, lợn đực giống; 6 – 7 nghìn con bò sinh sản. Việc tự sản xuất con giống trong chăn nuôi vốn là hoạt động được các trang trại, gia trại và cả nông hộ trong tỉnh thực hiện từ nhiều năm nay. Ban đầu, con giống được sản xuất theo hình thức “tự cung, tự cấp”, tức là vừa nuôi sinh sản, vừa nuôi thương phẩm. Từ quy mô nhỏ: 1 – 2 con lợn nái, sinh sản ra vài chục con lợn nuôi thành lợn thịt thương phẩm mỗi lứa, hay vài chục, vài trăm con gia cầm bố mẹ để đẻ trứng, ấp nở thành gia cầm con nuôi thương phẩm…. Đến nay đã phát triển thành những trang trại chăn nuôi quy mô lớn với hàng trăm đầu lợn nái; hàng nghìn con gia cầm sinh sản/trang trại; áp dụng biện pháp thụ tinh nhân tạo cho cả gia súc và gia cầm để nâng cao năng suất, chất lượng đàn vật nuôi giống.
Trên thực tế, hoạt động sản xuất giống vật nuôi có ở tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh và ngày càng đáp ứng được nhu cầu sử dụng giống vật nuôi của nông hộ. Người nuôi cũng từng bước tích cực trong việc cập nhật các giống mới, cho hiệu quả kinh tế cao. Thông qua việc hợp tác giữa cơ sở sản xuất con giống và hộ chuyên nuôi thương phẩm, dần hình thành những chuỗi liên kết sản xuất mang tính hàng hóa và chuyên nghiệp hơn. Anh Đỗ Văn Toàn, hộ chăn nuôi gà Đông Tảo giống tại huyện Khoái Châu chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi nuôi cả gà sinh sản, gà thịt với quy mô nhỏ, sau này nhận thấy nhu cầu gây nuôi gà Đông Tảo của người dân tăng lên tôi đã chuyển hướng sang nuôi gà sinh sản để sản xuất quy mô lớn hơn, tăng hiệu quả kinh tế. Tôi duy trì và bảo tồn đàn gà bố mẹ thuần chủng chất lượng cao, nuôi hình thức quây nhốt bán chăn thả, có lò ấp đạt tiêu chuẩn kỹ thuật và bước đầu áp dụng việc thụ tinh nhân tạo cho gà, giúp đàn gà sinh sản đều hơn, tỷ lệ trứng nở cao hơn, con giống khỏe mạnh hơn. Mỗi lứa ấp nở, tôi bán ra thị trường từ 800 – 1000 gà giống”.
Cũng nhờ sự phát triển của các hộ sản xuất, kinh doanh con giống vật nuôi trên địa bàn tỉnh mà người chăn nuôi các huyện, thành phố có thể dễ dàng mua được con giống. Tuy nhiên, một thực tế là chất lượng con giống được sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh chưa đồng đều. Hầu hết các hộ sản xuất con giống vật nuôi trong tỉnh hiện nay đều xuất phát từ các hộ nuôi nhỏ lẻ, sản xuất từ những kinh nghiệm vốn có hoặc được cha ông truyền lại, sau đó mở rộng sản xuất, từng bước cập nhật công nghệ kỹ thuật mới. Do sản xuất con giống luôn đòi hỏi chi phí cao hơn hẳn về chuồng trại, điều kiện chăm sóc, lao động có tay nghề kỹ thuật cao hơn, nên không phải hộ chăn nuôi nào cũng có thể đầu tư cho hoạt động này. Quy mô nhỏ lẻ, điều kiện hạn chế khiến các hộ sản xuất phải đối mặt với nhiều nguy cơ như: Gia tăng tỷ lệ hao hụt; dịch bệnh; suy giảm chất lượng đàn giống do già yếu, cận huyết… Mua phải những giống vật nuôi chất lượng kém cũng đồng nghĩa với việc ảnh hưởng trực tiếp tới năng suất, hiệu quả chăn nuôi của nông hộ, bên cạnh đó còn có nguy cơ về mất an toàn dịch bệnh nếu đàn vật nuôi bố mẹ mất an toàn, không được phòng bệnh đầy đủ.
Từng bước nâng cao chất lượng giống vật nuôi, đáp ứng tốt nhu cầu chăn nuôi của nông dân trong tỉnh và xuất bán con giống theo hướng hàng hóa là mục tiêu của hoạt động sản xuất con giống trong thời gian tới của tỉnh. Đồng hành với người sản xuất, Ban quản lý các dự án phát triển chăn nuôi của tỉnh những năm qua đã hỗ trợ nông dân sản xuất con giống dưới nhiều hình thức như: Hỗ trợ biện pháp kỹ thuật, sản xuất và gây nuôi giống vật nuôi theo hướng an toàn; hỗ trợ đàn vật nuôi bố mẹ; hỗ trợ đàn con giống nuôi thương phẩm… Trong năm 2016, Ban quản lý các dự án phát triển chăn nuôi của tỉnh đã hỗ trợ 51700 con giống gà Đông Tảo; 43 hộ chăn nuôi bò được hỗ trợ mua con giống với tổng số 277 con; 18 hộ nuôi lợn được hỗ trợ mua con giống với tổng số 730 con. Ông Nguyễn Đình Tưởng, Trưởng phòng Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và PTNT), Phó trưởng Ban quản lý các dự án phát triển chăn nuôi của tỉnh cho biết: “Năm 2017, tỉnh tiếp tục có kế hoạch hỗ trợ nông dân trong sản xuất con giống, phát triển đàn vật nuôi chất lượng cao với khoảng hơn 20 nghìn con gia súc, gia cầm các loại. Đây là điều kiện thuận lợi để người sản xuất giống, hộ chăn nuôi phát triển, có định hướng tốt hơn trong nâng cao chất lượng đàn giống. Người chăn nuôi trong tỉnh có nhu cầu trong hỗ trợ sản xuất con giống có thể liên hệ trực tiếp với Phòng Nông nghiệp và PTNT các huyện, thành phố để được hướng dẫn tham gia các dự án. Trong hoạt động sản xuất, kinh doanh con giống, ngoài bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất kỹ thuật, người nuôi cần chú ý bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường, thường xuyên tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, tiêm phòng đầy đủ định kỳ cho đàn vật nuôi khi đến tuổi; thải loại vật nuôi bố mẹ hoặc đàn giống chất lượng kém”.
Vi Ngoan
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.