Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 27/09/2017
Ngày cập nhật:
1/10/2017
Nhằm thúc đẩy nhanh việc xóa đói giảm nghèo bền vững trên địa bàn, những năm qua huyện Đakrông (Quảng Trị) đã được nhiều chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ để giúp người dân có điều kiện phát triển kinh tế như chương trình 30 a, chương trình 135, phương án 39… Nhiều mô hình sản xuất được đưa vào triển khai thí điểm nhằm tìm ra mô hình sản xuất phù hợp với điều kiện tự nhiên và trình độ, tập quán canh tác của người dân để nhân rộng, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Phát triển đàn dê ở miền núi
Trong số đó có mô hình nuôi dê sinh sản được người dân triển khai có hiệu quả, khai thác được lợi thế vùng núi và phù hợp với trình độ sản xuất của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Với số kinh phí hỗ trợ 300 triệu đồng, năm 2015 chương trình 135 triển khai thực hiện mô hình nuôi dê sinh sản đã hỗ trợ cho 30 hộ gia đình ở xã Đakrông, huyện Đakrông 60 con dê cái.
Được hỗ trợ dê cái sinh sản, các hộ dân tập trung đầu tư chăm sóc và tìm nguồn giống dê đực để lai cho sinh sản. Đến nay, các hộ gia đình đã thực hiện tốt mô hình nuôi dê sinh sản, từ 2 con dê ban đầu đã sinh sản ra 8- 12 con. Gia đình anh Hồ Văn Hoan ở thôn Klu, xã Đakrông, huyện Đakrông từ ngày được chương trình 135 hỗ trợ 2 con dê cái như được tiếp thêm quyết tâm vươn lên thoát nghèo.
Kỹ thuật chăn nuôi dê không khó cùng với đức tính cần cù chịu khó, anh Hoan dễ dàng chăm đàn dê phát triển khỏe mạnh. Dê tăng trưởng nhanh, ít bệnh tật. Chỉ hơn 1 năm sau khi nhận dê cái về nuôi, gia đình anh Hoan đã đón lứa dê con đầu tiên. Đến nay, cả 2 con dê cái được hỗ trợ đã đẻ được 2 lứa, mỗi lứa đẻ 2 con/mẹ. Đàn dê của gia đình anh Hoan đã phát triển thêm được 8 con. Hiện nay, 2 con dê cái được hỗ trợ ban đầu chuẩn bị sinh sản tiếp thêm 4 con nữa, tổng cộng trong năm 2017 này, gia đình anh Hoan có đàn dê 12 con.
Anh Hoan cho biết: “Được hỗ trợ dê cái sinh sản, gia đình tôi mừng lắm, vợ chồng tôi bảo nhau cố gắng chăm sóc dê để phát triển tốt đàn dê là cách để thoát nghèo. Từ đó đến nay, gia đình tôi rất chăm chỉ chăm sóc dê từ thức ăn đến theo dõi phòng trừ dịch bệnh. Bây giờ có đàn dê khỏe mạnh như vậy, gia đình tôi hy vọng sẽ hết nghèo.”
Nguồn vốn hỗ trợ giúp dân giảm nghèo đã thực hiện khá hiệu quả trên địa bàn huyện Đakrông. Hộ đồng bào nghèo khi được hỗ trợ để phát triển kinh tế trên cơ sở năng lực của từng hộ dân nên đã biết sử dụng nguồn hỗ trợ đúng mục đích. Một phần nữa là nhờ sau khi hỗ trợ vốn, ngành chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ việc triển khai sản xuất, chăn nuôi của người dân, tổ chức tập huấn trang bị kiến thức cho họ nên phần lớn hộ được hỗ trợ đều phát huy tốt nguồn vốn này tạo đà để phát triển nhanh kinh tế gia đình.
Ông Hồ Văn Đang, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triên nông thôn huyện Đakrông cho biết: “Các nguồn vốn giảm nghèo khi hỗ trợ cho dân đều có khảo sát lợi thế của từng vùng và năng lực sản xuất của người dân nên việc hỗ trợ phát triển nuôi dê là rất đúng hướng. Hầu hết các hộ được hỗ trợ giống dê ban đầu đều phát triển tốt đàn dê. Từ đó, tạo động lực và điều kiện cho các hộ nghèo mở rộng thêm sản xuất, có nguồn thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo và làm giàu”.
Đakrông là huyện miền núi rất thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc. Hiện nay, ngoài nguồn thức ăn từ tự nhiên thì diện tích đất đai ở huyện Đakrông còn rộng lớn là điều kiện tốt để phát triển đồng cỏ và các loại cây trồng phục vụ chăn nuôi. Ngoài chăn nuôi bò, trâu, thì chăn nuôi dê mang lại hiệu quả cao. Kỹ thuật chăm sóc dê không khó, thức ăn lại sẵn có và có nhiều nên khá dễ dàng để phát triển nuôi dê.
Dê sinh sản nhanh lại đầu tư ít, thị trường tiêu thụ thịt dê cung không đủ cầu nên vừa có lãi cao vừa không lo về đầu ra sản phẩm. Hiện tại mỗi cân thịt dê hơi khoảng từ 80- 140 ngàn đồng tùy theo từng giống dê và độ tuổi của dê (giá thịt dê tơ thường cao gần gấp đôi giá thịt dê già), giá thịt dê lại ít tăng giảm thất thường nên người nuôi dê có nguồn thu nhập khá ổn định. Nhiều hộ ở Đakrông không có nguồn vốn hỗ trợ của các chương trình, dự án cũng tự đầu tư vốn để nuôi dê và mang lại hiệu quả cao.
Hiện nay tổng số đàn dê trên địa bàn huyện Đakrông có gần 7.000 con. Dê tăng trưởng nhanh, chỉ cần khoảng sau 7- 8 tháng dê đạt tuổi trưởng thành có trọng lượng khoảng 35- 38 kg. Người dân sau khi lựa chọn để lại dê giống để phát triển đàn còn lại phục vụ bán dê thịt. Mỗi cặp dê cái ban đầu sau 2 năm phát triển thành 12 con trị giá hơn 40 triệu đồng. Đây là một trong những mô hình chăn nuôi có tỷ lệ sinh lời cao, trong khi đầu tư vốn lại ít.
Với điều kiện tự nhiên thuận lợi như Đakrông, việc phát triển chăn nuôi gia súc, trong đó có chăn nuôi dê là một hướng đi đúng và hiệu quả, thúc đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế, xã hội.
Trần Cát Linh
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.