Nguồn tin: Báo Phú Yên, 02/10/2017
Ngày cập nhật:
3/10/2017
Th.S Nguyễn Trọng Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao công nghệ (UDCGCN) tỉnh Phú Yên vừa báo cáo kết quả thực hiện dự án: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhà nuôi chim yến và quy hoạch vùng, làng nghề nuôi chim yến tại Phú Yên”. Dự án vừa kết thúc trong tháng 9/2017, gồm có 4 mô hình nuôi chim yến áp dụng kỹ thuật tiên tiến, cho hiệu quả cao lần đầu tiên được cơ quan có chuyên môn phối hợp với Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa (gọi tắt là Công ty Yến sào Khánh Hòa) khảo sát, chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh Phú Yên.
Chuyên viên Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa lấy mẫu tổ yến tại nhà yến ông Phạm Huỳnh Nam - Ảnh: Thái Hà
Ứng dụng kỹ thuật tiên tiến
Công ty Yến sào Khánh Hòa là đơn vị đi đầu trong việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến để nuôi chim yến đảo thiên nhiên và trong nhà. Trước hiện trạng người dân phát triển xây dựng nhà yến mang tính tự phát, tự làm, không nắm vững kỹ thuật và không mang lại hiệu quả kinh tế, công ty đã cùng với Trung tâm UDCGCN chuyển giao kỹ thuật nuôi chim yến tiên tiến, giúp các hộ nuôi yến đạt hiệu quả cao.
Trước khi lựa chọn vị trí hộ tham gia mô hình, Trung tâm UDCGCN và Công ty Yến sào Khánh Hòa đã điều tra tổng thể vùng có khả năng nuôi chim yến để lựa chọn các hộ đăng ký trong vùng có tiềm năng và tiềm lực kinh tế. Qua quá trình khảo sát thực tế từ tháng 8-9/2014 về điều kiện tự nhiên khí hậu, vùng kiếm ăn của chim, đường bay kiếm ăn hàng ngày, sự phân bố nhà yến hiện hữu… Công ty Yến sào Khánh Hòa đã đề xuất các khu vực, vị trí được xếp vào thứ tự các vùng ưu tiên để việc xây nhà yến cho hiệu quả cao nhất và chọn 4 hộ tham gia mô hình có các điều kiện như: nằm trên đường chim bay, gần khu kiếm ăn thường xuyên của chim yến, có đồng ruộng và dọc các dòng sông lớn…
Bên cạnh việc chọn vị trí xây dựng và môi trường phù hợp để đàn chim yến phát triển, đơn vị tư vấn còn xác định diện tích xây dựng nhà yến để đạt hiệu quả kinh tế; thiết kế điều kiện kỹ thuật, lắp đặt đầy đủ các trang thiết bị hỗ trợ chuyên dụng cho nhà yến do chính Công ty Yến sào Khánh Hòa nghiên cứu chế tạo như: hệ thống giá tổ bằng gỗ cho chim, hệ thống âm thanh dẫn dụ chim yến, hệ thống phun sương và các hợp chất dẫn dụ tạo mùi bầy đàn cho nhà yến. Các trang thiết bị này được lắp đặt theo quy trình và tạo môi trường thuận lợi tối ưu cho sự phát triển của chim yến.
Sau khi hoàn thành việc xây dựng nhà yến, phía cơ quan chủ trì và chủ nhiệm dự án đã cử cán bộ kỹ thuật phối hợp với cơ quan chuyển giao công nghệ (Công ty Yến sào Khánh Hòa) và hộ tham gia mô hình vận hành, theo dõi nhà yến. Mỗi mô hình dự án, trung tâm cử 1 cán bộ kỹ thuật giám sát, theo dõi và định kỳ, cơ quan chủ trì cùng với chủ nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung công việc của dự án.
Kết quả khả quan
Chúng tôi đến nhà yến của ông Phạm Huỳnh Nam (thôn Phú Vang, xã Hòa Kiến, TP Tuy Hòa) vào một buổi trưa nắng gay gắt, cũng là thời điểm nhiều chim bay ra khỏi tổ để đi kiếm ăn. Nhà yến của ông Phạm Huỳnh Nam được xây dựng từ tháng 8/2015, với diện tích nuôi 400m2 và đi vào hoạt động không lâu sau đó. Để tạo môi trường sinh thái phù hợp cho sự phát triển đàn yến, ông Nam đã trồng các loại cây xanh như chuối, mãng cầu, cỏ, cây keo lai và xây hồ nước... xung quanh khu vực nhà yến. Khi điều kiện sống được chuẩn bị kỹ lưỡng, phía đơn vị chuyển giao công nghệ đã di đàn chim yến ấp nở nhân tạo vào nhà yến 3 đợt với số lượng 183 con. Sau khi di đàn 2 tháng, chim yến đã ở và bắt đầu làm tổ và sau 24 tháng, đã xây được 97 tổ. Trong đó, nhiều tổ chim bắt đầu làm lớp tổ thứ 2 trên lớp tổ cũ. Các tổ yến này bắt đầu khai thác được khi chim không còn sử dụng tổ để sinh sản hoặc sau khi chim con đã bay hết.
Với sự nỗ lực của cơ quan chủ trì, chủ nhiệm dự án, cơ quan chuyển giao công nghệ và các hộ dân, sau hai năm hoạt động, các nhà yến đều có chim ở lại sinh sống và sinh sản. Số lượng tổ đạt được từ 15-97 tổ/nhà, lượng chim từ 50-300 con/nhà. Trong đó, có 2 nhà yến được đánh giá số lượng chim yến phát triển nhanh; hai nhà yến còn lại mức độ phát triển ở mức trung bình. Dự án đã đạt, vượt quy mô và số lượng thuyết minh phê duyệt.
Theo ông Nguyễn Trọng Lực, hiện tại chưa đánh giá hiệu quả kinh tế nhưng đến khi mô hình phát triển ổn định thì mỗi năm 1 cặp chim yến có thể làm tổ, đẻ trứng từ 3-4 đợt, các chú chim non sau này lớn lên thường tìm về nơi sinh ra để làm tổ. Vì vậy, sau khi xây nhà yến, cần 1-2 năm để gầy dựng đàn yến và phải chờ 3-5 năm sau, khi đàn chim yến phát triển tốt thì mới mang lại lợi nhuận. Theo kết quả điều tra khảo sát, nếu nuôi chim yến thành công, chỉ khoảng 5-7 năm là có thể thu hồi vốn.
Nhận xét về ý nghĩa mà dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nhà nuôi chim yến và quy hoạch vùng, làng nghề nuôi chim yến tại Phú Yên” mang lại, bà Đặng Thị Thủy, Giám đốc Trung tâm UDCGCN cho rằng, nuôi chim yến lấy tổ đóng góp vào nguồn thu ngân sách cho nền kinh tế của tỉnh nhà, mở thêm hướng mới cho phát triển kinh tế bền vững ở tỉnh Phú Yên, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động ở địa phương và góp phần đa dạng hóa vật nuôi, tạo ra thêm sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân.
Thái Hà
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.