Nguồn tin: Hà Nội mới, 27/09/2017
Ngày cập nhật:
28/9/2017
Trong bối cảnh ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã phát huy tốt vai trò “điểm tựa” vững chắc giúp người chăn nuôi, doanh nghiệp, hợp tác xã vực dậy sau “cú sốc” giá lợn hơi giảm mạnh vừa qua…
Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội hướng dẫn nông dân kỹ thuật chăm sóc bò.
Phát triển chăn nuôi ổn định
Được sự tư vấn của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ thủy sản Tiên Ninh, xã Tiên Phong (huyện Ba Vì) đã chuyển hướng từ chăn nuôi công nghiệp sang chăn nuôi an toàn sinh học và hữu cơ. Toàn bộ khu chuồng trại mới xây dựng của hợp tác xã đều sử dụng đệm lót sinh học. Với thức ăn cho đàn vật nuôi, hợp tác xã tự mua nguyên liệu cám mì, khô dầu đậu tương, ngô… về phối trộn. Đến nay, Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ thủy sản Tiên Ninh đang chăn nuôi 300 con lợn hữu cơ.
Nếu thị trường tiêu thụ tốt, hợp tác xã sẽ tăng quy mô lên 1.000 con vào cuối năm nay. Hợp tác xã cũng đã hoàn thiện khu giết mổ đạt tiêu chuẩn vệ sinh thú y, quy mô từ 20 đến 30 con lợn/ngày, sản phẩm được đóng gói bao bì, cấp mát, đông đạt tiêu chuẩn. Anh Trần Quang Tùng, Hội đồng thành viên Hợp tác xã Chăn nuôi dịch vụ thủy sản Tiên Ninh cho hay: “Nhờ được Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội định hướng, hỗ trợ kỹ thuật, phương thức tổ chức sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm… nên đơn vị không những trụ vững được trong khó khăn mà còn tìm được hướng phát triển mới bền vững, theo xu thế tiêu dùng an toàn chất lượng cao”.
Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, từ cuối năm 2016 đến nay, Trung tâm đã ban hành 10 văn bản chỉ đạo, phối hợp thực hiện các biện pháp ổn định tình hình chăn nuôi, hỗ trợ nông dân tiêu thụ lợn. Ngay từ khi giá lợn trên thị trường là 34 nghìn đồng/kg, Trung tâm đã ban hành các văn bản nhằm tư vấn bảo đảm an toàn dịch bệnh, ổn định phát triển đàn lợn trên địa bàn các huyện, thị xã; triển khai, thực hiện cụ thể các giải pháp như: Tăng cường sản xuất thịt mát, thịt cấp đông bảo đảm an toàn thực phẩm; đề xuất giải pháp và cơ chế hỗ trợ ổn định phát triển chăn nuôi lợn...
Đẩy mạnh tư vấn, hỗ trợ nông dân
Ngoài đa dạng các hình thức hỗ trợ nông dân, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội còn đẩy mạnh tư vấn cho người chăn nuôi, tổ chức sản xuất, áp dụng các giải pháp kỹ thuật nhằm hạ giá thành sản xuất. Cụ thể, đơn vị đã tư vấn cho các trại chăn nuôi lợn nái quy mô lớn thải loại lợn nái kém chất lượng (dựa trên 13 tiêu chí loại thải do chuyên gia tư vấn) và hướng dẫn người chăn nuôi tự phối trộn thức ăn nhằm giảm giá thành và tận dụng nguồn nguyên liệu trong nước, nhất là đối với đàn lợn thịt. Kết quả, các trại chăn nuôi đã tự loại thải từ 15 đến 20% đàn lợn nái, giá thức ăn tự phối trộn giảm được từ 1.000 đến 1.500 đồng/kg. Đối với chăn nuôi bò, đơn vị đã tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật tại các xã chăn nuôi bò sữa trọng điểm, giúp nông dân thực hiện tốt quy trình chăn nuôi, thải loại bò kém chất lượng, bảo đảm chất lượng sữa theo yêu cầu bên thu mua...
Cùng với hỗ trợ, tư vấn về phương thức sản xuất, kỹ thuật mới, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội đã tích cực tìm kiếm, kết nối với doanh nghiệp giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm. Ông Tạ Văn Tường cho biết thêm, ngoài tư vấn, hỗ trợ cho người chăn nuôi tiếp cận hiệu quả các chính sách, chương trình phát triển chăn nuôi của Trung ương và thành phố, đơn vị còn phối kết hợp với các nhà khoa học, chuyên gia uy tín trong lĩnh vực chăn nuôi, giúp nông dân chuyển đổi sản xuất hiệu quả.
Trong đó có việc kết nối hiệu quả với doanh nghiệp trên cơ sở xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm bền vững. Mới đây, Trung tâm đã tổ chức buổi cung cấp thông tin tới các doanh nghiệp, hợp tác xã, nhóm hộ chăn nuôi lợn, gà... quy mô lớn tại tất cả các huyện, thị xã, giúp người chăn nuôi kịp thời nắm bắt tình hình chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm và đưa ra dự báo trong thời gian tới; đồng thời tư vấn, triển khai các giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm khắc phục hạn chế, tháo gỡ khó khăn trong xây dựng chuỗi giá trị. Hiện Trung tâm tiếp tục củng cố 23 chuỗi liên kết từ chăn nuôi - tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn thành phố...
Từ đầu năm đến nay, để giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ chăn nuôi nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội tổ chức 79 lớp tập huấn với hơn 4.000 hộ chăn nuôi tham gia; 1 khóa đào tạo về phát triển chăn nuôi theo chuỗi cho cán bộ giám sát chuỗi; thực hiện 34.408 ca thụ tinh nhân tạo cho bò và tổ chức 9 hội nghị, hội thảo, 12 đoàn tham quan, học tập kinh nghiệm; triển khai hiệu quả 4 mô hình chăn nuôi; ký kết 8 văn bản hợp tác chuyên môn với các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố...
Sơn Tùng
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.