Nguồn tin: Sài Gòn giải phóng, 29/09/2017
Ngày cập nhật:
1/10/2017
Với diện tích đất nhà có sẵn, ông Hòa đầu tư vào chăn nuôi bò sữa. Ban đầu chỉ nuôi 2 con, sau đó vay vốn ngân hàng mua thêm nhiều con bò tơ từ 8 - 10 tháng tuổi về nuôi dưỡng.
“Dù làm bất cứ công việc gì, muốn thành công thì trước hết phải biết mình, biết ta. Trong trồng trọt, chăn nuôi cũng vậy, ngoài sự cần cù, tận tụy thì người nông dân còn phải biết nắm bắt thị trường, phải nhạy bén và biết liên kết với công ty bao tiêu sản phẩm”. Đó là bí quyết thành công của ông Trương Văn Hòa - nông dân chăn nuôi bò sữa giỏi tại huyện Hóc Môn.
Ông Trương Văn Hòa (ngụ số 375 ấp Nhị Tân, xã Tân Thới Nhì) hồ hởi khoe: “Nhà chỉ có 2 vợ chồng là lao động chính nhưng vẫn nuôi được 20 con bò sữa, cho thu nhập gần 250 triệu đồng mỗi năm”.
Ông Trương Văn Hòa
Trước đây, ông Hòa là kỹ sư của Liên hiệp xí nghiệp Ba Son, sau đó công tác trong quân đội (14 năm). Đến năm 1998, ông phục viên, về lại địa phương và bắt đầu làm nghề nông nghiệp truyền thống của gia đình.
Với diện tích đất nhà có sẵn, ông đầu tư vào chăn nuôi bò sữa. Ban đầu chỉ nuôi 2 con, sau đó vay vốn ngân hàng mua thêm nhiều con bò tơ từ 8 - 10 tháng tuổi về nuôi dưỡng.
Qua quá trình chăm sóc, ông Hòa chọn những con bò đạt chuẩn để lại nuôi, còn những con không đạt chuẩn thì loại thải. Thời điểm cao nhất là năm 2013, gia đình ông có 30 con bò cái vắt sữa, đến nay thì duy trì khoảng 20 con.
Ông Hòa cho biết: “Nuôi nhiều bò như vậy, nhưng tôi không phải vất vả và lo lắng gì, vì đã được Trung tâm Khuyến nông TPHCM đầu tư cho máy vắt sữa đôi (năm 2013) qua đó giúp giảm công lao động, hạn chế sữa bị nhiễm bệnh so với cách vắt bằng tay.
Thức ăn cho bò thì đã ký kết Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) chuyển giao với giá rẻ hơn mua ngoài khoảng 10.000 đồng/bao, không phải đưa tiền trước mà sẽ trừ vô tiền thu mua sữa hàng tuần, sản phẩm thì được bao tiêu với giá ổn định.
Theo tôi, liên kết với Vinamilk, người chăn nuôi bò sữa ở TPHCM sẽ được bao tiêu sản phẩm và được tư vấn kịp thời về kỹ thuật nuôi, phòng ngừa dịch bệnh… Có thể xem đây là hướng đi mới cho người nông dân chăn nuôi hiện nay.
Trong quá trình nuôi bò, ông Hòa tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm. Ví dụ như chọn bò sữa giống phải có vóc dáng cân đối, khỏe mạnh. Nếu con nào cho năng suất sữa thấp (trung bình dưới 15kg/ngày) thì cần loại thải sớm, thay mới bằng giống cho năng suất sữa cao hơn.
Chuồng nuôi phải đảm bảo thoáng mát, có hệ thống máy phun sương làm mát chuồng nhằm giữ cho nhiệt độ chuồng và thân nhiệt bò luôn ổn định ở ngưỡng thích hợp, tránh việc bò bị stress do nóng.
Để bò luôn cho sản lượng sữa cao, bên cạnh đảm bảo đủ số lượng, chất lượng thức ăn tinh theo quy trình hướng dẫn, cần trồng cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn thô xanh cho bò.
Vắt sữa cần đúng giờ. Trước khi tiến hành vắt sữa phải vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và tắm cho bò, rồi dùng khăn bông ẩm lau sạch các bầu vú. Khi vắt sữa xong phải sát trùng các bầu vú, để tránh vi khuẩn xâm nhiễm gây viêm vú.
Để thành công như ngày hôm nay, ngoài bí quyết trong chăn nuôi thì sự quyết đoán, nhạy bén với thị trường đã giúp ông Hòa rất nhiều. Chẳng hạn ông đã quyết định trồng thêm hàng trăm cây sala nhập từ Thái Lan với giá giống chỉ từ 1.000 - 1.500 đồng/cây, sau 2 năm trồng thì bán được 700.000 đồng/cây và có khi được giá đến 5 triệu đồng/cây, giúp tăng thu nhập cho gia đình.
Nói về công việc sắp tới, ông Hòa cho biết: “Điều khó khăn trong chăn nuôi hiện nay là xã đang xây dựng nông thôn mới, nên hộ chăn nuôi nằm trong khu dân cư sẽ phải dời ra ngoài với chi phí cao.
Bên cạnh đó, giá sữa vẫn đang thấp hơn so với yêu cầu; bò nuôi thì ngày càng có nhiều dịch bệnh phát sinh vì thời tiết khí hậu thất thường. Thời gian tới tôi chỉ duy trì số lượng đàn bò hiện tại, như thế cũng đủ mức sống cho gia đình. Nhà có 3 người con thì 2 đã lập gia đình và tôi cũng đã hỗ trợ cho chúng ổn định, có nhà cửa đàng hoàng, tất cả cũng nhờ vào đàn bò sữa”.
20 năm qua gia đình ông Hòa liên tục nuôi bò sữa thành công, đạt thu nhập cao ổn định, năng suất sữa đạt hơn 15kg - 18kg/ngày/con. Mỗi ngày trung bình xuất hơn 800kg sữa, với giá hiện tại từ 11.000 - 13.000 đồng/kg, tính ra mỗi tháng ông Hòa thu hơn 30 triệu đồng, sau khi trừ chi phí và công cán thì còn lãi gần 20 triệu đồng. Phân bò được tận dụng ủ u-rê với kali cho hoai để bón cho đồng cỏ voi, cỏ VA06 (5.000m2) - cỏ trồng làm thức ăn cho bò, nuôi theo một quy trình khép kín.
Vân Tâm
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.